Thế giới

Hành động để bảo vệ đa dạng sinh học

NAM VIỆT 21/10/2024 16:05

(QNO) - Hôm nay 21/10, các nhà lãnh đạo thế giới, nhà hoạt động môi trường và nhà nghiên cứu bắt đầu tựu về Colombia để tham dự hội nghị được cho sẽ quyết định số phận của quần thể động vật hoang dã đang suy giảm nhanh chóng trên thế giới (COP-16).

z5952409089216_87fbc53fb4255a2427cd4936e2a9bb0b.jpg
Đại biểu tham dự COP-16 nghe bài phát biểu qua video của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. Ảnh: EPA-EFE

Đánh giá đa dạng sinh học

Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc lần thứ 16 (COP-16) diễn ra từ ngày 21/10 - 1/11 tại thành phố Cali của Colombia thu hút hàng chục nghìn đại biểu từ gần 200 quốc gia, tổ chức...

COP-16 là lần đầu tiên các quốc gia nhóm họp để thảo luận về đa dạng sinh học toàn cầu kể từ Thỏa thuận Côn Minh - Montreal năm 2022 khi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra một loạt cam kết chưa từng có để bảo vệ thế giới tự nhiên.

Trong đó, đến năm 2030 có 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái sẽ được phục hồi hiệu quả; 30% diện tích đất liền, đất ngập nước và ven biển được bảo tồn và quản lý hiệu quả; ngăn chặn tuyệt chủng, phục hồi và bảo tồn các loài bị đe dọa, viện trợ tới 30 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để phục vụ công tác bảo tồn...

Do đó, hội nghị đánh giá mức độ đa dạng sinh học đang giảm mạnh trên thế giới và cam kết của các quốc gia trong việc bảo vệ thực vật, động vật và môi trường sống quan trọng.

Mối đe dọa từ suy giảm đa dạng sinh học

COP-16 diễn ra trong bối cảnh các khoa học cảnh báo các hệ sinh thái đang đạt đến điểm uốn cong - nơi sự tuyệt chủng của các loài có thể bắt đầu tăng tốc. Tất cả bằng chứng đều cho thấy sự suy giảm đáng kể về số lượng và phân bố của các loài.

Bà Linda Krueger - Giám đốc nghiên cứu về đa dạng sinh học tại The Nature Conservancy cho biết: "Nhiều loài hoang dã có ít không gian sống hơn, số lượng của chúng đang giảm dần và chúng ta cũng thấy tỷ lệ tuyệt chủng gia tăng".

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới đang trải qua sự mất mát lớn nhất kể từ thời khủng long với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện bị đe dọa tuyệt chủng.

Tại rừng mưa Amazon, các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học bao gồm việc mở rộng biên giới nông nghiệp và mạng lưới đường bộ, nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, cháy rừng và hạn hán.

rio-parana-do-manaquiri-768x512.jpg_141727908715.jpg
Nước sông Amazon xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua do hạn hán ở Brazil. Ảnh: Ricardo Stuckert

Theo báo cáo Living Planet hai năm một lần của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học London, quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm trung bình 73% trong 50 năm qua. Mỹ Latinh và Caribe chứng kiến ​​mức giảm trung bình 95% trong số lượng quần thể động vật hoang dã được ghi nhận.

Thiên nhiên có thể phục hồi

COP-16 diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng để thế giới chuyển từ việc đặt mục tiêu sang hành động thực tế, đảo ngược tình hình suy giảm đa da dạng sinh học đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Các quốc gia nhất trí về một kế hoạch đầy tham vọng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của hành tinh. Tại Cali, các quốc gia phải thể hiện chiến lược thay lời nói bằng hành động cụ thể để phục hồi đa dạng sinh học.

Bảo vệ thiên nhiên giúp hạn chế biến đổi khí hậu bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng đang phá hủy đa dạng sinh học và thúc đẩy sự tuyệt chủng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành động để bảo vệ đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO