(QNO) - Hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang những tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển của địa phương miền núi cao.
Kết quả khích lệ
Những tháng đầu năm nay, nền kinh tế cả nước chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, vậy nên công tác tín dụng chính sách gặp nhiều khó khăn đáng kể.
“Giữa bối cảnh đó, chúng tôi đã bám sát sự chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh, của Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện và cùng phối hợp với các phòng, ban, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được cấp trên giao năm 2022. Nhờ vậy, kịp thời phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương” - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang, ông Đặng Văn Dũng nói.
Từ sự đoàn kết, nỗ lực vượt bậc của cả tập thể, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đạt được thành quả đáng ghi nhận qua 9 tháng đầu năm nay. Theo đó, đơn vị đã tham mưu điều chuyển điều chuyển nguồn vốn các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn một cách linh hoạt để kịp thời giải ngân. Ngoài ra, tham mưu UBND huyện trích nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH với số tiền 500 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang là 2,313 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn.
Liên quan công tác tín dụng, tổng kế hoạch vốn năm 2022 giao cho Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang là 247,098 tỷ đồng, tăng 33,227 tỷ đồng so với đầu năm. Đơn vị đã giải ngân 241,724 tỷ đồng, tăng 28,227 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 85% kế hoạch giao tăng trưởng (còn 4,33 tỷ đồng nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP chưa giải ngân).
Qua 9 tháng, Đông Giang có 1.378 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho 309 hộ; xây dựng, cải tạo 174 công trình nước sạch, vệ sinh; 776 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Đến ngày 30.9, nợ quá hạn chỉ là 35 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,01% trên tổng dư nợ.
Còn đó hạn chế
Bên cạnh thành quả nổi bật, ông Đặng Văn Dũng nhìn nhận hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn còn đó không ít tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, tỷ lệ thu lãi mới đạt 99% kế hoạch giao năm 2022. Còn nhiều hộ vay không nộp lãi đều hằng tháng. Huy động vốn qua tổ và huy động vốn theo lãi suất thị trường chưa đạt kế hoạch. Nhiều hội, đoàn thể cấp xã thu lãi và huy động tiết kiệm qua tổ không đạt yêu cầu. Đơn vị nhận ủy thác cấp xã chưa tham mưu kịp thời cho Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện làm việc cụ thể với các hộ vay nợ lãi tồn đọng nhiều, nợ lãi từ trên 2 tháng không hoạt động, hộ vay đi làm ăn xa để có giải pháp đốc thu.
Cùng với đó, việc tham gia, giám sát bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và trưởng thôn chưa đúng quy định. Hoạt động giám sát của hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã tại các phiên giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã chưa tốt. Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Đảng ủy, chính quyền cấp xã một số nơi chưa coi tín dụng chính sách là công cụ để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội. Chính vì thế, địa phương thiếu quan tâm đến quản lý nguồn vốn, chưa có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng tín dụng…
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thực hiện tốt nội dung văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký kết. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp để tập huấn nghiệp vụ, cách thức sử dụng có hiệu quả đồng vốn đến các chi hội, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Thăm hỏi hộ vay, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để cùng đơn vị và chính quyền địa phương tháo gỡ.
Đảng uỷ, UBND cấp xã cần tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện về nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với các chương trình tín dụng, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh cho người vay vốn. UBND cấp xã chỉ đạo tiến hành điều tra, rà soát đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách để gửi Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện làm cơ sở tham mưu UBND huyện giao vốn, chủ động triển khai cho vay kịp thời. Có biện pháp để tổ đôn đốc thu nợ khó đòi của xã hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn nguồn vốn của Nhà nước.