Lâm nghiệp

Giữ “nhà” cho động vật rừng

LÊ MỸ (hotranminhquanbc@gmail.com) 25/05/2025 06:57

(QNO) – Tăng cường tuần tra, giám sát lâm phận, quản lý chặt chẽ đa dạng sinh học và kịp thời tháo gỡ bẫy thú... là những việc làm thường xuyên của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thời gian qua. Những nỗ lực thầm lặng ấy đang từng bước góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại rừng và bẫy bắt động vật hoang dã trái phép.

DONG VAT HOANG DA 2
Cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My) tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Siết chặt tuần tra, chốt chặn

Nằm trên tuyến quốc lộ 24C, Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My) đóng vai trò chốt chặn quan trọng ở khu vực giáp ranh với huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Đồng thời giám sát mọi hoạt động ra vào rừng thuộc địa bàn xã Trà Nú và thôn 3 xã Trà Giác.

Ông Lê Văn Luân – Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 cho biết, thái độ cứng rắn, kiên quyết của lực lượng chức năng đã khiến không ít đối tượng có ý định đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã phải chùn bước.

“Phát hiện đối tượng nào mang theo lưới, “chim mồi” lút vào rừng đặt bẫy, lực lượng tuần tra sẽ tịch thu dụng cụ. Đồng thời thả lại tự nhiên nhiều loài chim, gà rừng là “chim mồi” mà các đối tượng mang vào rừng. Vì vậy mà thời gian qua lâm phận quản lý của trạm không còn trường hợp nào dám ra, vào rừng săn bắt động vật hoang dã” – ông Luân chia sẻ.

DONG VAT HOANG DA 1
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 phối hợp với kiểm lâm địa bàn tháo gỡ bẫy thú trong rừng phòng hộ. Ảnh: HỒ QUÂN

Người dân bản địa trở thành "tai mắt" của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong việc cung cấp thông tin về các đối tượng “lạ” vào rừng khai thác ong hoặc bẫy bắt động vật. Như cuối năm 2024, một người dân ở xã Trà Giác phát hiện cá thể tê tê nặng khoảng 4kg mắc bẫy bên gốc cây khô ven suối (thuộc khoảnh 1, tiểu khu 813). Qua vận động, người này đã tự nguyện giao nộp cá thể quý hiếm để thả về rừng.

[VIDEO] - Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 thả cá thể tê tê bị mắc bẫy về tự nhiên:

Tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Quế Sơn), với diện tích bảo vệ hơn 19.000ha, chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra gắn với giám sát 4 hệ sinh thái đặc trưng, gồm: rừng thưa sinh cảnh voi, rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng á nhiệt đới và hệ sinh thái chim di cư. Trừ các hộ chăn thả gia súc được cấp phép ra vào, mọi hành vi khai thác ong rừng, đặt bẫy động vật trái phép đều bị xử lý nghiêm.

DONG VAT HOANG DA 8
Lực lượng chuyên trách Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Quế Sơn) tháo gỡ bẫy thú trong rừng đặc dụng. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

Năm 2024, qua 230 đợt tuần tra, chủ rừng này đã phát hiện và tháo gỡ 1.297 bẫy dây, 42 bẫy kẹp; phá hủy 16 lán trại trái phép và nhiều vũ khí thô như rựa, giáo, cưa… Đơn vị cũng xử lý 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 1 vụ săn bắt động vật hoang dã với tang vật gồm 1 cá thể dúi, 2 con chó săn cùng nhiều công cụ vi phạm.

Từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị tiếp tục triển khai 64 đợt tuần tra, tháo gỡ 104 dây bẫy, 2 lán trại dựng trái phép; không ghi nhận thêm vi phạm về lâm luật.

[VIDEO] - Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Quế Sơn) tuần tra bảo vệ rừng và giám sát sự phát triển của đàn voi:

Nhiều tín hiệu khả quan

Ngoài kiểm soát chặt lâm phận, các chủ rừng còn tích cực lồng ghép công tác tuần tra với điều tra, giám sát đa dạng sinh học. Tại Vườn Quốc gia Sông Thanh, trong năm 2024, các tổ bảo vệ rừng đã ghi nhận 624 điểm có dấu vết động vật như dấu chân, phân, vết cào, lông, hang ổ… của các loài như nai, lợn rừng, sơn dương, mang lớn, rê tê, gấu, rái cá… Đặc biệt, quan sát bằng mắt các đàn chim hồng hoàng, bồ cành và voọc chà vá chân xám…

DONG VAT HOANG DA 5
Lực lượng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang giải cứu động vật rừng mắc bẫy. Ảnh: HỒ QUÂN

Từ năm 2024 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang đã phát hiện dấu chân của nhiều loài quý hiếm như mang lớn, mang Trường Sơn, lợn rừng… Còn Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La cũng đã giải cứu và tái thả nhiều cá thể động vật hoang dã như sơn dương, rùa sa nhân, rùa đầu to, rùa hộp trán vàng và rùa núi viền...

Ông Đỗ Đăng Vũ – cán bộ phụ trách kế hoạch kỹ thuật (thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Dự án VFBC (do tổ chức quốc tế tài trợ), đơn vị đã thành lập 2 đội tuần tra chuyên trách, hoạt động trung bình 16 ngày/tháng. Ngoài ra, thiết lập bẫy ảnh để giám sát sự phát triển của đàn voi và các loài động vật trong lâm phận quản lý.

DONG VAT HOANG DA 7
Một cá thể mang Trường Sơn xuất hiện trong bẫy ảnh đặt tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

Ghi nhận từ bẫy ảnh cho thấy, mật độ xuất hiện động vật rừng ngày càng nhiều. Gần đây, cá thể mang Trường Sơn, voọc chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ, thỏ vằn Trường Sơn, trĩ sao… đã xuất hiện ở một số điểm thiết lập bẫy ảnh. Đơn vị này cũng đang tổ chức thu bẫy ảnh đợt 2/2025 để xác minh thông tin đàn voi có thêm 1 cá thể voi con mới sinh.

“Hy vọng thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp nhận thêm nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giám sát đa dạng sinh học để ghi nhận thêm nhiều loài động vật mới. Đồng thời đánh giá sự gia tăng hay suy giảm của các loài để có giải pháp bảo vệ hiệu quả hơn” – ông Vũ cho biết.

Ông Đỗ Đăng Vũ – cán bộ phụ trách kế hoạch kỹ thuật (thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi) nói về công tác điều tra đa dạng sinh học trong lâm phận quản lý:

DONG VAT HOANG DA 4
Thiết lập bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học trong lâm phận Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ảnh: HỒ QUÂN

UBND tỉnh vừa phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại hơn 11,6 tỷ đồng từ Tổ chức WWF. Khoản viện trợ nhằm hỗ trợ Quảng Nam thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, thông qua mô hình bảo tồn do cộng đồng làm chủ và được hưởng lợi.

Theo kế hoạch, nguồn viện trợ sẽ được triển khai tại các vùng có độ đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh, tập trung tại 4 địa phương: Đông Giang, Nam Giang, Núi Thành và Tam Kỳ. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2025 đến tháng 12/2027. Hy vọng, dự án này sẽ tiếp nối thành công của các chương trình, dự án phi chính phủ đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ “nhà” cho động vật rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO