(QNO) – Hành trình xóa nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện Bắc Trà My trở nên gian nan khi đời sống của hộ nghèo tiếp tục gặp khó khăn do thiên tai và dịch bệnh.
Trước đây vào mùa mưa bão, bà Phạm Thị Thanh Tuyền (thôn 1, xã Trà Giang, Bắc Trà My) luôn thấp thỏm âu lo do gia đình sinh sống dưới ngôi nhà gỗ tạm bợ, yếu ớt có thể đổ ngã bất cứ lúc nào. Mặc dù 2 vợ chồng cố gắng làm việc, tích lũy tiền bạc nhưng vẫn không dư dả để thực hiện được mơ ước xây nhà ở kiên cố. Và nỗi lo đã hiện hữu khi cơn bão cuối năm 2020 làm sập đổ hoàn toàn ngôi nhà. Sau thiên tai, gia đình bà Tuyền lâm cảnh... màn trời chiếu đất.
May mắn, trong lúc cùng cực khó khăn, các mạnh thường quân đã biết đến hoàn cảnh khốn khó của vợ chồng bà Tuyền nên đã đứng ra vận động hỗ trợ cho gia đình xây dựng nhà ở mới trị giá 120 triệu đồng. Có nguồn tiền tài trợ xây nhà mới, vợ chồng bà Tuyền vay thêm ngân hàng 60 triệu đồng làm thêm một số công trình phụ đồng bộ, khang trang hơn.
“Ước mơ có được căn nhà mới kiên cố, khang trang bây giờ đã thành hiện thực với gia đình tôi. Có chỗ an cư ổn định, vợ chồng yên tâm làm lụng nuôi các con ăn học. Gia đình dự tính sắp tới sẽ lợp thêm hệ thống chống nóng trên trần nhà để giữ không khí mát mẻ cho ngôi nhà" – bà Tuyền vui vẻ.
Tuy nhiên, tại xã Trà Cang không phải trường hợp nhà tạm bợ nào cũng gặp được "quý nhân" như gia đình bà Phạm Thị Thanh Tuyền. Nguồn ngân sách địa phương eo hẹp là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ xóa nhà tạm cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu xóa nhà tạm của người dân chiếm khá lớn.
Hai nách con nhỏ, sống đơn thân và chẳng có công việc ổn định nên bà Trần Thị Giang (thôn 3, xã Trà Giang) thiếu thốn trăm bề. Được cha mẹ cho 2 mảnh ruộng nhỏ canh tác dựa vào nước trời nên ruộng lúa thu hoạch được cũng chỉ đủ ăn... vài tháng. Cho nên, quanh năm suốt tháng 3 mẹ con Giang cút côi trong căn chòi tạm bợ được dựng lên từ bạt ni lông và ván gỗ.
“Cha tôi cho miếng đất cất nhà nuôi con nhưng không có tiền nên đành phải làm cái chòi tạm để sinh sống. Nếu gặp trời mưa lớn tạt vào thì mình gửi hai con ở nhờ nhà cha, còn bình thường thì tối mới vào chòi tạm nằm ngủ” – bà Giang chia sẻ.
Ông Thanh Văn Lương - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My, sau thiên tai năm 2020, nhiều ngôi nhà của người dân trên địa bàn bị sụp đổ hoặc hư hỏng một phần. Thực tế, tại địa phương còn nhiều trường hợp người dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát.
Năm 2021, từ nhiều nguồn vận động khác nhau, Bắc Trà My đã bàn giao 10 nhà tình thương cho 10 hộ nghèo có nhà bị cuốn trôi hoặc sập hoàn toàn do thiên tai; sửa chữa hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ cho 48 hộ thiếu hụt về nước sinh hoạt, 92 hộ thiếu hụt về công trình vệ sinh và 336 hộ phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện 3,3 tỷ đồng.
Theo ông Lương, năm 2022, Bắc Trà My sẽ triển khai dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với mục tiêu phải tăng được nguồn lực huy động từ xã hội để bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
"Chúng tôi đang tiếp tục rà soát các đối tượng, dự kiến kinh phí thực hiện là 7,5 tỷ đồng để xây mới 150 căn nhà. Tuy nhiên, là huyện nghèo, kinh phí hạn chế nên chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo Bắc Trà My sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm bợ" – ông Lương mong muốn.
[VIDEO] - Nhiều hộ nghèo ở Bắc Trà My vẫn đang sống trong các căn chòi tạm: