Năm nay, công tác giảm nghèo của tỉnh chú trọng đến tính thực chất nhằm đảm bảo việc thoát nghèo bền vững của từng hộ nghèo. Để làm được điều đó, các địa phương bằng nhiều giải pháp lắng nghe hộ nghèo, ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu, nguyên nhân nghèo.
Lắng nghe hộ nghèo
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2023, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo của địa phương, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mỗi địa phương tùy theo nguồn lực được đầu tư từ các chương trình, dự án, đã huy động, lồng ghép thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo thường xuyên của quốc gia và của tỉnh được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được hưởng lợi, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.
Như các địa phương Thăng Bình, Điện Bàn, Nam Giang... đã có những buổi đối thoại với hộ nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Các địa phương như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn... phân công cụ thể trách nhiệm từng phòng, ban theo dõi, trợ giúp hộ nghèo theo đúng nhu cầu và nguyên nhân nghèo.
Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các địa phương qua đối thoại đã lắng nghe hộ nghèo đề xuất ý kiến về chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.
Như địa phương ở miền núi thì phải hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; hỗ trợ con vật nuôi cần tập huấn chăm sóc, phòng bệnh để hộ nghèo biết cách nuôi các loại con giống tốt hơn.
Địa phương ở đồng bằng thì hộ nghèo có lao động đề xuất cần quan tâm tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động; ưu tiên chính sách vay vốn cho hộ nghèo; các hộ có điều kiện về ao nuôi, hay địa phương ven biển, ven sông cần được hỗ trợ cá giống để có thêm sinh kế thoát nghèo bền vững...
Tập trung thực hiện đạt mục tiêu
Trong những tháng cuối năm 2023, cùng với cách làm của mỗi địa phương là sự vào cuộc của các sở, ngành của tỉnh trong đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ địa phương thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo.
Tỉnh khuyến khích các địa phương lồng ghép, gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững với các chương trình MTQG còn lại và chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13/2017 của HĐND tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ hộ có khả năng thoát nghèo bền vững.
Dù có khó khăn, vướng mắc phát sinh như các chính sách còn nhiều điểm vướng khiến địa phương không biết thực hiện như thế nào cho đúng quy định, hay ngân sách năm 2022 còn nhiều nên các địa phương tập trung giải ngân đạt tiến độ nguồn vốn cũ mang sang, khiến ngân sách năm 2023 có khả năng khó giải ngân kịp tiến độ yêu cầu của Trung ương...
Dù vậy, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG gia cấp tỉnh đã liên tục bám sát yêu cầu nhiệm vụ, hỗ trợ các địa phương và có những kiến nghị với các bộ ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở.
Với phương châm của tỉnh là “không để hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn nào mà không có tổ chức hỗ trợ”, đặc biệt không để hộ nào rơi vào hoàn cảnh cùng cực mà không có tổ chức nào phát hiện giúp đỡ.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã chủ động đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện kết nghĩa với xã miền núi với nhiều hoạt động phù hợp, thiết thực, ưu tiên nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững theo địa bàn được phân công.
Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên làm chủ hộ có nguồn lực để vươn lên thoát nghèo bền vững, chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên phân công giúp đỡ ít nhất 20% số hộ nghèo.
Mặt trận phối hợp với các phòng, ban ở địa phương tích cực huy động nguồn lực, ưu tiên cho địa bàn khó khăn, nơi có nhiều hộ đăng ký thoát nghèo để cùng với chính quyền tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo cải thiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin), góp phần hỗ trợ thoát nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.