Tuần lễ Biển - hải đảo và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8.6) được UBND tỉnh tổ chức với chủ đề “Đại dương: Sự sống và sinh kế”. Dịp này, Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với các bên liên quan về vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo tồn đi đôi với phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, hỗ trợ ngư dân bám biển…
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển & hải đảo (Sở TN-MT):Bảo vệ đa dạng sinh học biển
Tài nguyên sinh vật biển của tỉnh khá đa dạng, đặc biệt tập trung khá ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) và mũi An Hòa (Núi Thành). Ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) hiện có 2 loài được ghi vào sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển và khu dự trữ sinh quyển thế giới vì nơi đây có sự đa dạng về môi trường sinh thái, cảnh quan rừng, biển với tổng diện tích 6.716ha mặt nước, 1.549ha rừng tự nhiên.
Đặc biệt, đa dạng sinh học phong phú, nổi bật với 165ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển, 47 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 66 loại thân mềm sống phụ thuộc vào các rạn san hô, 4 loại tôm hùm và khoảng 200 loài cá rạn san hô, 342 loài thực vật có ích và 116 loài thuộc nhóm cây làm thuốc...
Ở khu vực mũi An Hòa có gần 1.000ha thảm cỏ biển, có 2 kiểu rạn san hô chính là kiểu rạn riềm ven các đảo và kiểu rạn nền trên các bãi cạn, đồi ngầm. Cỏ biển phân bố gần 200ha, tập trung khu vực vùng triều ven biển thuộc địa bàn các xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang.
Ngoài ra còn có các thảm rong biển chủ yếu là Sargassum. Vũng An Hòa còn có diện tích rừng ngập mặn phân bố thành từng dải rừng nhỏ hẹp dọc theo vùng triều ven bờ đầm hoặc rải rác trên các bờ bao và trong ao, đìa nuôi thủy sản với tổng diện tích khoảng 65,82ha.
Nguồn lợi thủy, hải sản trong vũng An Hòa rất phong phú, quý hiếm, về cá có cá đối, cá dìa, cá kình, cá móm; về giáp xác, có tôm đất, tôm rằn, tôm bạc, cua xanh, ghẹ; nguồn lợi thân mềm có nghêu, hàu...
Với nguồn tài nguyên phong phú này, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban điều phối và Nhóm tư vấn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ. Việc xây dựng, triển khai và phê duyệt các kế hoạch, dự án liên quan đến môi trường biển, hải đảo trong những năm qua luôn được sự tham gia của các bên liên quan. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về quản lý tổng hợp vùng bờ, thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”...
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT): Bảo tồn đi đôi phát triển kinh tế biển
Ngư dân Quảng Nam hiện có 4.240 tàu cá, trong đó, khai thác hải sản ven bờ là 2.784 chiếc (65,77%), đánh bắt hải sản ở vùng lộng là 716 chiếc (16,91%) và tàu cá sản xuất ở vùng khơi là 740 chiếc. Trong nhiều năm qua, bình quân ngư dân khai thác hải sản đạt 90.000 tấn/năm.
Hiện nay, các nghề khai thác hải sản chủ lực của tỉnh đều là sản xuất xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc như lưới vây, lưới rê hỗn hợp, lưới chụp và câu mực khơi.
Ngư dân luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển để khai thác hải sản an toàn, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật trên biển.
Theo Chiến lược biển của tỉnh, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất nghề cá hợp lý, khai thác hải sản kỳ vọng sẽ có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; sẽ gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mục đích là từng bước nâng cao thu nhập, mức sống của người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo của Tổ quốc.
Chi cục Thủy sản cũng tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh thành lập khu bảo tồn biển kết hợp nuôi thủy, hải sản và khai thác du lịch ở mũi An Hòa theo mô hình đồng quản lý và có khớp nối với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ngành thanh tra thủy sản cũng sẽ được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để đủ năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển. Sẽ xây dựng 2 trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Cửa Đại (Hội An) và An Hòa (Núi Thành) nhằm tăng cường sự thường trực của lực lượng, sẵn sàng có mặt kịp thời tại các ngư trường, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, trang bị 1 tàu vỏ composit, lắp máy công suất 800CV, trang bị mới 1 canô cao tốc, lắp máy công suất khoảng 300HP sẵn sàng thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý sai phạm trong khai thác hải sản.
Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2:Giữ vững chủ quyền, an ninh biển
Là một trong những đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên những lĩnh vực thuộc địa bàn quản từ nam đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến đảo Cù Lao Xanh (Bình Định) bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 2 đã tích cực quán triệt, triển khai và thực hiện các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Từ khi ban hành luật đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức huấn luyện cho các đối tượng liên quan hơn 50 chuyên đề về Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến thẩm quyền xử phạt hành chính của lực lượng Cảnh sát biển.
Đồng thời đã tổ chức thực hiện gần 60 lượt chuyến tuần tra, kiểm soát, kiểm tra và xử phạt trên 800 lượt tàu thuyền các loại. Đơn vị cũng đã tích cực tuyên truyên yêu cầu hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép, lập biên bản phóng thích hơn 120 lượt chiếc.
Việc nắm chắc và thực hiện đúng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển của đất nước.
Luôn bám sát cơ sở, địa bàn, gần gũi với nhân dân, nhất là ngư dân ven biển, thời gian qua chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã trở thành một hoạt động ý nghĩa, gắn kết, sẻ chia, động viên ngư dân yên tâm bám biển.
Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; về tình hình biển đảo cho cán bộ, nhân dân, ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Trị được 80 buổi với hơn 10.000 lượt người tham gia; cấp phát 36.626 tờ rơi; 1.265 quyển sách về Luật Biển; cấp phát 170 áo phao...
Đồng thời tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản trái phép, không đánh bắt hải sản mang tính chất tận diệt như sử dụng thuốc nổ, xung điện, hóa chất làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường truyền thống…
Nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai được triển khai cứu giúp kịp thời ngư dân miền Trung nói chung, ngư dân Quảng Nam nói riêng khi gặp sự cố trên biển.
Với những nỗ lực nêu trên, lực lượng Cảnh sát biển đã thực sự trở thành điểm tựa trên biển cho ngư dân yên tâm đánh bắt ở các ngư trường truyền thống, giữ vững chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn biển
Bà Nguyễn Hoàng Yến cho hay, năm 2003 Quảng Nam là tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ TN&MT chọn thí điểm áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn ngân sách Nhà nước, triển khai tập trung tại Hội An và Núi Thành.
Bên cạnh đó, Dự án Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thành lập trên cơ sở ký kết thỏa thuận song phương giữa hai Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam. Hoạt động bảo tồn được Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN) hỗ trợ đến 2010.
Với sự hỗ trợ của Chương trình sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), IUCN và Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) của Cộng hòa Liên bang Đức, mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đã được xây dựng, triển khai tại Quảng Nam và Đà Nẵng từ năm 2017.
Ngoài ra, Dự án GEF/UNDP/ASEAN về giảm ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường trong vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông ở các nước ASEAN đã được xây dựng đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, dự kiến triển khai năm 2021.
Hiện nay, Quảng Nam là một trong 6 địa phương thí điểm tham gia Dự án PEMSEA-VASI mở rộng. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam được là điểm trình diễn của dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do Tổ chức Quốc tế về bào tồn thiên nhiên (WWF) là cơ quan tài trợ.