Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 không gì khác chính là tập trung phát triển toàn diện miền núi nhằm tác động giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững. Từ hỗ trợ bằng chính sách, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, lồng ghép nguồn lực giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới... cũng đều nhằm vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
MIỀN NÚI VỚI BÀI TOÁN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 ở toàn bộ huyện miền núi cao của tỉnh vọt lên con số cao. Bài toán giảm nghèo bền vững lần nữa được đặt ra. Những hướng đi căn cơ, hiệu quả đang được bàn tính nhằm tạo động lực mạnh, toàn diện nhất ở khu vực miền núi.
Thoát nghèo bền vững
Năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 33.127 hộ, tỷ lệ 7,59% (tăng 10.759 hộ, tương ứng tăng 2,36% so với năm 2020). Hộ nghèo tập trung phần lớn ở khu vực miền núi, khiến bài toán giảm nghèo càng lúc càng khó hơn. Giảm nghèo bền vững đòi hỏi một hướng đi bền vững tại chỗ, để hộ nghèo không đứng mãi trên bờ vực chông chênh giữa nghèo và thoát nghèo.
Ông Nguyễn Viết Sơn ở thôn Tuy Hòa (xã Bình Sơn, Hiệp Đức) cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, nhờ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan của huyện tạo điều kiện thuận lợi, ông được nhiều kênh cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mô hình nuôi bò nái lai sinh sản với số lượng 12 con nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Từ năm 2017 - 2021, hằng năm đàn bò nái đẻ 12 con. Nuôi bò con khoảng 1 năm tuổi thì ông đồng loạt xuất chuồng với giá bán mỗi con 10 - 12 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình ông Sơn thu về 120 - 144 triệu đồng từ mô hình nuôi bò nái lai sinh sản và đã thực sự thoát nghèo.
Ông Sơn nói: “Có nguồn vốn tương đối khá, đầu năm 2022 này tôi đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, cải tạo một số diện tích đất vườn để trồng cỏ voi nguyên liệu và chuyển sang nuôi giống bò ngoại 3B vỗ béo theo phương thức thâm canh. Gia trại của tôi đang thả nuôi 14 con bò ngoại 3B thương phẩm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và giá cả thị trường ổn định, mỗi năm 1 con bò 3B sẽ cho mức lãi ròng 12 - 15 triệu đồng”.
Ông Hồ Xuân Lanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Sơn cho biết, giai đoạn 2011 - 2021, bằng nhiều nguồn, địa phương đầu tư khoảng 56 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án khác ít nhất là 15 tỷ đồng. Nâng cao nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn và giảm nghèo bền vững là 2 nội dung cốt lõi của chương trình NTM.
Từ năm 2011 - 2021 xã đầu tư không dưới 15 tỷ đồng cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đập dâng, đập thời vụ, trạm bơm điện và kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương nhằm đảm bảo nước tưới cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong 11 năm qua bình quân hằng năm xã chi khoảng 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ các loại phương tiện máy móc, cây giống, con vật nuôi... cho nông dân có điều kiện đầu tư phát triển mạnh các mô hình kinh tế vườn - rừng, chăn nuôi gia súc - gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt từ phía chính quyền, thời gian qua đời sống nhân dân xã Bình Sơn cải thiện đáng kể. Ông Hồ Xuân Lanh thông tin, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của Bình Sơn đạt 43 triệu đồng, tăng 33 triệu đồng so với năm 2011. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn khoảng 3,8%, giảm gần 32% so với cách đây 11 năm.
Tập trung giai đoạn mới
Tây Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh - 66,13% (3.581 hộ). Giảm nghèo luôn là vấn đề hết sức quan trọng nhưng không kém phần nan giải của huyện này. Không nằm ngoài mục tiêu bố trí, sắp xếp dân cư gắn với phát triển sản xuất, các chương trình, nguồn lực mới sắp sửa được triển khai tại miền núi tới đây sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp tập trung an cư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, có nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, bão lũ.
Thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh, trong 2 năm 2021 - 2022, UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương 49 tỷ đồng để triển khai cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Riêng năm 2021 toàn tỉnh thực hiện 42 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh hơn 27 tỷ đồng.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, cùng với khắc phục và hoàn thiện khớp nối hạ tầng giao thông, địa phương tập trung bố trí nguồn lực cho sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ. Đồng thời gắn công tác an cư với nhiệm vụ phát triển sản xuất, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đây được xem là yếu tố tiên quyết nhằm gợi mở cho người dân một hướng đi mới vừa an toàn trước thiên tai, vừa ổn định sinh kế lâu dài.
“Chúng tôi dành phần lớn nguồn lực để hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế, đặc biệt là trồng dược liệu dưới tán rừng. Việc đầu tư đồng bộ, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người dân sẽ giúp họ có thêm động lực cho phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Blúi nói.
Tại huyện Phước Sơn, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện cho rằng, đối với các nguồn lực của Trung ương, lâu nay địa phương thường “đi trước một bước” trong việc rà soát danh mục đầu tư phù hợp, đồng thời điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề bức thiết.
Sau các đợt mưa lũ năm 2021, cùng với khắc phục hậu quả, địa phương xây dựng phương án tập trung hoàn thiện các khu tái định cư cho đồng bào vùng sạt lở. Với sự quyết tâm cao, đến nay, nhiều khu tái định cư đã được hình thành, đảm bảo các điều kiện đưa người dân đến sinh sống.
Tuy nhiên, với địa hình đồi núi phức tạp, việc triển khai các dự án định cư mới gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém nguồn lực. Do vậy, ông Trung đề nghị tỉnh cần xem xét hỗ trợ khoản đối ứng 15% cho miền núi, giúp các địa phương có thêm nguồn lực triển khai các dự án, công trình dân sinh bức thiết khác.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Mặc dù vốn đầu tư cho chương trình NTM còn hạn chế nhưng xã Phước Ninh (Nông Sơn) vẫn dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Trên cơ sở các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất do địa phương thiết lập, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền xã Phước Ninh đã phối hợp triển khai nhiều mô hình.
Trong các năm 2016 - 2019, đề án đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho hàng trăm hộ dân xây dựng các vườn bưởi trụ Đại Bình, bưởi da xanh, nuôi heo đen... Năm 2020, Phòng NN&PTNT triển khai mô hình trồng cây ăn trái theo chuỗi liên kết do 10 hộ dân thực hiện dự án với diện tích hơn 6,8ha gồm 2 loại cây trồng chính là bưởi da xanh và bưởi trụ Đại Bình...
Sau khi được đầu tư hỗ trợ, hầu hết hộ dân có điều kiện để phát triển kinh tế. Qua đó, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Theo thống kê, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,05 triệu đồng, tăng 36,85 triệu đồng so với năm 2016.
Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Phước Ninh còn 8,46%, giảm 23,26% so với cách đây 6 năm. HTX Nông lâm nghiệp & dịch vụ Phước Ninh tích cực tham gia chương trình OCOP với sản phẩm “heo đồi Phước Ninh” đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
Đây là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng mô hình nuôi heo đồi trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Ông Nguyễn Phi Hồng - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2018 - 2021 toàn tỉnh có tổng cộng 268 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP (gồm 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
“Đáng ghi nhận là, trong đó có 116 sản phẩm thuộc nhiều nhóm ngành hàng như dược liệu, lương thực, thực phẩm, đồ uống, cây ăn quả... của các chủ thể ở 9 huyện miền núi. Khoảng 40% sản phẩm có sự liên kết giữa các chủ thể với người dân địa phương trong việc xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất” - ông Hồng nói.
LỒNG GHÉP NGUỒN LỰC
Việc lồng ghép nguồn lực nhằm tạo động lực từ nhiều chương trình mục tiêu như giảm nghèo, xây dựng NTM, phát triển kinh tế xã hội miền núi được các địa phương thực hiện hiệu quả.
Giảm nghèo kết hợp xây dựng NTM
Là xã miền núi còn rất nhiều khó khăn, những năm qua xã Phước Ninh (Nông Sơn) phải linh hoạt lồng ghép hiệu quả nhiều kênh vốn vừa giảm nghèo vừa thực hiện chương trình NTM.
Ông Trần Duy - cán bộ chuyên trách NTM xã Phước Ninh cho biết: “Trong số gần 51 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước các cấp đầu tư xây dựng NTM tại địa phương hơn 10 năm qua thì chỉ có hơn 11,4 tỷ đồng là vốn trực tiếp từ chương trình NTM, còn chủ yếu là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác hơn 39,5 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn địa phương huy động thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2021 là hơn 87,6 tỷ đồng”.
Toàn huyện Nông Sơn có 6 xã tham gia xây dựng NTM, tiền đề là phải giảm nghèo. Giai đoạn 2011 - 2021, tổng nguồn vốn địa phương huy động thực hiện chương trình NTM là gần 1.477 tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác gần 855 tỷ đồng.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, cùng với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh, huyện cũng ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.
Hiện Nông Sơn có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm Quế Lộc, Quế Trung, Sơn Viên, Phước Ninh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8,12%, giảm 46,34% so với năm 2015 (trung bình mỗi năm giảm 7,72%). Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Nông Sơn đạt 30,5 triệu đồng.
Miền núi tập trung thay đổi diện mạo
Phát triển kinh tế hạ tầng miền núi chính là tập trung cho công cuộc giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn mới, bên cạnh các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh dành cho miền núi còn có 3 chương trình mục tiêu lớn, gồm Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế, xã hội miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Lồng ghép hiệu quả 3 nguồn lực này sẽ tạo được động lực thay đổi diện mạo miền núi.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ: “Khu vực miền núi cao hiện tỷ lệ hộ nghèo tăng vọt theo chuẩn mới. Bởi vì sự thoát nghèo không bền vững, chỉ cần một tác động nhỏ thì đời sống hộ mới thoát nghèo sẽ rớt lại ngay vào hộ nghèo.
Muốn bền vững thì phải tác động tập trung bằng nhiều nguồn lực, không chỉ tác động trực tiếp đến hộ nghèo về nhận thức, tư duy làm ăn, sinh kế bền vững, mà còn tác động đến những điều kiện giúp họ làm ăn tốt hơn như đầu ra sản phẩm, con đường tiêu thụ sản phẩm, hạ tầng kinh tế, xã hội...
Giai đoạn mới này, Nam Trà My sẽ tận dụng tối đa lợi thế, lồng ghép các nguồn lực hiệu quả nhất để giảm nghèo, xây dựng NTM, đưa đời sống nhân dân và diện mạo Nam Trà My thay đổi”.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỷ lệ nghèo của huyện chiếm hơn nửa dân số, đến 52,88%. Hộ nghèo chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên trước tiên phải tác động thay đổi nhận thức.
Ông Tùng cho biết: “Huyện đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội là thay đổi đời sống nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện, tất cả chương trình mục tiêu đều được lồng ghép ngay từ khi Huyện ủy ban hành nghị quyết.
Thời gian qua, rất nhiều nguồn lực đã tập trung cho miền núi, nên mới có được sự thay đổi như hôm nay. Nhưng cốt yếu là đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nên cần thêm một thời gian và nguồn lực để sự giảm nghèo bền vững hơn”.
KHÔNG THỂ CHẠY THEO CHỈ TIÊU
Chỉ tiêu giảm số hộ nghèo được giao hàng năm làm đích phấn đấu của mỗi địa phương, nhưng đồng thời lại tạo áp lực “chạy theo thành tích” trong công cuộc giảm nghèo.
Chủ tịch UBND xã A Ting (Đông Giang) Pơ Loong Jốp cho rằng chỉ tiêu giao đầu năm về giảm nghèo, cuối năm thoát nghèo là điều hết sức khó khăn ở huyện miền núi.
Giảm nghèo ở miền núi cần một quá trình dài hơn, có thể 2 - 3 năm, khi xác định hộ nghèo cần tác động thoát nghèo thì tập trung vào hộ nghèo đó bằng nhiều nguồn lực, thoát nghèo phải có sinh kế ổn định thì mới bền vững được.
Vì không bền vững nên ở A Ting, giai đoạn 2017 - 2021 có đến 99 hộ rơi vào hộ nghèo, 3 hộ rơi vào cận nghèo khi áp dụng chuẩn mới năm 2022, khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay đến 69,99% (506 hộ nghèo/723 hộ dân), hộ cận nghèo là 19 hộ.
“Việc giao chỉ tiêu dù có tác động tích cực là tạo động lực, trách nhiệm cho các địa phương; tuy nhiên, điều này lại tạo áp lực cho địa phương. Cứ đầu năm giao ra con số, cuối năm phải đạt con số hộ thoát nghèo là một giai đoạn rất ngắn. Qua các cuộc giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, việc giảm nghèo ở hộ dân có yếu tố không bền vững, có tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” khi hộ đáng ra chưa thể thoát nghèo nhưng lại ra khỏi hộ nghèo, rồi đến nay khi chuẩn nghèo thay đổi là rớt ngay vào lại hộ nghèo. Đây chính là sự không bền vững khi địa phương buộc phải chạy theo chỉ tiêu, không đánh giá, rà soát đúng thực trạng nghèo trên địa bàn”.
(Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh)
Xã đồng bằng như Duy Vinh (Duy Xuyên) cũng chưa hoàn toàn đồng tình với việc giao chỉ tiêu. Như năm 2022 này, xã Duy Vinh còn 113 hộ nghèo, trong đó phần đông là hộ nghèo bảo trợ xã hội, chỉ có 17 hộ nghèo có thể tác động giảm nghèo.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh nói: “Hồi cuối năm 2021 rà soát theo chuẩn mới, xét họ về lại nghèo vì điều kiện bất khả kháng. Nay đầu năm huyện giao chỉ tiêu đến cuối năm giảm 14 hộ nghèo thì rất khó cho địa phương.
Vì hộ nghèo càng về sau càng khó, toàn là người đau ốm, không có khả năng lao động để tạo thu nhập thoát nghèo. Cần một quá trình chứ không thể nói giảm là giảm ngay được”.
Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo được thực hiện hàng năm. Thường là sau khi có kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo của năm cũ thì tỉnh, huyện thống nhất và đưa ra con số hộ nghèo cần được tác động thoát nghèo trong năm tiếp theo.
Với các huyện, việc giao chỉ tiêu từ tỉnh về huyện được thực hiện theo con số mà huyện đề xuất, kết hợp với thực trạng nghèo mà tỉnh đánh giá và thống nhất chỉ tiêu. Về huyện lại tiếp tục giao chỉ tiêu cho xã một số cao hơn con số tỉnh giao để phấn đấu giảm nghèo.
TỔNG LỰC CHO GIẢM NGHÈO
Giảm nghèo được xem là mục tiêu hàng đầu của Quảng Nam trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là ở khu vực miền núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn: Lồng ghép nguồn lực tạo động lực toàn diện
Tất cả chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đều phải thực hiện giải pháp lồng ghép vốn. Vốn thực hiện các chương trình đều phục vụ mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển hạ tầng, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được ngân sách Trung ương phân bổ hơn 804 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 1.326 tỷ đồng (gấp 1,6 lần so với vốn Trung ương giao). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được phân bổ hơn 1.175 tỷ đồng, địa phương đối ứng 15% - hơn 176 tỷ đồng. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được phân bổ 1.329 tỷ đồng, địa phương đối ứng 15% hơn 199 tỷ đồng. Ngân sách địa phương được UBND tỉnh bàn phương án phân chia tỷ lệ đối ứng của tất cả chương trình theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30%, sẽ trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp sắp tới.
Đặc biệt các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao được tập trung nguồn lực trong giai đoạn mới, tất cả chương trình đều có nhiều hợp phần, dự án mà đích đến cuối cùng không gì khác là giảm nghèo.
Tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng nhằm tạo điều kiện giao thương thuận tiện, phát triển nông nghiệp nông thôn, từ đó tạo sinh kế cho nhân dân, nhất là hộ nghèo có điều kiện làm ăn thoát nghèo bền vững.
Ngay cả việc bàn bạc tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng là để địa phương phát huy trách nhiệm trong thực hiện các chương trình.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Tấn: Hỗ trợ người dân miền núi phát triển mạnh kinh tế
Trong giai đoạn 2021 - 2025, ba chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi là xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn lực đầu tư khá lớn.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các ngành, các cấp phải phối hợp lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho miền núi một cách hiệu quả và thiết thực nhất.
Theo tôi, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống thì cần tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân miền núi phát triển mạnh kinh tế để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Đối với lĩnh vực nông - lâm nghiệp, muốn phát triển bài bản và hiệu quả, nhất thiết phải làm tốt công tác quy hoạch sản xuất.
Cùng với đó, tích cực chuyển giao rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nỗ lực hướng dẫn người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tôi cho rằng, trong phát triển nông - lâm nghiệp ở miền núi, chính quyền các địa phương cần nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Mô hình này sẽ tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao và đặc biệt là ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản.
Các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cạnh đó, tích cực hỗ trợ khôi phục và phát triển mới các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo công ăn việc làm, giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập...
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Alăng Mai: Ưu tiên giải quyết các vấn đề bức thiết
Với góc độ của cơ quan tham mưu về chính sách dân tộc cho UBND tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các nguồn vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Cụ thể, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chương trình này đến với cán bộ, đảng viên và cộng đồng miền núi, giúp họ hiểu rõ hơn về mục tiêu, lợi ích chính sách mà chương trình mang lại.
Đồng thời phân bổ nguồn vốn kịp thời, giải ngân đúng kế hoạch và giải quyết các thủ tục nhanh gọn, đảm bảo theo danh mục phù hợp của từng địa phương.
Trên cơ sở tăng cường công tác quản lý, nâng cao năng lực điều hành thông suốt các chương trình dự án tại miền núi, cần tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, am hiểu phong tục, tập quán đồng bào… trực tiếp làm nhiệm vụ nhằm triển khai chương trình có hiệu quả.
Chính đội ngũ này sẽ tham gia giám sát, kiểm tra cụ thể quá trình triển khai thực hiện dự án tại địa phương. Năm 2022 và các năm tiếp theo, cần ưu tiên cho các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt.
Đồng thời, tập trung giải quyết các vấn đề về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các điểm bức thiết do thiên tai, bão lũ; di dời các hộ dân tại khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ngoài ra, gắn điểm bố trí dân cư với phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng và các mô hình sinh kế dưới tán rừng…