Du lịch

Giữ ký ức sau mỗi chặng đường...

DU NGUYÊN 15/04/2024 17:16

(VHQN) - Đó chắc chắn là những thứ chúng ta cầm về sau mỗi chặng đi đến xứ khác. Những vật lưu niệm nho nhỏ, trở thành nơi lưu giữ ký ức của mỗi hành trình....

431161069_933773374994628_5728314265489826040_n(1).jpg
Những chiếc lá khô trở thành vật lưu niệm độc bản - vọng một tiếng thu từ xứ sở kim chi. Ảnh: Ngọc Được

Đôi khi, chúng ta quên mình từng có nó. Để bữa nọ, lướt qua và bất chợt dừng lại thật lâu trước những món quà lưu niệm đã trong ngăn tủ tự bữa nào. Có món được bạn bè trao gửi, có món tự mua tặng cho mình, nhưng ít nhiều, món nào cũng rưng rưng kỷ niệm.

Vọng một tiếng thu

Có người sẽ thoáng tần ngần khi bỗng dưng nhớ lại thật nhiều hồi ức. Có người sẽ chợt nhớ đến một người bạn đã lâu không gặp. Có người sẽ hoài da diết một vùng đất suýt rơi về phía lãng quên…
Quà lưu niệm, đôi khi còn là một tiếng gọi dù vô thanh. Nó gọi về trong tâm trí những ký ức của dặm dài rong ruổi, kết nối quá khứ - hiện tại. Nó nhắc ta nhìn lại những gì đã qua...

Tôi đã từng ngẩn tò te khi thấy người bạn đồng hành của mình ngồi thụp xuống bên vệ đường, tỉ mẩn lựa từng chiếc lá vàng rơi dưới gốc của cây bạch quả tại làng cổ Jeonju Hanok (Hàn Quốc).

Sau đó, bạn cẩn thận mang những chiếc lá đó đến một phòng tranh cuối phố, chọn khung, giấy, trình bày ý tưởng nhờ họ sắp đặt theo dụng ý…

Cuối cùng, với sự giúp sức từ nghệ nhân địa phương, bạn đã hô biến những chiếc lá ven đường trở thành một tác phẩm độc bản mang đậm dấu ấn cá nhân. Chúng gợi nhắc về một chiều thu lãng đãng nơi phố lạ.

“Quà lưu niệm mua trong những cửa hàng thương mại thì rất tiện và rẻ. Nhưng nó sẽ giống với nhiều món quà được sản xuất công nghiệp khác, đôi khi còn được nhập khẩu từ một đất nước không liên quan nên giá trị về văn hóa bản địa không nhiều. Mình thích tự lưu giữ lại sắc thu theo cách này. Mỗi khi nhìn lại tác phẩm mà mình góp phần tạo nên, dẫu chân phương và không hoàn hảo, cũng sẽ gợi lại một buổi chiều say sưa giữa đất trời…” - bạn chia sẻ.

Nét chữ viết vội

Trong những ngày độc hành ở nơi chốn khác xứ mình, tôi thường dành một buổi thư thả lựa mua bưu thiếp.

Rồi chọn ngồi tại một góc phố, ngắm người qua kẻ lại. Dòng người vẫn lướt qua, không ai quen mình. Tôi sẽ ngồi đó và nghĩ về tôi của những ngày vừa qua, nghĩ về những người vừa gặp. Cả những trải nghiệm mới mà tôi vừa có được, hay thậm chí, nghĩ về hành trình bước ra khỏi vùng an toàn và lộ trình quen thuộc mỗi ngày.

Tôi thường tự hỏi lòng mình đang nhớ ai, muốn nói gì với họ ngay lúc đó, trước khi viết vào bưu thiếp. Hoàn toàn bộc phát, để con tim dẫn lối. Có lần, tôi lang thang giữa Seattle (Hoa Kỳ) và lòng thấy nhớ quá một người đã lâu không gặp. Tôi viết vội dòng chữ: “Wish you were here” (Ước gì bạn ở đây) lên bưu thiếp và đi bộ đến bưu điện gửi đi. Lòng khấp khởi hồi hộp, xen lẫn âu lo như cậu trai mới lớn lần đầu gửi thư tình.

Chiếc bưu thiếp đến tay người nhận ở một đất nước khác, không lâu sau đó, cùng với dấu mộc ghi rõ địa điểm, ngày, tháng, năm và mã bưu cục của nơi tôi gửi đi.

“Đây là món quà lưu niệm đơn sơ nhất nhưng nhiều cảm xúc nhất mà tôi từng nhận được…”- bạn gửi cho tôi một tin nhắn rất dài sau khi nhận tấm bưu thiếp.

Bạn nói rằng cầm bưu thiếp trên tay, bạn nghĩ đến cả hành trình xa xôi từ nửa vòng trái đất của nó và nghĩ đến khoảnh khắc tôi nhớ đến bạn trong chuyến đi. Đó mới là điều đáng quý hơn cả.
Sau này, mỗi người đều có con đường đi riêng, những lần trò chuyện, gặp gỡ thưa dần. Nhưng trong những lần vô tình gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc về chiếc bưu thiếp đặc biệt đó với nhiều cảm xúc bồi hồi.

Bản sắc và dấu ấn cá nhân

Hai câu chuyện tôi vừa kể, tưởng chừng không liên quan, nhưng gặp nhau ở khía cạnh chung: món quà sẽ trở nên đáng nhớ hơn khi người sở hữu được tham gia đóng góp hoặc trở thành một phần (hữu hình hoặc vô hình) của món quà.

Đây cũng là công thức thành công của những thương hiệu quà lưu niệm đang được ưa chuộng trong cộng đồng xê dịch thế giới: được xem tận mắt, được làm tận tay và được gói mang về.
Từ việc trực tiếp trải nghiệm làm lồng đèn tại Hội An, đến những workshop D-I-Y tại các làng nghề cổ truyền, hay tự tay mài vỏ cây thanaka làm mỹ phẩm huyền thoại ở Myanmar…, đều bắt đầu từ ý niệm này.

Không phải ngẫu nhiên mà trong từ điển của người trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z, những từ khóa như “cá tính”, “chất riêng” lại được nhắc nhiều hơn so với những thế hệ đi trước.

Ở thời mọi thứ phát triển đa dạng, “muôn màu muôn vẻ”, cơ hội để du khách tham gia và thể hiện chính mình trong từng món quà lưu niệm sẽ càng được quan tâm nhiều hơn.

Điều này đặt ra nhiều áp lực, lẫn kỳ vọng để người làm du lịch tiếp tục sáng tạo nhiều cách làm mới. Mỗi món quà lưu niệm sẽ trở thành một người bạn lưu giữ ký ức sau mỗi chặng hành trình. Xa hơn, trở thành “đại sứ” gọi mời bạn bè bốn phương đến trải nghiệm và khám phá...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ ký ức sau mỗi chặng đường...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO