Giới trẻ Trung Quốc thay đổi cách chi tiêu

QUỐC HƯNG 01/11/2022 16:54

(QNO) - Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ cho biết họ muốn tiết kiệm nhiều hơn vì lo lắng kinh tế, gồm cả lạm phát và thị trường việc làm.

 
Trong bối cảnh lạm phát tăng, nhiều người trong giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Ảnh: Scmp

Ngày Độc thân (1/11) là lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm tại Trung Quốc, mang về doanh thu hàng chục tỷ USD cho sàn thương mại điện tử. 

Do đó, lễ hội được nhiều nhà đầu tư coi là đại diện cho chi tiêu của người tiêu dùng tại Trung Quốc, đồng thời là thước đo quan trọng đối với sức khỏe kinh tế.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát mới, hơn một nửa số người tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất hành tinh cho biết sẽ thắt chặt ngân sách mua sắm cho ngày Độc thân.

Cuộc khảo sát do tạp chí Newsweek của Trung Quốc thực hiện, gần 40% trong số hơn 2.300 người được hỏi cho biết ngân sách của họ cho lễ hội mua sắm trực tuyến nhân dịp lễ năm nay giảm 30% so với năm ngoái, trong khi chỉ 15% cho biết có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn.

Lydia Xi (28 tuổi) làm việc tại Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, cho biết cô sẽ chỉ mua nhu yếu phẩm trong lễ hội, vì đại dịch COVID-19 khiến cô chi tiêu dè sẻn hơn. 

“Thật khó để kiếm tiền ngày nay, đặc biệt khi lạm phát đang diễn ra. Tôi dự định chỉ mua những gì thực sự cần thiết trong năm nay và sẽ không tích trữ thêm bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào nữa” - Lydia Xi nói.

Lydia Xi cho biết thêm mức lương của cô ở công ty thương mại nước ngoài vẫn thấp hơn khoảng 1/5 so với những gì cô kiếm được trước đại dịch. Vì thế, cô dự định sẽ tiết kiệm nhiều hơn để cảm thấy an tâm hơn.

Mặc dù đạt tổng giá trị hàng hóa lên tới 540,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 74,4 tỷ USD) - đánh bại doanh thu năm 2020 nhưng doanh thu ngày Độc thân của Alibaba năm ngoái tăng với tốc độ chậm nhất kể từ chiến dịch đầu tiên của công ty vào năm 2009. 

Tang Xiaoning (28 tuổi) đến từ Nam Kinh đang làm việc cho một công ty internet, cho biết anh cũng cần tiết kiệm tiền trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Tang Xiaoning nói vẫn có kế hoạch mua một lượng lớn nhu yếu phẩm, nhưng sẽ thay thế các nhãn hiệu nước ngoài đắt tiền bằng các nhãn hiệu nội địa giá cả phải chăng hơn để cắt giảm chi tiêu.

 
Thời gian gần đây, nhều người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm chi tiêu hơn. Ảnh: Scmp

Theo bà Erin Xin - nhà kinh tế Trung Quốc tại HSBC, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 và tiếp tục cảm thấy tác động này. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4, lên 5,5%. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ nhiều hơn để ổn định tăng trưởng.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thị trường việc làm toàn cầu giảm mạnh trong quý IV/2022. Thị trường lao động xấu đi có thể gây áp lực giảm đối với việc phục hồi tiêu dùng, dẫn đến mất thu nhập và tăng tiết kiệm đề phòng.

Bà Erin Xin nói: “Khi kỳ vọng kinh doanh giảm sút, việc xây dựng niềm tin trở lại sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế và điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy tiêu dùng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giới trẻ Trung Quốc thay đổi cách chi tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO