Góc suy ngẫm

Giằng, trong ống kính thời gian

Nguyễn Điện Nam 30/06/2024 08:15

“Qua Trao thì đến Bến Giằng…”. Câu thơ neo vào thời gian một địa danh. Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang, lại nhắc tên Bến Giằng ngày xưa. Tảng đá ký ức lại lấp lánh trong ống kính thời gian…

Châu Bến Giằng đổi thành huyện Bến Giằng từ 28/6/1949, sau chỉ gọn là Giằng. Một thời huyện lỵ chuyển lên Bến Giằng, nơi có bến gặp nhau giữa sông Thanh - sông Rô - sông Cái, rồi nay lại về Thạnh Mỹ.

Xê xích mươi cây số, nhưng ngay Thị trấn Thạnh Mỹ, xem bảng chỉ đường thấy cách Prao, thị trấn “Cây Chò” của Đông Giang (Hiên cũ) 53km, đi Khâm Đức 58km, chạy lên Chàvàl hay xuống huyện lỵ Nông Sơn thì cũng chừng 50km. Vậy cứ xoay compa trên bản đồ từ cái rún trung tâm Thạnh Mỹ có thể tỏa đi các hướng trong vòng tròn.

Đêm 25/6 vừa qua, Thạnh Mỹ là nơi khai mạc lễ hội âm vang cồng chiêng, hội tụ các đồng bào dân tộc ở Nam Giang, hình ảnh múa chiêng, múa tâng tung da dá với vòng tròn xoay quanh cây nêu và gươl, lại đầy lên trong ống kính các nhà báo, nhiếp ảnh gia và du khách.

Thạnh Mỹ thì sầm uất hơn Bến Giằng rất nhiều. Nhưng nơi đây cũng không đủ cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch, nên ngày hội chỉ tổ chức vài bữa mà nghe nhiều người bảo khó kiếm phòng nghỉ sau trong chuyến đi vì cháy phòng.

Rảo qua thị trấn cũng rất ít quán xá đông đúc; hỏi những quán bán cá chiên đặc sản ngày xưa, từ Thạnh Mỹ qua Bến Giằng, hình như cũng vắng bóng lâu rồi.

Thì vẫn còn đâu đó những vết thời gian in lên tảng đá ven bờ “con sông Giằng gầm réo miên man”. Là ống kính của thời gian soi rọi vùng đất vốn là căn cứ kháng chiến khi diễn văn của Bí thư Huyện ủy Lê Văn Hường nhắc lại bao sự kiện, hình bóng con người vùng cao. Như vẫn còn ghi bóng những anh hùng Pơ Loong Nhập, Alăng Bin, chiến sĩ giao liên Kapu Hương…

Tôi còn nhớ thêm những ghi chú về vùng đất có già Zơ râm Un, một thời kháng chiến chỉ huy thanh niên bảo vệ hành lang và dân công tải đạn trên tuyến Thống Nhất; có A lăng Bhuốch bị mù mà đi dân công 14 năm (1958-1972), vận tải 120 tấn vũ khí và 62 tấn lương thực; có 6 cô gái sông Bung đã tải đạn phục vụ chiến trường và năm 1973 đưa nhà thơ Tố Hữu thăm lại Làng Rô… Những hình ảnh ấy, có ai chụp được không và bây giờ làm sao tìm lại?

Nhưng sẽ chẳng ai quên một mối tình Kinh - Thượng ở đất này. Vẫn còn nhắc câu chuyện những người thầy như Quách Xân (Cónh Axơớp), Lê Hồng Mao (Ta Lăng), Lê Văn Nam (Cónh Yêm), Trần Tường… ngay từ thời kháng chiến chống Pháp chuyển sang chống Mỹ đã đi lên núi cao mở lớp dạy đồng bào ở Giằng học cái chữ. Thầy Quách Xân (Bảy Thảo) đã có ghi chép về “Cuộc vận động đoàn kết trong vùng đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam” (1950-1970).

Hồi ký ấy kể về một thời gian khổ trên vùng cao, trong đó có chuyện chống nạn “giặc mùa”, săn đầu người. Dòng đời đã trôi qua bao ghềnh thác mà hình ảnh thầy Xân như “cây lau” còn gắn bó ký ức với đồng bào.

Những ký ức hồi đầu tái lập tỉnh ngày nào tham gia đoàn công tác đi khảo sát tuyến đường 14D từ Bến Giằng lên, lại hiện về một đêm dừng chân ở Chàvàl lắc lư rượu tà vạt. Bất ngờ gặp Tơ Đên Sơn, chủ tịch xã, nhắc về những gian nan ngày cũ mà bỗng tiếc không có bức ảnh nào lưu lại, 27 năm chợt ngái xa hoài niệm.

Bao hình ảnh người ở Giằng, gặp đấy trong lịch sử, trong ngày hội và những chuyến ngang qua, ống kính thời gian có xóa mờ nhòa mà vẫn khắc trên tảng đá ký ức.

Nên tôi tin cái đẹp còn trầm tích đâu đó ở các bản làng, trong ánh mắt mênh mang ký ức đại ngàn của người già. Và theo bước chân trần, bờ vai sơn nữ, những rạo rực điệu múa, ánh lửa, cồng chiêng, tiếng đinh tút… hút về phía ngày hội những ống kính mê tìm cái đẹp, vẫn trôi đi… trôi đi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giằng, trong ống kính thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO