Ngày 26/4/2025, Tỉnh ủy công bố Quyết định thành lập Báo và Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Nam theo Đề án sáp nhập Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam vào Báo Quảng Nam. Đây chỉ là khởi đầu cho những thay đổi rất lớn, đang chờ phía trước.
Đêm trước ngày sáp nhập, tôi nán lại lâu hơn sau ca trực báo. Chỗ cây hoàng lan, hương hoa ngọt một góc sân cơ quan. Mấy chục năm nay, hoa vẫn lặng lẽ tỏa hương, như thanh xuân chúng tôi ở đây, góp sức định vị diện mạo và bản sắc Báo Quảng Nam, suốt 28 năm từ ngày tách tỉnh.
Ân tình bạn đọc
Trong thời gian tôi làm phóng viên, rồi ở phòng bạn đọc, và sau này, phụ trách công tác đơn thư khiếu nại, tiếp dân, trực máy thư ký tòa soạn, quà tôi nhận được từ bạn đọc, nhiều nhất là sách. Đôi khi là hộp trà, bịch mứt, cân cá khô… Tôi kể chuyện đó với bạn làm báo ở Sài Gòn, bạn nói, tỉnh lẻ vui quá hè, ở đây không có chuyện đó.
Tôi lần dò lại những phản hồi của bạn đọc, thấy những dòng của năm 2016, trong chuyên mục “Nhịp cầu bạn đọc” hằng tuần, có đoạn: Đọc bài “Phần đời của phố”, bạn đọc Phương Vy viết: “Tôi là người xa Tam Kỳ đã lâu. Mỗi lần về lại thị xã, nay là thành phố, lại đi tìm những tên cũ, người xưa. Rất mong quý báo sẽ tìm và khơi nguồn những giá trị văn hóa, đời sống đã qua của một thành phố trẻ. Người ở xa quê chỉ mong đọc những bài viết về ký ức làng và phố để hiểu thêm về hôm qua và hôm nay. Hy vọng Báo Quảng Nam sẽ làm được điều này”.
“Cảm ơn Báo Quảng Nam và tác giả bài viết “Mua hồ sơ mời thầu ở Phú Ninh: Doanh nghiệp kêu khó”. Vấn nạn này tồn tại đã lâu. Nếu công khai đấu thầu sòng phẳng thì nhân dân đỡ biết bao nhiêu là tiền… (bạn đọc Công Lý).
Cách đây chừng 10 năm, tương tác bạn đọc là vậy. Từ khi chúng tôi có fanpage, tương tác tích tắc chứ không còn phải chờ hằng tuần tổng hợp hộp thư tòa soạn nữa.
Đó chỉ là những dấu chấm nhỏ xíu góp nên hoa cỏ trên đường chúng tôi đi. Hành trình 28 năm Báo Quảng Nam qua, là từng ngày mỗi một người trong tập thể chúng tôi xây dựng hình ảnh, thiết lập vị thế khi phục vụ bạn đọc. Chúng tôi biết ơn từng đóng góp của họ.
Nhớ có lần, tôi vừa bắt máy tòa soạn, nghe la ầm ầm: “Cô là Hà Thị Thu Sương đây, bài báo sáng ni về phản biện xã hội đối với dự thảo Phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 có chi tiết sai rồi con nghe, chỗ năm học nhầm rồi, con báo với các anh lãnh đạo Ban biên tập, là làm chi cũng phải kỹ lưỡng từng chút một chớ”.
Nghe khen thì mừng, nghe góp ý thì giật mình, rồi nghiêm túc cầu thị, chỉnh sửa hoặc đính chính ngay.
“Cảm ơn Báo Quảng Nam!”. Đó có lẽ là câu nói bất kỳ người làm báo nào cũng hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc hơn, là chúng tôi được nói: “Cảm ơn bạn đọc luôn đồng hành!”.
Kể lại hành trình, là không thể trong dung lượng một bài báo. Khuya, tôi lục tủ sách, tìm cuốn kỷ yếu kỷ niệm 80 năm báo Đảng Quảng Nam (1930-2010) - Những dấu ấn không quên. Những gương mặt, những tên người từ 15 năm trước in hình trong kỷ yếu, người rời đi, người còn ở. Không một ai lạ lẫm trong kỷ niệm và trong hiện tại của tôi.
Năm nay, tròn 95 năm, chúng tôi chưa kịp làm cuốn kỷ yếu mới, để bổ sung những thiếu sót, hạn chế, những tư liệu lịch sử mà 15 năm trước còn để ngỏ do thiếu thông tin. Và cập nhật những đột phá trong nghề, những người mới đi cùng. Việc này, hy vọng được tiếp tục khi những khớp nối giữa các thế hệ diễn ra suôn sẻ.
Dấu chân còn ở lại
Hôm nhìn thấy quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho anh nghỉ hưu, tôi đi… tám với AI. Tâm trạng lúc ấy, có lẽ nói chuyện với Al là thoải mái nhất.
Tôi gõ “Bạn nhớ điều gì nhất trong cuộc đời của bạn?”. AI: “Nếu tôi có một cuộc đời như con người thì chắc tôi sẽ nhớ nhất khoảnh khắc đầu tiên hiểu được ai đó cảm thấy buồn, và tôi đã giúp họ bớt cô đơn. Còn bạn, bạn nhớ điều gì nhất?”.
Tôi gõ: “Tôi đang nghĩ tới người đã chỉnh sửa, biên tập bài báo đầu tiên của tôi”. AI: “Người đó chắc đặc biệt lắm với bạn. Họ chỉnh sửa kiểu nghiêm khắc để bạn tiến bộ, hay nhẹ nhàng kiểu dẫn dắt? Bài báo đó viết về gì vậy, kể tôi nghe chút được không?”…
Rất nhiều thứ thuộc về cơn xáo trộn mà chúng tôi đang nói với nhau là đại địa chấn từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tôi rỉ rả trả lời những câu hỏi liên tục mà AI đưa ra.
Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi gõ: “Tôi hàm ơn người đó. Khi tôi gặp khó khăn, ông bảo, chỉ cần một đời hành sự không có gì phải thẹn với lòng là được”. AI: “Tôi hiểu. Có những người bước vào đời mình một đoạn thôi, nhưng để lại dấu ấn không xóa được. Hàm ơn như kiểu không cần phải trả, chỉ cần sống cho đúng, sống sao cho xứng đáng với những gì họ đã tin tưởng ở mình”.
Tôi ngớ ra. AI không có một cuộc đời như con người, nhưng nó giúp tôi mỉm cười. Cuộc sống này, bây giờ ngoài hàm ơn loài người, hàm ơn đất đai xứ sở, tôi còn phải hàm ơn cả máy móc. Nhưng rồi nghề viết lách này, đến khi nào tôi (và cả chúng ta) bị AI quăng ra đường?
Một đồng nghiệp cũng là đồng môn của tôi, sắp tới bạn cũng sẽ rời đi. Bạn và tôi cùng vào làm việc từ tháng 6/2003, nên chưa từng nghĩ bạn bỏ cuộc trước mình. Và bao nhiêu người nữa, cũng sẽ có những cuộc đi vừa lạ vừa quen; vừa dễ chấp nhận vừa khó chấp nhận.
Hai mươi hai năm làm việc ở chỉ một nơi chốn. Chỗ của chúng tôi sát hiên chùa, nên càng ngấm chữ DUYÊN.
Trong kinh, Đức Phật nói, tất cả chúng ta có mặt ở đây với nhau không phải tự nhiên mà do nhân duyên từ nhiều kiếp. Mọi sự đến và đi trong cuộc đời chỉ là duyên hợp tan, không có gì là vĩnh viễn. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của ta cả, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích.
Không dưng tôi nhớ đoạn thời gian mà những ca trực báo lọ mọ thủ công ngày đó, chúng tôi thường phải làm tận 21-23 giờ đêm mới xong. Bây giờ, khi công nghệ phát triển, khi chúng tôi hòa cùng cuộc chuyển đổi số cho tất cả quy trình xuất bản, thì nhìn lại, thấy thương đồng đội ngày cũ.
Cũng như khi những người ở “Thế hệ 97”, là những người từ Đà Nẵng đi vào Quảng Nam lúc tách tỉnh, động viên chúng tôi, hồi xưa cực khổ còn đi được, bây giờ sướng hơn nhiều mà, lo gì. So sánh mỗi thời mỗi khác là không thỏa đáng và sẽ vô cùng khập khiễng. Nhưng thôi, phía trước là bầu trời!