(QNO) - Sáng nay 7.10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tổ chức hội thảo trực tuyến với 18 huyện, thị, thành ủy góp ý đề án của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cùng Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình khẳng định: Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát (KT-GS), kỷ luật của Đảng, trong những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bám sát Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của Đảng, hướng dẫn của UBKT Trung ương; tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT-GS đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KT-GS, thi hành kỷ luật trong Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có nơi thiếu kiên quyết, kịp thời; tính giáo dục, ngăn ngừa còn hạn chế. Các cuộc KT-GS tổ chức đảng, đảng viên gắn với trách nhiệm người đứng đầu chưa nhiều…
Theo ông Bình, triển khai thực Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), UBKT Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án “Tăng cường công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề án, UBKT Tỉnh ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác KT-GS và kỷ luật của Đảng kể từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28.3.1930) đến nay.
Mục tiêu đề án, nghị quyết nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ông Phan Thái Bình cho biết, đề án đã đề ra quan điểm, mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng thời gian qua; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
“Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp vừa cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng tại các văn kiện của Đại hội XIII và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, vừa thời phù hợp với tình hình của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam” - ông Bình phát biểu.
Theo gợi ý của chủ trì hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác KT-GS, thi hành kỷ luật trong Đảng giai đoạn 2010 - 2020. Từ đó nhận xét, đánh giá, phản biện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề án đã đề ra.
Qua đó, UBKT Tỉnh ủy tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, dự thảo nghị quyết trình Tỉnh ủy xem xét, quyết định để sớm đưa các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT-GS, thi hành kỷ luật trong Đảng đi vào cuộc sống, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị toàn tỉnh trong sạch, vững mạnh.