Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đại Lộc thời gian qua có sự chung tay góp sức của hội viên phụ nữ (PN), đưa chương trình này đạt được những thành quả ấn tượng.
Trên cơ sở các tiêu chí của chương trình, Hội LHPN huyện Đại Lộc mạnh dạn đăng ký với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp về nội dung, chỉ tiêu thực hiện các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế, góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo.
Thực hiện tiêu chí về môi trường, hội phối hợp thực hiện đồng bộ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, trồng hoa thay cỏ, thành lập mạng lưới thu phí, thu gom rác thải từ khu dân cư đưa đến điểm tập trung có xe rác.
Hội triển khai cho các cấp hội tích cực vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra của tiêu chí y tế; hướng dẫn xây dựng và ra mắt 18/18 mô hình “Chi hội PN 5 không 3 sạch kiểu mẫu xây dựng NTM” tại 18 cơ sở hội.
Trong bảo vệ môi trường, các cấp hội PN trên địa bàn huyện có nhiều cách làm sáng tạo khi phát động chương trình phòng chống rác thải nhựa. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc - bà Nguyễn Thị Mừng cho biết, hội tổ chức sản xuất, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm có gắn logo của hội như túi xách tự hủy thay thế túi ny lon; chai thủy tinh thay thế chai nhựa dùng một lần; tặng 1.200 giỏ nhựa đi chợ thay.
Các chị còn hướng dẫn phân loại rác thải, đào 15.300 hố để xử lý rác thải hữu cơ. Dọc, ngang tuyến đường khu dân cư NTM, thường bắt gặp những “Đoạn đường PN tự quản”; “Tổ PN thu gom rác thải” vừa thể hiện trách nhiệm của hội viên PN, vừa tác động đến ý thức của các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Hòa - bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ, nhằm góp phần thực hiện tiêu chí về y tế, đơn vị đã ra mắt mô hình “Tổ PN tiết kiệm mua bảo hiểm y tế” bằng việc tiết kiệm tiền thông qua góp vốn quay vòng, tiết kiệm tại chi tổ hội... để mua tặng những trường hợp khó khăn chưa có bảo hiểm y tế.
Triển khai mô hình “Thu gom phế liệu”, chị em đã gom chai lọ trong gia đình đến điểm tập kết bỏ vào thùng để bán gây quỹ. Hoặc với “Nắm gạo sẻ chia” tổ chức tại các cơ sở xay xát, để mỗi khi nhân dân đến xay xát san sẻ vài nắm gạo, qua đó hằng tháng thu gom gạo trao hỗ trợ hộ già yếu neo đơn, hộ có hoàn cảnh khó khăn.