Để đời sống vận hành trong sự ổn định, bình hòa, người ta thường đặt ra một ngưỡng nào đó để kiểm soát. Khi vượt cái mức/ngưỡng đó, tức sẽ có các kiểu lạm xuất hiện.
Hành vi cá nhân nhưng sẽ ảnh hưởng đến xã hội đó là các kiểu lạm dụng.
Lạm dụng bia rượu, chất kích thích ảnh hưởng sức khỏe mỗi người, nhưng cũng gây tác hại như tai nạn, bệnh tật, gia tăng mối nguy cho cộng đồng.
Lạm dụng chức quyền là việc của cá nhân lãnh đạo nhưng sẽ gây mất dân chủ, mất đoàn kết trong cơ quan đơn vị.
Lạm dụng công quỹ là để tư lợi song lại khiến ngân sách của tập thể bị thâm hụt không đảm bảo chi cho hoạt động công ích.
Kể ra còn vô số kiểu lạm dụng, vậy kiểm soát bằng cách nào? Đối với cá nhân thì tự ý thức mỗi người mà điều chỉnh hành vi, ăn uống, sinh hoạt sao cho khỏi hại mình và hại người. Đối với xã hội thì để phòng ngừa việc gây hại từ các kiểu lạm dụng, nhà nước phải đặt ra các bộ luật, quy định, quy chế… nhằm kiểm soát và chế tài.
Việc gia tăng mức phạt, thậm chí truy tố hình sự, xử tội đối với kẻ lạm dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, trục lợi được đẩy mạnh thời gian qua cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, nên hiểu là nhũng lạm, hay đến mức cao hơn là tham nhũng, tồn tại như một thuộc tính tất yếu khi xã hội có nhà nước. Vì thường là tham nhũng luôn gắn với quyền lực nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng, nhằm thu về những lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình mình, hoặc cho người thân của mình.
Do đó, rất khó để hoàn toàn không có nhũng lạm, tham nhũng, mà chỉ có thể đạt mức độ kiểm soát nào đó, ít ra là chống được “quốc nạn”, “giặc ngoại xâm” tàn hại đất nước như Văn kiện Đại hội 13 của Đảng nêu ra.
Việc lạm dụng khi gây hại xã hội thì có pháp luật chế tài. Nhưng thực tế cuộc sống không đơn giản chỉ có mấy kiểu lạm dụng như vừa nói mà còn có những biểu hiện, hiện tượng khá phức tạp và khó điều chỉnh.
Như câu chuyện vào năm học mới, chuyện cũ tái diễn khi có nơi lại lạm thu các khoản quỹ phụ huynh học sinh đóng góp bằng cách lạm dụng từ ngữ “tự nguyện” núp bóng trong chủ trương “xã hội hóa”.
Cũng là chuyện năm học mới, đối với mùa tuyển sinh đại học năm nay, lạm dụng quyền tự chủ nên một số trường đưa ra mức điểm tuyển quá cao đến mức như một thuật ngữ mới xuất hiện trên báo Lao động là “lạm phát điểm thi”, vì thế có học sinh 4 lần thi đại học, 3 lần đạt trên 29 điểm, mà vẫn trượt. Tờ báo này còn cho biết tình trạng “lạm phát điểm thi” đã điên rồ đến mức ngay cả 2 điểm 10, 1 điểm 9 vẫn có thể trượt… như thường.
Có một kiểu lạm dụng đáng nói nữa là lạm dụng ngôn ngữ trong sinh hoạt không dễ chế tài. Đó là khi tiếng Việt có môi trường internet để sử dụng “ngôn ngữ mạng” giao lưu, chia sẻ thông tin, tình cảm. Tiếng Việt dẫu đã có quy tắc từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa được cộng đồng thừa nhận hàng trăm năm, nhưng bị sự lạm dụng “ngôn ngữ mạng” làm ra biến thái không ngờ.
Đơn cử, viết tắt hay làm biến dạng ký tự, hoặc viết cho sai chính tả đi, nào là buồn viết thành bùn, luôn thành lun, rồi viết thành rùi, nhé viết thành nhóe, nhá thành ná, xinh thành xưn/xuynh/xynh, mình thành mềnh, yêu thành iu, thế thành thía,… làm sao thành nàm thao, như này thành dư lày, rồi thành dồi, sợ thành xợ, cô giáo thành kô záo, giá cả thành zá cả, trai đẹp thành zai đẹp, đẹp trai thành đập chai… Cho rằng “ngôn ngữ mạng” cần phải biến đổi theo thời, nhưng lạm dụng đến mức đó thì liệu có còn cái gì gọi là chuẩn tiếng Việt trong sáng, hay và đẹp nữa không?