Kinh tế

Gỡ khó cho doanh nghiệp, Quảng Nam tìm hướng thu nợ tiền sử dụng đất

NGUYỄN QUANG (nguyenquangviet08@gmail.com) 13/05/2025 06:43

Quảng Nam đang áp dụng đồng bộ các giải pháp để giải quyết thực trạng nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

dat 2
Ông Trần Đăng Khoa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Ảnh: QUANG VIỆT

Con số đáng báo động

Quảng Nam đang có 35 dự án khu dân cư, khu đô thị doanh nghiệp (DN) còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tổng số tiền 2.080,6 tỷ đồng; trong đó, nợ tiền sử dụng đất 2.011,8 tỷ đồng, tiền thuê đất một lần 68,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, các DN còn nợ tiền chậm nộp hơn 224,2 tỷ đồng. Đáng nói, các khoản tiền nợ này đã quá hạn nộp khá lâu, kéo dài nhiều năm.

Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XII cho biết, ngành thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng chưa thu được tiền sử dụng đất, thuê đất DN còn nợ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với số tiền lớn. Như Dự án khu dân cư đô thị Điện Minh (giai đoạn 1), chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng công trình Minh Sơn đang nợ tiền sử dụng đất 229,3 tỷ đồng, nợ tiền thuê đất 12,6 tỷ đồng.

Do dự án phát sinh từ năm 2022 nhưng đến nay DN chưa nộp tiền vào ngân sách dẫn đến số tiền chậm nộp phát sinh là 55 tỷ đồng. Lẽ ra DN được trừ hơn 17,9 tỷ đồng nhờ đã thanh toán tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng do ngành chức năng chưa quyết toán để ghi thu, ghi chi ngân sách nên đang được phân loại nợ chờ điều chỉnh.

Hay như Dự án khu đô thị Phú Thịnh, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ & tổng hợp Phước Nguyên đang nợ tiền sử dụng đất hơn 267,9 tỷ đồng, nợ tiền thuê đất hơn 10 tỷ đồng. Dự án phát sinh từ năm 2023 nhưng đến nay DN chưa nộp tiền vào ngân sách dẫn đến số tiền chậm nộp phát sinh là 28,8 tỷ đồng.

Trường hợp trên, lẽ ra DN được trừ nợ số tiền 36,4 tỷ đồng do đã thanh toán tiền bồi thường, GPMB nhưng chưa được quyết toán để ghi thu - ghi chi ngân sách nên được phân loại nợ chờ điều chỉnh.

Một trường hợp khác, Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương đang nợ tiền sử dụng đất hơn 112,6 tỷ đồng. Do dự án phát sinh từ năm 2023 nhưng đến nay DN chưa nộp tiền vào ngân sách nên số tiền chậm nộp phát sinh 15,6 tỷ đồng.

Ông Trần Đăng Khoa - đại diện công ty kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) theo sổ lẻ từng thửa cho các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo phân kỳ.

Đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện cho công ty hoàn tất thủ tục cấp giấy CNQSDĐ theo từng thửa đối với các dự án đã GPMB và xây dựng hạ tầng 100%. Đối với những vị trí gặp khó trong GPMB, công ty đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị thực hiện GPMB có biện pháp hiệu quả để thu hồi, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trong trường hợp gặp vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh cho phép DN được điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại các vị trí không ảnh hưởng đến hạ tầng khung, hoàn tất thủ tục giao đất, sớm phê duyệt phương án giá đất cụ thể. “Điều này sẽ giúp công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong năm 2025” - ông Khoa nói.

Gỡ khó cho DN

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với các sở, ngành và DN để đôn đốc thu hồi các khoản thu liên quan đến đất.

dat 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng phát biểu kết luận tại buổi làm việc với các sở, ngành, DN nợ tiền sử dụng đất, thuê đất. Ảnh: QUANG VIỆT

Ông Bùi Khánh Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XII cho rằng, DN đang phải chịu áp lực tài chính rất lớn khi cùng lúc phải ứng tiền bồi thường, GPMB và chi tiền thi công hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng ngày càng thắt chặt điều kiện vay vốn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản do lo ngại rủi ro cao khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của DN hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước. Hơn nữa, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, khai thác quỹ đất không hiệu quả gây khó khăn cho DN trong việc huy động vốn.

Ông Bùi Khánh Toàn đề xuất UBND tỉnh xử lý triệt để thực trạng nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp của các DN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các DN phải khẩn trương có văn bản cam kết nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế, gửi Văn phòng UBND tỉnh để theo dõi.

DN phải nộp tiền còn nợ vào ngân sách trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cam kết, quá thời hạn trên cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế theo quy định; đồng thời đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo quy định.

“UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay để thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đối với ngân sách” - ông Toàn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đồng ý với đề xuất của ngành thuế; đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương cấp giấy CNQSDĐ đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật để DN chuyển nhượng bất động sản; yêu cầu UBND cấp huyện tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác quyết toán, xác nhận tiền bồi thường, GPMB được khấu trừ để thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách.

“Thu hồi các khoản nợ về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm. Tất cả DN phải hoàn thành nộp các khoản nợ trước ngày 30/6. Riêng các DN đã bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn lần thứ 3 bắt buộc phải nộp dứt điểm trước ngày 30/5” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nhấn mạnh.

Đến ngày 5/5/2025, số tiền sử dụng đất do ngành thuế quản lý thu được là hơn 215,2 tỷ đồng (đạt 6,52% so với dự toán cả năm). Nguyên nhân chính dự toán đạt thấp là nhiều dự án còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; một số dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa có quyết định phê duyệt giá đất, chậm phê duyệt quyết toán tiền bồi thường, GPMB để thực hiện ghi thu, ghi chi vào ngân sách.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cho doanh nghiệp, Quảng Nam tìm hướng thu nợ tiền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO