(VHQN) - Bữa nọ đọc bài viết ký tên Nguyễn Đại Bường, tôi tò mò đi tìm địa chỉ người gởi. Một chặp nói chuyện, hóa ra chú là đồng hương - lại là bạn thời trung học của ba tôi.
1. Chú tên Huấn, đã hơn bốn chục năm xa quê. Lập nghiệp Vũng Tàu, dễ chừng phải mươi năm trở lại đây, khi đời sống an ổn hơn, ông mới thường xuyên về quê. Hình như, dự cảm của người kề cận tuổi trời trở thành thôi thúc để có nhiều hơn những cuộc trở về.
Trong các bài viết từ miền Nam gởi về cộng tác cho báo quê nhà - những bài viết ký tên Nguyễn Đại Bường, tôi đọc thấy nỗi nhớ vẩn vơ, không rõ hình hài nhưng day dứt. Đại Bường là tên những người tuổi 50 trở lên ở đầu nguồn Thu Bồn dùng để gọi tên làng mình.
Hình như cũng chỉ có họ mới đủ trải nghiệm để giữ ký ức về một làng Đại Bường tả ngạn sông Thu - nơi có câu chuyện “đào viên kết nghĩa” của 13 dòng họ tương thân tương ái, dựng nên làng quê Đại Bình xanh ngát rau trái.
Đại Bình, với tên Nôm là Đại Bường - là tên làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam. Kể từ năm 1602 sau khi chúa Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện, thì cũng đồng thời có làng Đại Bường, Trung Phước.
Đại Bường hay Đại Bình thật ra cũng chỉ là một, nhưng người xa quê lâu năm vẫn cứ mang theo mình tên gọi của quê xứ ngày họ còn ấu thơ.
Ở phía bên này sông, làng Trung Phước, bây giờ định danh thị trấn, có ngôi chợ tuổi đời dài hơn cả tuổi của tên làng. Mấy trăm năm có lẻ, hai ngôi làng Đại Bình - Trung Phước nằm về hai phía dòng sông, chứng kiến những tao loạn, biệt ly.
Cách một con đò, một cây cầu nhưng phong tư người làng khác biệt. Dân Trung Phước lẹ làng, tinh quái vì nếp sống công nghiệp từ mỏ than Nông Sơn, lẫn ảnh hưởng nếp sống thị dân từ đồng bào tản cư các đô thị tìm đến, cũng vì giữa con đất là cái chợ - nơi tập họp sản vật ở mạn nguồn Tý, Sé, Dùi Chiêng chuyển về xuôi và nhận cá mắm từ đò dọc Hội An ngược lên.
Người Đại Bình lại nhẹ nhàng, nói năng từ tốn. Con gái Đại Bình đẹp nức tiếng xứ Quảng. Nhưng đàn bà Trung Phước thì tháo vát, đảm đang.
Hơn 15 năm trước, khi thành lập huyện Nông Sơn, kể cả người dân Quảng Nam vẫn xa lạ với địa danh này. Nhưng nói là huyện có làng Đại Bình, Trung Phước, mỏ than Nông Sơn thì ai cũng ồ à ra chiều... có biết.
Họ nghe, bởi trong cái giai điệu đằm thắm của ca khúc “Quế Sơn đất mẹ ân tình”, nhạc sĩ Đình Thậm và nhà thơ Ngân Vịnh đã nhắc tên “con đò Trung Phước”. Cũng như, người ở xa biết đến làng Đại Bình vì nghe nói về “làng Nam bộ thu nhỏ” giữa lòng xứ Quảng.
Vì từ nghệ thuật và truyền thông, Trung Phước, Đại Bình được gán cho một thân phận cao hơn vị trí địa lý của mảnh đất trên bản đồ.
2. Một bạn trẻ nhắc chuyện về những tên đất, tên làng, nói luôn rằng, có “bao nhiêu cái tên ở Hà Nội, Sài Gòn, không còn trên bản đồ nữa nhưng bất tử trong lòng người?”.
Nó không mất đi, vì những cái tên không tồn tại trong trí nhớ hữu hạn của con người, mà đi xa hơn thế, đó là những trầm tích gói ghém giá trị tinh thần. Không còn trong văn bản hành chính, nhưng nó sẽ ở giữa trang văn, bài thơ, câu hát.
Không còn trong đời sống ngày thường, nó sẽ ở đó giữa những dòng nghiên cứu, trong ký ức con người trao truyền qua các thế hệ bằng cách đặt tên cho những điều mình yêu quý, như tên con cái, tên hiệu sáng tác... Thậm chí, tên làng cũ được mang theo để đặt cho những vùng ở mới. Họ nhân đôi quê hương mình trên những chốn dung thân...
Dự kiến tháng 7 này, huyện Nông Sơn sẽ thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính - quay trở về là vùng đất phía tây của huyện Quế Sơn. Chắc chắn tên gọi thị trấn Trung Phước sẽ được giữ, cùng những khối phố Đại Bình, Trung Phước 1, Trung Phước 2... Còn tên gọi Nông Sơn, có lẽ sẽ “bất tử” trong lòng người bởi tên gọi của mỏ than Nông Sơn, cầu Nông Sơn.
Chú Nguyễn Đại Bường kể, khoảng năm 1963, chú và ba tôi đều là học sinh Trường Trung học Đông Giang, bây giờ là Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.Đà Nẵng).
Những năm sau đó, chiến tranh ác liệt, cả 2 gia đình đều theo dòng người tản cư về Đặc khu Hoàng Văn Thụ - trải dài ở 4 xã Quế Lộc, Quế Trung, Quế Lâm và Quế Ninh bây giờ.
Dòng người tản cư từ các đô thị như Đà Nẵng, Hội An và các vùng đồng bằng lân cận đều ở quanh Trung Phước, Đại Bình. Sau giải phóng, nhiều người quay về lại thành phố nhưng phần lớn chọn ở lại với đất Trung Phước, trong đó có gia đình ông bà nội tôi.
Làng Đại Bình bây giờ có rất nhiều gia đình đang định cư nước ngoài hay sống ở các thành phố lớn. Họ âm thầm làm một cuộc “di cư” như lịch sử đất này từng đón nhận dòng người tản cư. Nhưng khác ngày xưa, họ mang theo tên đất cưu mang cha ông mình, làm nên những tộc Trần, tộc Nguyễn làng Đại Bình ở đất lạ...