Lần nào cũng vậy, chưa cần bày ra đĩa, món mứt sắn mẹ làm với lớp vỏ lấm tấm bột đường đã gây thòm thèm vì hứa hẹn độ giòn tan.
Cơn bão đi qua, cây cối trong vườn một số xiêu vẹo, số khác bật gốc. Những bụi sắn ba trăng đang mùa cho củ xếp tán lên nhau rạp xuống đất. Sắn ba trăng cho củ không to nhưng chất lượng lại thơm ngon, không bị đắng.
Trước đây, ở làng tôi, nhà nào cũng trồng rất nhiều giống sắn này. Những nương sắn, đồi sắn cứ phấp phới khoe sắc xanh choán hết tầm mắt.
Thời đó còn khó khăn, những bữa ăn nhà nghèo lúc nào cũng có sắn. Nào sắn luộc, sắn hấp, sắn độn cơm, sắn độn khoai lang, hột mít. Thỉnh thoảng, khi vụ mùa khép lại, công việc ngơi tay, mẹ tôi mới có thời gian soạn sửa làm mấy hàng thức ngọt ngào như bánh sắn, mứt sắn chiều lòng đàn con thơ.
Để làm bánh sắn, trước tiên phải mài sắn. Những củ sắn sau khi bóc vỏ, ngâm vào thau nước trở nên trắng phau sẽ được mẹ tì chặt, miết mạnh vào một tấm thép cứng có đục các lỗ nhỏ. Những vụn sắn li ti chảy dần xuống chiếc thau hứng sẵn bên dưới, vun đầy thành một đống tơi mịn như bông.
Với một tấm màn sạch, mẹ bọc lấy từng nắm xác sắn rồi vắt kiệt, phần bột mịn nhất sẽ trôi theo nước. Nếu lọc lại đủ nhiều, mẹ sẽ nhào nặn phần bột này, sau đó thái thành sợi, đem nấu với một chút mỡ heo, lá nén làm thành món cháo bột lọc nóng hổi, thơm ngon. Phần xác còn lại là nguyên liệu chính của món bánh sắn hấp ngọt ngào.
Trẻ con không chỉ hảo ngọt mà còn thích trải nghiệm những món có độ giòn tan rào rạo. Mẹ biết ý nên vài lần khác còn kỳ công làm món mứt sắn. Tuy nhiên, đây không phải là một món “ăn liền”, muốn là được ăn ngay.
Mẹ phải canh những ngày có nắng, xắt những củ sắn thành những khoanh tròn, đem luộc chín rồi vớt ra. Tiếp theo, mẹ xếp sắn lên một chiếc nia lớn bằng tre, đem ra sân phơi cho thật ráo. Để sắn giòn hơn, sắn sẽ được rang cùng cát biển trên lửa củi liu riu. Sau cùng là khâu ngào đường. Mùi tỏa thơm phưng phức, ngọt ngào cả gian bếp.
Bây giờ, vườn nhà sau bão trở nên xác xơ, bầu trời trên cao vẫn còn nặng nề một màu chì xám, chưa hứa hẹn ngày nắng lên. Thế nhưng, với kỹ thuật chế biến khác xưa, tôi cùng mẹ vẫn có thể tận dụng những bụi sắn bật gốc mang vào làm món mứt sắn, nhâm nhi trong những ngày mưa lạnh lẽo.
Thay vì phơi nắng, rang cát, bây giờ chúng tôi sẵn sàng đổ hẳn cả can dầu lớn để chiên ngập khiến những lát sắn trở nên giòn rụm, vàng ươm. Khâu ngào sắn vì phức tạp nên lần nào, mẹ tôi cũng giành đứng bếp.
Đường cát sau khi được đun tan chảy, được cho thêm nước lạnh tạo thành hỗn hợp sánh vàng, mẹ nhanh tay đổ những lát sắn đã chiên giòn vào rồi đảo đều trong vài phút. Những lát sắn từ màu vàng nhạt sau khi thấm đường ngả màu vàng đậm hơi nâu, khi đường khô, những lát mứt sắn trong chảo va vào nhau lạo xạo, bắt đầu dậy mùi thơm.
Lần nào cũng vậy, chưa cần bày ra đĩa, món mứt sắn mẹ làm với lớp vỏ lấm tấm bột đường đã gây thòm thèm.
Ở quê hay phố, giờ ít ai làm mứt sắn vì mọi người có xu hướng ăn uống ngày càng tiết chế đường và tinh bột. Với riêng tôi, trong một ngày trời ủ mưa và se lạnh, được ngồi cùng mẹ bên chum trà sớm đặt dưới hàng hiên, ngó nghiêng khu vườn, bầu trời rồi nhâm nhi vài lát mứt sắn giòn tan. Cảnh gợi nhắc thật nhiều kỷ niệm về khoảng trời tuổi thơ ấm áp mà thời gian đã cuốn trôi.
Ở đó có món mứt sắn, món quà ngọt ngào và xa xỉ từ khu vườn quê.