Huyện Nam Trà My với dân cư hiện nay hơn 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình hiểm trở, thiên tai thường xuyên xảy ra, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn nhiều thiếu thốn... Dù vậy, trong năm học qua, ngành giáo dục nơi đây đã làm tốt nhiệm vụ và gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Vượt khó bám nghề
Trường Mẫu giáo Trà Leng vừa được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng cấp độ 2. Kết quả này đạt được nhờ sự quan tâm của các cấp cũng như nỗ lực vượt khó vươn lên của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Leng cho biết, trường hiện có 23 cán bộ, giáo viên và nhân viên với 201 trẻ đang theo học. Điều đáng mừng là tinh thần của giáo viên, học sinh và phụ huynh đều rất tích cực, dù họ đã trải qua mất mát, đau thương từ trận sạt lở kinh hoàng năm 2020.
Cô Oanh chia sẻ về khó khăn trong dạy học: “Trận sạt lở năm ấy, nhiều người chết và mất tích, trong đó có học sinh, phụ huynh của nhà trường. Chúng tôi luôn phải động viên nhau cố gắng bám trường, bám lớp, kể cả đến nhà từng em để vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp, vì sau sạt lở, mỗi mùa mưa đến là phụ huynh lại giữ các em ở nhà.
Sau các giờ dạy, chúng tôi đến tận nhà để vận động, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về việc đưa con em đi học, bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Hiện tất cả 6 điểm trường lẻ khó khăn đều được chúng tôi thực hiện công tác bán trú, chăm sóc dinh dưỡng, điều này đã tạo động lực để phụ huynh đưa các em ra trường nhiều hơn”.
Ngoài điểm trường chính đặt tại Khu tái định cư Bằng La (thôn 2), Trường Mẫu giáo Trà Leng hiện có 6 điểm trường phụ phân bố tại các khu dân cư xa xôi. Đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng giáo viên nhà trường vẫn cần mẫn vượt núi hằng ngày, hằng tuần để đến gieo chữ ở những nơi xa xôi này.
Bằng tinh thần, trách nhiệm của “người đưa đò”, tỷ lệ học sinh ra lớp ở Nam Trà My tăng dần qua từng năm, riêng cấp học mầm non vốn được xem là nan giải nhất, cũng đã có tín hiệu đáng mừng với 97,8% trẻ ra lớp, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao, ngành giáo dục huyện Nam Trà My từ chỗ vượt khó ổn định giảng dạy, thì nay tiếp tục nâng cao về chất lượng.
Nâng cao chất lượng
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai), các tiết học trở nên sinh động hơn nhờ cách giảng dạy linh hoạt của giáo viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp thầy và trò tiết kiệm được thời gian, nhưng lượng thông tin cung cấp cho các em thì nhiều hơn so với phương pháp giảng dạy cũ.
Cô giáo Trầm Thị Thanh Tuyền (Trường Tiểu học Kim Đông) chia sẻ, công nghệ thông tin là phần không thể thiếu hiện nay, do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên trong giảng dạy là rất cần thiết.
Cô Tuyền nói: “Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như sử dụng các phần mềm, website, bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử… Nhờ vậy, giúp các em học sinh thích thú với việc học, nhớ bài lâu hơn, kỹ hơn, giúp quá trình dạy học của giáo viên trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Kim Đồng, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường còn chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Trên cơ sở bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên, trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Bên cạnh đó, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm, sự đồng lòng, tâm huyết của thầy cô, nhà trường cũng thành lập các câu lạc bộ năng khiếu để phát huy chất lượng giáo dục mũi nhọn, phù hợp yêu cầu đặt ra.
Theo ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, khó khăn trong những năm qua đã được ngành giáo dục huyện Nam Trà My từng bước khắc phục. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo về chế độ, chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo dạy học.
Ông Thuận cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực từ mạnh thường quân khắp nơi trên cả nước, cơ sở vật chất giảng dạy vốn khó khăn, thiếu thốn, hiện đã cơ bản đảm bảo. Các điểm trường tạm, xuống cấp đã được xây mới khang trang, an toàn hơn, giúp ngành giáo dục ứng phó với điều kiện thiên tai ở miền núi, vững bước trên con đường trao chữ ở vùng cao”.