(QNO) - Nhồi máu cơ tim cấp, trở thành một hiểm họa đe dọa tính mạng của người cao tuổi. Khác với những cơn đau thắt ngực dữ dội, dễ nhận biết ở người trẻ, nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi thường diễn biến âm thầm, khó lường.
Cụ bà 100 tuổi vượt qua cơn nhồi máu cơ tim
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã ghi nhận ca cấp cứu một cụ bà 100 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp, đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa và hồi phục một cách kỳ diệu.
Cụ bà nhập viện với các triệu chứng đau ngực dữ dội kèm khó thở. Tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa cột sống thắt lưng càng làm tình hình thêm phức tạp. Qua thăm khám, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn nhưng khó thở gắng sức, đau ngực kiểu đè nặng sau xương ức, kèm theo vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch nhanh và huyết áp thấp. Điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp thành trước.
Ê kíp trực cấp cứu hội chẩn khẩn cấp với các chuyên gia tim mạch can thiệp, nhận định ban đầu cho thấy đây là trường hợp rất nghiêm trọng. Tuổi cao, nhiều bệnh nền kèm theo tình trạng suy tim cấp khiến nguy cơ tử vong rất cao nếu không can thiệp kịp thời. May mắn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, mở ra cơ hội sống sót nếu can thiệp thành công.
Sau khi tư vấn kỹ lưỡng với gia đình, ê kíp y tế đã quyết định tiến hành can thiệp. Ca can thiệp diễn ra căng thẳng nhưng cuối cùng đã thành công tốt đẹp. Cụ bà được chuyển về Khoa Nội tim mạch của bệnh viện theo dõi và phục hồi sức khỏe đáng kinh ngạc qua từng ngày. Chỉ sau một tuần điều trị, cụ đã được xuất viện trong niềm vui mừng của gia đình và tập thể y bác sĩ.
Ca bệnh này không chỉ là một thành công của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam mà còn là minh chứng cho sự tiến bộ của y học, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Những năm gần đây, Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã can thiệp cứu sống nhiều bệnh nhân cao tuổi, nhưng đây là bệnh nhân cao tuổi nhất từ trước đến nay.
Chủ động phòng ngừa
Bác sĩ CKII. Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch, Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, nhồi máu cơ tim cấp vốn đã có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người trên 90 tuổi. "Thời gian vàng" để can thiệp nhồi máu cơ tim ở người trẻ là 12 giờ đầu, nhưng ở người cao tuổi cần phải nhanh hơn, tốt nhất là trước 3 giờ, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội hồi phục.
Bác sĩ Quang cũng nhấn mạnh, triệu chứng nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi thường không điển hình như người trẻ. Thay vì đau ngực dữ dội, người cao tuổi có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, thay đổi sắc mặt, chóng mặt, choáng váng, khó thở, vã mồ hôi… Chính vì vậy, việc thăm khám cẩn thận khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm bệnh và can thiệp kịp thời trong "thời gian vàng", quyết định đến tiên lượng sống còn của bệnh nhân.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, bác sĩ Quang khuyến cáo người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như bỏ thuốc lá, kiểm soát huyết áp, đường máu, mỡ máu và duy trì chế độ tập thể dục nhẹ nhàng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Phòng khám Nội tim mạch được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại như trắc nghiệm gắng sức, máy CT đa lát cắt, máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, giúp tầm soát và chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hẹp tắc động mạch vành.