Việc bố trí con người, mức phụ cấp hằng tháng, cũng như chế độ hỗ trợ dôi dư sau khi thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ được nhận nhiều ý kiến quan tâm của Thường trực HĐND tỉnh tại buổi làm việc góp ý kiến vào dự thảo đề án quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, ở thôn do Sở Nội vụ xây dựng vào sáng 11.9.
Nhiều thay đổi
So với các quy định trước đây (Nghị định 92/2009 và Nghị định 29/2013), các nội dung quy định về tổ chức, chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở tại Nghị định 34/2019 có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là sự thay đổi rất lớn về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã và ở thôn/tổ dân phố (giảm 2 cán bộ, công chức/1 loại xã; giảm 8 - 9 người hoạt động không chuyên trách tùy theo loại xã); kể cả các quy định liên quan đến chế độ, chính sách.
Trong dự thảo đề án đưa ra góp ý, Sở Nội vụ đề nghị quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có số lượng tối đa không quá 14 người đối với xã loại 1, tương tự 12 người đối với xã loại 2 và xã loại 3 không quá 10 người. Về bố trí chức danh, Sở Nội vụ đề nghị bố trí 2 người đảm nhiệm 2 chức danh khối Đảng cho tất cả xã loại 1, 2 và 3. Còn khối chính quyền, bố trí không quá từ 5 - 7 người tùy loại xã; trong khi đó, khối Mặt trận và các đoàn thể, bố trí không quá từ 3 - 5 người/loại xã. Theo đó, đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã, phường, thị trấn căn cứ số lượng, chức danh nêu trên thực hiện việc bố trí, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhưng không quá số lượng tối đa theo quy định. Sở Nội vụ cho biết, tổng kinh phí phụ cấp theo Nghị định 34 gần 150 tỷ đồng/năm. Ngoài mức khoán phụ cấp theo nghị định này, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà giảm được một người trong số lượng quy định thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
Cũng theo dự thảo đề án, mỗi thôn/tổ dân phố bố trí không quá 3 người hoạt động không chuyên trách, đảm nhiệm 3 chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận. Thôn có từ 350 hộ trở lên; thôn thuộc xã trọng điểm an ninh trật tự, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở. Đối với các thôn/tổ dân phố còn lại, mức khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở. Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, qua thống kê toàn tỉnh có khoảng 776 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư không tiếp tục bố trí công tác. Theo đó, Sở Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan nhằm xây dựng phương án tính toán hỗ trợ nghỉ thôi việc đảm bảo được quyền lợi của những đối tượng này.
Hết sức thận trọng
Dự thảo đề án nêu trên của Sở Nội vụ nhận được nhiều ý kiến khác nhau sau khi đưa ra lấy góp ý của các thành viên Thường trực HĐND tỉnh. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh - bà Đặng Thị Minh Nguyệt cho rằng rất băn khoăn về tính pháp lý của Nghị định 34, bởi lẽ theo nội dung của nghị định, các bộ liên quan được giao có thông tư hướng dẫn việc triển khai thực hiện nhưng đến nay chưa có, địa phương vẫn còn chờ. Do vậy, Sở Nội vụ cần căn cứ vào khối lượng công việc, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, trình độ năng lực đội ngũ... để có định hướng bố trí, sắp xếp phù hợp, tránh các trường hợp giảm người có trình độ, đã được đào tạo, bồi dưỡng. “Việc bố trí cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND xã. Theo tôi làm thế nào để bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách để cùng cán bộ, công chức gánh vác được nhiệm vụ khối đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể ở xã mới là điều quan trọng nhất” - bà Nguyệt nhấn mạnh.
Còn theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, Sở Nội vụ cần tập trung rà soát để có đánh giá cụ thể số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nếu tính phương án hỗ trợ theo như dự thảo đề án. Từ đó có cách tính toán hỗ trợ hợp lý cho các đối tượng này sau khi nghỉ thôi việc để họ không bị thiệt thòi, vì có nhiều trường hợp đã có thời gian công tác cống hiến rất lâu. “UBND tỉnh nên xem xét hỗ trợ theo số năm công tác vì họ có quyết định hợp đồng lao động, có người sắp nghỉ hưu, nhưng bảo hiểm xã hội thì mới được đóng trong thời gian gần đây. Như vậy, khi thôi việc họ thấy sự cống hiến của mình được ghi nhận” - bà Thu đề xuất. Cùng quan điểm, ông Lê Tấn Trung - Ủy viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, đề án nên quy định theo hướng mở, đó là tùy theo tình hình địa phương cụ thể mà bố trí những người hoạt động không chuyên trách theo số lượng quy định tại Nghị định 34. Việc giải quyết chế độ dôi dư cho những người nghỉ thôi việc nên tính theo số năm công tác, không ai dám gian dối, việc đóng bảo hiểm xã hội chỉ mới đây thôi khi tỉnh có hỗ trợ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng lưu ý, Sở Nội vụ hết sức cân nhắc, cẩn trọng, nghiêm túc tiếp thu các nội dung được góp ý để nghiên cứu hoàn thiện đề án. Nghị định không quy định, nhưng để có cơ sở HĐND tỉnh quyết định chức danh, chức vụ của người hoạt động không chuyên trách theo từng loại xã thì Sở Nội vụ phải kèm theo quyết định của UBND tỉnh về việc dự kiến chức danh, chức vụ của công chức cấp xã. “Đối với các chức danh, chức vụ của từng khối Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể của người hoạt động không chuyên trách phải ưu tiên bố trí người trong hệ thống chính trị, ổn định rồi, mới tính tiếp. Số lượng không chuyên trách cho từng khối, từng loại xã cần phải được xác định trở lại, theo hướng mở, quy định rõ cán bộ, công chức kiêm người hoạt động không chuyên trách hoặc người hoạt động không chuyên trách xã kiêm người hoạt động không chuyên trách thôn; nhưng chỉ được hưởng một mức phụ cấp khi giảm được một người trong số lượng quy định tối đa khi thực hiện kiêm nhiệm” - ông Hồng gợi ý.