Giám sát chặt chẽ và đảm bảo tiến độ chi trả

HƯƠNG GIANG 29/06/2022 08:30

(QNO) - Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) kịp thời, các chủ rừng, cộng đồng dân cư, nhóm hộ... có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Ở chiều hướng ngược lại, cơ quan nhận ủy thác chi trả DVMTR phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chủ rừng, cộng đồng nhóm hộ để chính sách phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh”.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Khu bảo tồn loài Sao la
Một nhóm lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tuần tra trong lâm phận của Khu bảo tồn loài Sao la

Rà soát biến động rừng

Tại huyện Phước Sơn, ngay từ đầu năm 2022, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã tổ chức giao khoán quản lý bảo vệ rừng (BVR) cho cộng đồng dân cư và lực lượng BVR chuyên trách theo Nghị quyết số 38 ngày 8.12.2021 của HĐND tỉnh để quản lý, bảo vệ với diện tích 65.156,09ha.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách dùng điện thoại cài đặt hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến rừng. Ảnh: H.P
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách dùng điện thoại cài đặt hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến rừng. Ảnh: H.P
Trong đó, diện tích chi trả DVMTR rải khắp 11 xã, thị trấn của Phước Sơn với 42.764,68ha; diện tích giao khoán theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ là 15.010,98ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn thực hiện; diện tích còn lại từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Trước đây, tại vùng giáp ranh giữa xã Phước Xuân (Phước Sơn) với xã Cà Dy (Nam Giang), rừng phòng hộ Đắc Mi, Vườn quốc gia sông Thanh qua lâm phận huyện Phước Sơn nổi lên như những  "địa bàn nóng" phá rừng của tỉnh. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn khẳng định, thời gian qua khi chính sách chi trả DVMTR được giám sát chặt chẽ và thường xuyên hơn, cộng với việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách thì các vụ phá rừng trong diện tích được giao khoán giảm đáng kể.

Các nhà máy thủy điện đóng góp lớn vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Lưu vực một lòng hồ thủy điện Đắc Mi qua địa phận Phước Sơn.
Các nhà máy thủy điện đóng góp lớn vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Hạng mục đập ngăn tại một lòng hồ thủy điện Đắc Mi qua địa phận Phước Sơn. Ảnh: H.P

Từ công nghệ nguồn ảnh viễn thám mà ngành kiểm lâm xác định chính xác tình trạng biến động rừng, nhất là giảm rừng tự nhiên ở huyện Phước Sơn do sạt lở cuối năm 2020 với diện tích 1.636ha. Trong khi đó, theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, trong quý 1 và quý 2.2022, đơn vị đã xác định đúng diện tích chi trả DVMTR thông qua xây dựng các nguồn ảnh viễn thám theo thời gian thực, khoanh vẽ vùng có biến động, gửi dữ liệu biến động rừng cho các chủ rừng.

Cạnh đó, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phòng NN&PTNT các huyện làm việc với các chủ rừng, UBND các xã để triển khai thực hiện Kế hoạch 392 ngày 18.1.2022 của UBND tỉnh, Quyết định số 47 ngày 7.1.2022 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 38 ngày  8.12.2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam đối với diện tích DVMTR bổ sung chi trả; hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả DVMTR đợt 1, 2 năm nay.

Qũy Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung 13.680,83ha diện tích chi trả DVMTR tại các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Duy Xuyên, 5 xã thuộc huyện Đại Lộc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn và sẽ tiếp tục đề nghị bổ sung diện tích chi trả DVMTR đợt 2 sau tháng 6.2022.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát

Xác định việc kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là một trong những nhiệm vụ then chốt, nên từ đầu năm 2022, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan hoàn tất đợt 1 kiểm tra, giám sát 11 chủ rừng, chủ yếu là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn, Vườn quốc gia Sông Thanh.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đến các cộng đồng thôn bản hỗ trợ xác định diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng
Cán bộ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đến các cộng đồng thôn bản hỗ trợ xác định diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện, Phòng NN&PTNT huyện triển khai kế hoạch làm việc với các đơn vị chủ rừng và UBND các xã, cộng đồng thôn để hỗ trợ, đôn đốc việc rà soát diện tích bổ sung cung ứng DVMTR năm 2022.
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng cùng ngành kiểm lâm thường xuyên giám sát, kiểm tra các chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cùng ngành kiểm lâm thường xuyên giám sát, kiểm tra các chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: H.P

Thời gian qua, 2 đoàn công tác của tỉnh đã làm việc tại các chủ rừng, UBND các xã, cộng đồng thôn với nội dung chủ yếu hỗ trợ, đôn đốc việc rà soát diện tích rừng bổ sung cung ứng DVMTR năm 2022 theo kế hoạch, giám sát thực hiện quy định chi hỗ trợ công tác quản lý, BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, hỗ trợ công tác cập nhật diện tích biến động rừng trong vùng chi trả.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam Huỳnh Đức khẳng định, nhờ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý các đơn vị sử dụng DVMTR có biểu hiện chậm nộp, nên thời điểm này không có trường nợ dây dưa.

“Trong 6 tháng đầu năm mưa nhiều nên lượng nước đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động, số tiền thu DVMTR đạt 74,87% kế hoạch năm. Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã trả tạm ứng tiền 2 đợt cho các chủ rừng, UBND các xã có triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời, đúng quy định” – ông Đức nói.  

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đặt mục tiêu thu tiền DVMTR đạt 2.800 tỷ đồng; giải ngân cho chủ rừng đạt 70%, tương đương 1.998 tỷ đồng; bảo đảm duy trì diện tích rừng trong lưu vực cung ứng của các chủ rừng được hưởng là 6,7 triệu héc ta rừng (chiếm 45% diện tích rừng của cả nước) bằng nguồn tiền DVMTR. Riêng tại Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2022, thu DVMTR đạt gần 100 tỷ đồng trong tổng nguồn thu cả năm hơn 133,4 tỷ đồng, đạt 74,87% kế hoạch năm.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám sát chặt chẽ và đảm bảo tiến độ chi trả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO