(QNO) - Vất vả, nặng nhọc, thậm chí gặp phải không ít rủi ro trong khi làm việc nhưng các chị trong tổ thu gom rác thải ở Thăng Bình vẫn bám trụ với nghề… Với các chị, đó không chỉ là mưu sinh, mà còn là trách nhiệm giữ lấy màu xanh cho những vùng quê.
Chị Nguyễn Thị Lài - Đội trưởng Đội môi trường thị trấn Hà Lam gắn bó với việc thu gom rác thải hơn 11 năm. Đội thành lập vào 2013 khi ấy chỉ có 4 thành viên đảm nhiệm 15 tổ dân phố vừa thu gom, vận chuyển, vừa thu tiền phí rác thải...
Theo chị Lài, làm nghề này lúc đầu phải đối mặt với sự dè bỉu, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng như trong mùa dịch Covid-19... "Lúc mọi người hạn chế ra đường thì chúng tôi hằng ngày vẫn mặc vào người bộ đồ bảo hộ kín mít trong suốt mấy tiếng đồng hồ dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, thậm chí vào cả khu vực phong tỏa để thu gom, phun thuốc khử trùng..."
Chị Lài cho hay nghề nào cũng là nghề, song nghề công nhân vệ sinh môi trường đòi hỏi sự chịu khó và sự hy sinh… "Tôi mong mọi người có ý thức phân loại rác thải tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng chỗ hơn, đường phố thoáng đãng sạch sẽ..."
Chỉ trong một tuần, rác thải đã tràn ngập hai bên đường nông thôn. Công việc của chị Nguyễn Thị Hương và chị Đỗ Thị Chiến (thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú) là nhanh chóng vận chuyển chúng ra khỏi khu dân cư. Nếu chậm vài ngày, rác thải bốc mùi hôi thối, vất vả cho người đi thu gom.
Mỗi tuần họ thu gom rác một lần vào ngày cố định. Nếu không chở đủ 6 chuyến trong 1 ngày thì việc thu gom rác kéo dài sang ngày khác, bởi quãng đường từ thôn Tú Nghĩa đến điểm trung chuyển rác thải xã Bình Tú xa đến gần 10km.
Đường xa, công việc vất vả, nhiều khi đang di chuyển, rác rớt xuống đường, các chị phải dừng xe buộc lại đi tiếp cho kịp chuyến sau. song không đáng sợ bằng việc các chị phải chuyên chở nặng đi vào các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, tai nạn thương tích không biết xảy ra lúc nào. Có lẽ không nhiệt tâm thì với mức lương ít ỏi 1,2 triệu đồng/người/tháng không đủ để giữ chân các chị gắn bó với công việc suốt 10 năm nay.
“Lương tháng chỉ 1,2 triệu, tính ra như chị em đi tiền xăng thì mỗi tuần hết trên 50 ngàn tiền xăng, còn tiền uống nước chưa tính” - chị Hương nói.
Hiện tổ thu gom rác của từng địa phương đóng vai trò nòng cốt, chủ lực trong thực hiện và duy trì Đề án quản lý chất thải rắn. Tổ có từ 2-14 người/xã, thị trấn đảm nhận việc thu gom và vận chuyển rác thải đến điểm trung chuyển chủ yếu bằng phương tiện xe đẩy, xe cải tiến.
Thống kê cho thấy có 50 phụ nữ trong tổng số 96 thu gom rác. Dù khó khăn vất vả, nhưng các chị đã sắp xếp thời gian thu gom rác đảm bảo cho việc trung chuyển rác với mức thu nhập từ 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi tháng. Việc thu gom rác kịp thời của các chị đã giảm thiểu được tình trạng vứt rác ra môi trường, xoá nhiều điểm rác công cộng tự phát, đường làng ngõ xóm trở nên xanh, sạch, đẹp.
Đầu tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên, Hội LHPN huyện Thăng Bình tổ chức tuyên dương 50 phụ nữ hành động vì môi trường xanh.
Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư huyện uỷ Thăng Bình cho hay không chị em nào mạnh dạn nói về cái nghề mình đang làm, nhất là nghề thu gom rác thải. Người ta mặc cảm, kể cả người thân họ cũng vậy. Tuy nhiên những người chưa hiểu mới suy nghĩ như vậy khi hiểu được thì mới biết trân quý những người làm việc này. "Người ta làm không phải vì vài triệu đồng lương, phụ cấp. Công việc của các chị là giúp cho trái đất này kéo dài thêm tuổi thọ, giúp cho các thế hệ sau có cơ hội để sống an bình...".