(VHQN) - Một đặc sản xứ biển Nam Ô (TP. Đà Nẵng) mà ai ngang qua cũng muốn dừng lại thưởng thức: Gỏi cá “dà”.
Gỏi cá rau rừng
Nam Ô - ngôi làng cổ phía nam đèo Hải Vân. Du khách đến đây không chỉ vì vẻ yên bình của làng chài cổ, nghe những câu chuyện lấp lánh huyền sử về châu Ô, châu Lý xưa mà còn để thưởng thức những món ăn mang tính bảo chứng của vùng đất hạ lưu sông Cu Đê. Một trong số đó là gỏi cá “dà” Nam Ô.
Nhiều người mới nghe, tưởng đó là món gỏi làm từ loại cá “dà”. Thực ra đây là một trong những cách ăn gỏi cá của người làng biển Nam Ô. Thực khách bỏ vào chén tất cả loại rau, cá, bánh tráng bẻ vụn, chan mắm, rồi “và” một cách rất chi là khoái khẩu. Người Quảng thường phát âm các từ bắt đầu bằng phụ âm “v” thành “d”. Ở đây, cách ăn cá “và” (một kiểu lùa đưa thức ăn vào miệng) đã được phát âm thành cá “dà”.
Nếu có dịp ghé thăm làng chài cổ Nam Ô, hãy một lần thử món gỏi cá "dà" theo đúng điệu làng chài, để nghe lòng mình mát rượi.
Có người kể chuyện vui rằng, có anh chàng phóng viên trẻ người ngoài Bắc, khi đến viết bài về món gỏi cá trứ danh của xứ Nam Ô, được người dân chiêu đãi món gỏi cá “dà”, liền về viết ngay một ghi chép có tiêu đề: “Món gỏi cá già trứ danh của làng biển Nam Ô”. Thực hư không biết ra sao, nhưng chuyện phiếm quanh mâm gỏi cá thì vô thiên lủng!
Người dân xứ này vẫn thường nói độ ngon của món gỏi cá quê mình bằng câu ví von đầy hình ảnh: “Thèm nem, thèm chả chẳng bằng thèm gỏi cá rau rừng”. Món gỏi cá đậm chất miền biển ấy thường được làm từ các loại cá cơm, cá trích, cá ve, cá mòi… bắt lên từ biển Nam Ô còn tươi rói.
Để làm được món gỏi từ những con cá bé tí tẹo đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện như cắt đuôi, đầu, bỏ xương, tách ra làm hai, xắt thành miếng, vắt khô, đem ướp với gừng, riềng, tỏi đã băm nhuyễn, thính gạo…
Mà kể cũng lạ, món gỏi cá Nam Ô nếu thiếu rau rừng thì đích thực chẳng ra thể thống gì.
Ăn đúng điệu xứ biển
Để... đúng điệu Nam Ô, người dân phải lặn lội lên rừng Hải Vân hái nhiều loại rau, lá. Những lá cốc rừng, lá dành ngạnh, lá trâm, lá dừng, lá bứa… mọc hoang khắp núi, một khi kết hợp với cá đã chế biến sẽ trở thành hương vị rất riêng. Ngoài ra, một số loại lá phổ biến ở vườn nhà như mơ, đinh lăng, tía tô, xà lách… cũng có mặt để hỗ trợ tăng cung bậc vị giác cho món ngon xứ biển.
Bây giờ, món gỏi cá Nam Ô không quanh quẩn ở làng chài như thuở trước nữa. Chúng đã bước chân vào nhà hàng lớn. Hẳn vì thế mà ăn gỏi cá bằng cách “và” bình dân mai một đi.
Bây giờ, người ta dùng bánh tráng lề làm lớp áo bên ngoài để cuốn rau rừng và cá đã chế biến thành từng cuộn nhỏ. Sau đó chấm vào chém mắm nêm cay nồng mùi ớt tỏi giã nhỏ. Chừng đó thao tác cũng vừa đủ cho nước bọt tứa ra, miếng gỏi cá khi đưa vào miệng phải xuýt xoa.
Nam Ô, vùng đất Hoa Ổ xưa kia vẫn còn đó giai thoại ly kỳ về công chúa Huyền Trân từng ghé lại gành núi Mỏm Hạc trú chân chờ cơ hội để trở lại Đại Việt. Những giếng Chăm bao năm rồi vẫn nằm nghe biển kể chuyện con cá cơm, để làm nên thương hiệu nước mắm Nam Ô. Hay chuyện con cá trích qua tay ngư dân hóa thành món gỏi cá đậm đà hồn cốt làng chài.
Nếu có dịp ghé thăm làng chài cổ Nam Ô, hãy một lần thử món gỏi cá “dà” theo đúng điệu làng chài, để nghe lòng mình mát rượi. Như cánh rừng nguyên sinh mọc trên ghềnh Mỏm Hạc, như tiếng gió lộng từ bãi đá rêu ngàn năm...