Sau nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Giang cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng và các nhiệm vụ đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững.
Quyết tâm giảm nghèo
Bí thư Huyện ủy Nam Giang - Lê Văn Hường cho biết, sau nửa nhiệm kỳ triển khai nghị quyết, bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là chiến lược giảm nghèo tập trung, thông qua 3 nhiệm vụ đột phá, đã mở ra cơ hội giúp người dân “đi lên trong đời sống vật chất và tinh thần”.
Theo ông Hường, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo sát với thực tiễn, những năm qua, Nam Giang đã đạt hiệu quả cao trong các mô hình về trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gắn với liên kết chuỗi giá trị theo các nghị quyết của HĐND huyện. Hơn 167ha đất được chọn triển khai các mô hình kinh tế giúp 657 hộ dân hưởng lợi với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 11,7 tỷ đồng.
Địa phương hỗ trợ 230 con bò giúp phát triển đàn bò sinh sản theo hướng chăn nuôi có chuồng trại, tạo điều kiện giúp các tổ hợp tác thực hiện chuỗi liên kết giá trị; quy hoạch phát triển mô hình heo cỏ địa phương có liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thương hiệu sản vật đặc trưng của vùng đất Bến Giằng. Đây được xem là động lực khuyến khích người dân tin hơn vào chủ trương của huyện, tiếp nối hành trình giảm nghèo bằng chủ trương “3 cây, 3 con” của nhiệm kỳ trước.
Cùng với ngân sách của huyện, thời gian qua, Nam Giang huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, hướng đến mục tiêu hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung.
Trên cơ sở tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mời gọi, thu hút các nguồn lực doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đã có 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các hạng mục, cam kết cùng địa phương xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tiềm năng.
“Những năm qua, bên cạnh duy trì và phát triển mở rộng diện tích sản xuất lương thực, quan tâm trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi dành nhiều nguồn kinh phí cho phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, bảo tồn và phát huy các giống cây bản địa có tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Nhờ vậy, giai đoạn 2021 - 2022, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của Nam Giang bình quân đạt 293 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu nhiệm kỳ; diện tích rừng trồng đạt 1.036ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,61%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 16,95%, tương ứng giảm 1.134 hộ nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo từ 300 - 350 hộ nghèo/năm theo nghị quyết đề ra” - ông Hường cho biết.
Phát huy nội lực
Góp ý định hướng phát triển Nam Giang thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, bên cạnh phát huy kết quả đạt được, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội, Nam Giang cần xây dựng chiến lược đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Liên quan phát triển đô thị Thạnh Mỹ, ông Lê Trí Thanh đề nghị, khẩn trương hoàn thành quy hoạch toàn diện; đồng thời xem xét quá trình thăng hạng đô thị theo hướng mục tiêu phù hợp nhằm không để rơi vào “điểm liệt” theo quy định.
Huyện cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo bộ mặt đô thị khang trang, đảm bảo các tiêu chí đô thị mới một cách có chiến lược. Phải tính toán có phương án khai thác trung tâm hành chính cũ, nhằm phát huy hiệu quả mặt bằng và các cơ sở vật chất đã được đầu tư trước đây.
“Nam Giang đang tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, việc này tỉnh rất ủng hộ. Nhưng phải hết sức chú ý, việc trồng rừng gỗ lớn cần có sự tham gia của doanh nghiệp, cùng hợp tác với người dân nhằm đảm bảo vừa trồng rừng gỗ lớn, vừa đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế FSC giúp nâng cao giá trị gia tăng một cách hiệu quả và bền vững.
Huyện cần quan tâm hỗ trợ giống cây giổi để người dân trồng, tạo sinh kế mới; nghiên cứu thêm các sản phẩm OCOP đặc trưng của miền núi, góp phần tham gia vào quy trình sản phẩm OCOP của tỉnh thời gian tới” - ông Lê Trí Thanh nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, so với một số địa phương miền núi, Nam Giang có nhiều cơ hội thuận lợi, nhất là cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc.
Tuy nhiên, câu chuyện khai thác hiệu quả kinh tế từ cặp cửa khẩu này chỉ dừng ở mức sơ khai, chưa tạo được động lực kinh tế vùng, nhất là chưa được đầu tư xứng tầm. Do vậy, cần quy hoạch phát triển cửa khẩu thật tốt, hướng đến việc kêu gọi đầu tư, thúc đẩy khai thác tiềm năng hiệu quả, lâu dài.