Giảm phiền hà cho cán bộ

TRUNG THỰC - GIANG BIÊN 05/05/2021 07:58

Giảm thời gian đi lại, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, công việc triển khai đồng bộ cho tất cả xã, thị trấn chỉ trong một cuộc họp,... là những lợi ích mà hệ thống truyền hình trực tuyến đem lại, trên chặng đường từng bước hiện đại hóa nền hành chính của huyện Thăng Bình.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, họp trực tuyến giảm được thời gian đi lại, hạn chế tập trung đông người. Ảnh: G.B
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, họp trực tuyến giảm được thời gian đi lại, hạn chế tập trung đông người. Ảnh: G.B

Trước đây, mỗi khi UBND huyện hay Huyện ủy Thăng Bình tổ chức cuộc họp, lãnh đạo xã Bình Quế phải lên lịch cử thành phần tham dự từ trước. Chưa kể, nếu lãnh đạo chủ chốt của địa phương đi dự họp ở huyện, việc giải quyết giấy tờ có liên quan tại cơ sở đều phải tạm hoãn.

Từ thực tế đó, cuối năm 2020, huyện Thăng Bình quyết định đầu tư, lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến điểm cầu 22 xã, thị trấn. Ở các điểm cầu của xã được trang bị màn hình led, thiết bị CPU, camera, microphone, hệ thống đường truyền.

Ông Nguyễn Thanh Long -  Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế chia sẻ, hệ thống truyền hình trực tuyến được đưa vào sử dụng rất hiệu quả, tiết kiệm được thời gian để giải quyết những vấn đề tại cơ sở.

“Trước kia, thành phần đi dự họp ở trên huyện có thể hạn chế. Nay với hệ thống truyền hình trực tuyến, có thể mở rộng thành phần tham dự đến các ngành, hội đoàn thể liên quan. Qua đó mỗi cán bộ lãnh đạo trực tiếp nắm bắt nội dung, chỉ đạo kịp thời, sâu sát” - ông Long nói.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, họp trực tuyến là một trong những phương thức triển khai các nhiệm vụ công tác, nhiệm vụ phòng chống dịch nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bởi ngoài việc giảm được thời gian đi lại, họp trực tuyến cũng giúp giảm được số người tham dự cuộc họp tại cùng một địa điểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan (nếu có)”.

(Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình)

Khi chưa có hệ thống truyền hình trực tuyến, chỉ những cuộc họp cấp huyện có liên quan đến lĩnh vực quân sự, ông Nguyễn Tấn Biểu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Bình Quế mới tham dự. Mỗi khi ra trung tâm hành chính huyện dự họp, ông Biểu phải đi từ sớm để kịp giờ, mọi công việc liên quan đều phải chờ hoặc tạm hoãn. Từ khi có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến ngay tại UBND xã, hầu như cuộc họp nào ông Biểu cũng tham gia.

“Khi huyện tổ chức hội nghị trực tuyến, phần lớn ngành sẽ tham dự. Theo đó, nhiều nội dung, vướng mắc cần phản ánh sẽ được trả lời ngay tại hội nghị. Qua đó có thể áp dụng chung cho tất cả địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ cũng đồng bộ hơn” - ông Biểu nhìn nhận.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, trước đây, tại điểm cầu UBND huyện sử dụng hệ thống hội nghị truyền thống kết nối giữa tỉnh và huyện, thiết bị đầu cuối Polycom VSX 6000.

UBND huyện cũng đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho 3 cụm xã đặt tại UBND các xã Bình Trị, Bình Đào và Bình Trung, sử dụng hệ thống truyền hình kết nối giữa Huyện ủy và Tỉnh ủy, sử dụng thiết bị Cisco Webex Room Kit Plus Precision 6. Sự thiếu đồng bộ và hạn chế của các cụm điểm cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo, điều hành các hội nghị trực tuyến do tỉnh, huyện tổ chức.

Giải quyết vướng mắc trên, từ quý IV - 2020, phòng tham mưu huyện đầu tư đổi mới hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, mời các đơn vị đủ điều kiện về chuyên môn cũng như tư cách pháp nhân tham gia khảo sát lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và tổ chức đấu thầu rộng rãi.

“Hệ thống truyền hình trực tuyến có tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư hệ thống MCU trung tâm để mở rộng kết nối đến tất cả phòng họp trực tuyến cấp xã trên địa bàn huyện với 24 điểm cầu” - ông Trương Công Hùng cho biết thêm.

Đánh giá hiệu quả mô hình, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhìn nhận, việc triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến tới 22 xã, thị trấn trong huyện tiết kiệm được thời gian, chi phí cho cán bộ ở cơ sở. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

“Đây là công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công được triển khai và hoàn thành sớm nhất trong năm 2021 của Thăng Bình. Với hệ thống truyền hình trực tuyến này, huyện mong muốn sẽ tạo được những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tiến tới xây dựng một nền hành chính hiện đại” - ông Võ Văn Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm phiền hà cho cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO