Là nơi hội tụ của 23 cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Bhnong, thời gian qua huyện Phước Sơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là các trò chơi dân gian và môn thể thao truyền thống.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, huyện Phước Sơn đã ban hành Nghị quyết số 05 và Đề án số 03 giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, về bảo tồn văn hóa.
Các trò chơi dân gian như bắn ná, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co đã được khôi phục và đưa vào các lễ hội lớn như Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Văn hóa - Thể thao người Bhnong. Những hoạt động này không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về giá trị truyền thống.
Ông Nguyễn Quốc Kỷ - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Phước Sơn chia sẻ, những năm qua, huyện nỗ lực bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian, đặc biệt là những môn thể thao truyền thống như bắn ná, bắn nỏ, đẩy gậy và kéo co.
“Các môn thể thao này không chỉ phản ánh nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc mà cũng là cầu nối để cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và đoàn kết.
Đến nay, huyện đã dành hơn 10 tỷ đồng xây dựng khu bảo tồn nhà văn hóa Bhnong, 25 tỷ đồng cho khu liên hợp thể thao (giai đoạn 1), gần 24 tỷ đồng cho 31 nhà làng truyền thống tại các xã và thị trấn. Các công trình này không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao mà còn tạo không gian gìn giữ giá trị truyền thống quý báu” - ông Nguyễn Quốc Kỷ nói.
Những “quả ngọt” đã đến từ sự quan tâm, đầu tư xứng tầm. Huyện Phước Sơn đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Tại hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam và Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các huyện miền núi, đội tuyển các môn thể thao truyền thống của Phước Sơn luôn được đánh giá cao.
Đặc biệt, vận động viên Hồ Văn Đế đã giành 2 huy chương vàng toàn quốc môn bắn ná, trong khi các vận động viên khác như Hồ Thị Ly Ly, Hồ Văn Huấn thường xuyên được tuyển chọn vào đội tuyển tỉnh và đạt nhiều thành tích ấn tượng.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỷ, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cũng gặp khó khăn như kinh phí dành cho các câu lạc bộ cơ sở còn hạn chế khiến hoạt động thường xuyên gặp trở ngại.
Một số trò chơi dân gian đang có nguy cơ mai một, nhất là trong thế hệ trẻ. Các giải đấu truyền thống chủ yếu lồng ghép vào các lễ hội lớn nên chưa đủ thời gian và quy mô để lan tỏa sâu rộng.
Thời gian tới, chính quyền huyện Phước Sơn chỉ đạo ngành văn hóa và chính quyền cơ sở cụ thể hóa các chính sách bảo tồn, huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua các chương trình tuyên truyền.
Ngoài ra, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực để duy trì và nâng cấp nhà làng truyền thống, tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu giữa các câu lạc bộ. Công tác bồi dưỡng cán bộ văn hóa và nghệ nhân cũng sẽ được chú trọng...