Y tế

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười: “Cộng đồng trách nhiệm kiểm soát thực phẩm chức năng giả, thuốc giả”

LÊ PHƯỚC LAN NHI 23/05/2025 08:30

Những ngày qua, ở một số địa phương trong nước, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, không rõ nguồn gốc. Quảng Nam kiểm soát việc này ra sao? Để làm rõ, phóng viên Báo và Đài PT-TH Quảng Nam có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam xung quanh vấn đề này.

ANH BS MAI VAN MUOI 1
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười. Ảnh: LÊ PHƯỚC LAN NHI

PV: Thưa ông, trước tình hình nhiều nơi trong cả nước gia tăng vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, không rõ nguồn gốc..., ngành y tế Quảng Nam đã có động thái gì nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng này?

Ông Mai Văn Mười: Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan kiên quyết đấu tranh phòng chống sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả.

Đồng thời thông tin tuyên truyền rộng rãi, khuyến cáo cho người dân được biết danh mục các sản phẩm sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả cũng như danh sách các công ty sản xuất, phân phối các mặt hàng này theo công bố của Bộ Công an và Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sở thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để triển khai công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh. Các đoàn chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các loại sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Nội dung kiểm tra còn chú trọng đến việc duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP); việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc.

Các đoàn cũng lưu ý kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về lĩnh vực dược, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quy trình cấp cứu, quy trình chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

PV: Vừa qua, nhiều vụ nghiêm trọng liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, mà đặc biệt sữa giả, thuốc giả tràn vào tận bệnh viện. Sở Y tế có những lưu ý gì đối với những cơ sở kinh doanh dược để tránh vấn nạn này xuất hiện ở Quảng Nam, thưa ông?

Ông Mai Văn Mười: Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh về hành nghề dược; thường xuyên cập nhật các văn bản về quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm. Kiểm tra, rà soát hàng hóa, thu hồi sản phẩm có dấu hiệu giả, kém chất lượng (nếu có), đồng thời báo cáo về Sở Y tế.

Các cơ sở sản xuất, bán buôn thuốc, thực hiện đúng các quy định trong sản xuất, kinh doanh thuốc. Tuyệt đối không cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc không đúng với phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; kết nối phần mềm quản lý thuốc liên thông theo đúng quy định để quản lý quá trình phân phối thuốc đến các cơ sở.

Cơ sở bán lẻ thuốc chỉ được mua bán các loại thuốc được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn, kết nối phần mềm thuốc liên thông theo quy định về bán lẻ thuốc.

Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu thuốc giả; thu hồi các loại sản phẩm giả đã bị phát hiện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

z6516958909029_faeafe8dfcdb61d861d98d8264ce007d(1).jpg
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm do Sở Y tế chủ trì kiểm tra tại một cơ sở bán thực phẩm dinh dưỡng ở Hội An. Ảnh: LAN NHI

PV: Việc chống hàng giả, chống thực phẩm bẩn, kiểm soát thực phẩm chức năng giả, thuốc giả chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ giữa y tế, công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự cảnh giác của người dân. Chia sẻ của ông về vấn đề này?

Ông Mai Văn Mười: Đúng vậy, việc kiểm soát thực phẩm chức năng giả, thuốc giả chỉ thực sự hiệu quả khi toàn xã hội cùng tham gia. Bởi lẽ, công việc này rất quan trọng, mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ, một mình ngành y tế không thể kiểm soát tất cả. Do đó cần huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của nhân dân mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Qua đó có thể đấu tranh hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Thực hiện hiệu quả điều này cũng chính là bảo vệ an ninh, vì an toàn sức khỏe nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười: “Cộng đồng trách nhiệm kiểm soát thực phẩm chức năng giả, thuốc giả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO