Càng về cuối giai đoạn 2016 - 2020, công cuộc giảm nghèo sẽ càng khó vì hộ nghèo còn lại chủ yếu ở miền núi, hộ nghèo yếu thế. Vì vậy, việc tác động giảm nghèo năm 2020 cần phải đúng địa chỉ để phát huy được tính bền vững, hạn chế tái nghèo. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về vấn đề này.
Nhiều thách thức
- PV: Thưa ông, việc xác định mục tiêu giảm nghèo năm này có gì khác trước những năm trước?
- Ông Huỳnh Tấn Triều: Để xác định được mục tiêu giảm nghèo năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã phân tích cụ thể số liệu, thực trạng hộ nghèo còn lại để có định hướng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giảm nghèo phù hợp. Trong tổng số hộ nghèo còn lại của năm 2019 là 25.650 hộ thì có 7.659 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo, 2.732 hộ nghèo do già cả, ốm đau thường xuyên chưa thể tác động thoát nghèo. Như vậy, số hộ nghèo có thể tác động giảm nghèo là 15.259 hộ. Nhưng số hộ này lại tập trung chủ yếu ở khu vực 6 huyện miền núi cao, có 14.128 hộ nghèo, trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội rất khó khăn, thiếu các điều kiện phát triển sản xuất, cơ hội việc làm, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên rất khó giảm nghèo. Ở khu vực đồng bằng chỉ còn 1.131 hộ nghèo có khả năng tác động giảm nghèo. Càng về sau thì thực trạng hộ nghèo càng khó tác động giảm nghèo, nên phải xác định đúng địa chỉ để tác động mang lại hiệu quả.
- PV: Dựa vào thực trạng trên, con số hộ nghèo được xác định sẽ tác động giảm nghèo trong năm này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Ông Huỳnh Tấn Triều: Trước khi xác định con số hộ nghèo cần tác động giảm nghèo, cùng với quá trình rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2019, con số đã được đề xuất từ cấp thôn, bản, thị trấn ở các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương (trừ TP.Hội An và Tam Kỳ) đã đề xuất giảm 2.604 hộ nghèo trong năm 2020. Trong đó, đồng bằng đề xuất giảm 612 hộ nghèo, miền núi giảm 1.992 hộ nghèo. Sở LĐ-TB&XH đã dựa trên thực trạng hộ nghèo còn lại và con số đề xuất từ các địa phương, tham mưu UBND tỉnh đặt mục tiêu giảm nghèo trong năm 2020 là 2.700 hộ. Trong cuộc họp mới nhất do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì, các sở ngành đã có ý kiến nên đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã thống nhất giảm 2.700 hộ nghèo, phấn đấu vượt mục tiêu đề ra từ 5 - 10%. Đề xuất này là phù hợp, đảm bảo tính khả thi và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đặt ra.
Cần đồng bộ giải pháp
- PV: Như ông đã nói ở trên, hộ nghèo còn lại phần lớn yếu thế, khó tác động. Vậy giải pháp nào được xác định là then chốt giúp cho việc giảm nghèo năm 2020 có thể đạt mục tiêu?
- Ông Huỳnh Tấn Triều: Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện rất nhiều chương trình giảm nghèo của Trung ương và tỉnh, các chương trình cần được lồng ghép ở địa phương để tác động toàn diện giúp hộ nghèo có thể thoát nghèo bền vững. Các chương trình như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách giảm nghèo của quốc gia theo Nghị quyết số 80 năm 2011 của Chính phủ. Thực hiện các chính sách của Trung ương thì huyện nghèo, xã nghèo sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng; hộ nghèo sẽ được hỗ trợ toàn diện ở các lĩnh vực tín dụng, dạy nghề và xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường...
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo của tỉnh gồm có Nghị quyết số 13 năm 2017 của HĐND tỉnh đang được người nghèo, các địa phương thực hiện rất hiệu quả; Nghị quyết số 18 năm 2018 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đối với người làm công tác giảm nghèo cấp xã; Nghị quyết số 49 năm 2018 của HĐND tỉnh về cải thiện mức sống cho hộ nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh...
Việc thực hiện đồng bộ các chính sách trên sẽ là nguồn lực tác động mạnh mẽ đến hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo trên con đường giảm nghèo. Ngoài ra, việc phân công địa bàn theo dõi, phụ trách cho thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để giám sát, chỉ đạo công cuộc giảm nghèo là hết sức cần thiết. Việc phân công cần phù hợp, dựa trên đặc thù riêng theo lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ngành, đơn vị của tỉnh. Khi có sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt sẽ tạo chuyển biến ở địa phương, để cả địa phương và người dân không còn ỷ lại vào các chính sách dành cho hộ nghèo, có ý thức vươn lên, thoát nghèo bền vững.
- PV: Xin cảm ơn ông!