Đời sống

Hành trình âm thầm cùng trẻ tự kỷ

XUÂN HIỀN - MỸ LINH - DIỆP TRẦN06/04/2025 07:35

Từng ngày một, nhận thức về chứng tự kỷ được cải thiện. Tại Quảng Nam, có một hành trình âm thầm và kiên trì, bắt đầu từ cha mẹ, nhà trường lẫn cộng đồng, để tạo dựng niềm tin cho người mắc chứng tự kỷ. Rằng, họ là một phần tự nhiên của thế giới này - với những giá trị sống và quyền được yêu thương.

dscf5167.jpg

Mở cánh cửa...

Lặng lẽ thực hiện, những người mẹ, người thầy, nhân viên y tế và thậm chí rất nhiều bạn trẻ tạo nên vòng tròn an toàn cho trẻ tự kỷ. Trong thế giới ấy, những đứa trẻ được cổ vũ để là chính mình...

Tháng 2/2025, Quảng Nam ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Quảng Nam năm 2025”. Theo kế hoạch, Quảng Nam đặt mục tiêu 80% trẻ tự kỷ được tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Tiếp cận dịch vụ y tế

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) cho biết, đơn vị này đã triển khai can thiệp cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ nhiều năm nay.

Trung tâm Can thiệp sớm Hội An dạy trẻ cách giao tiếp, hòa nhập. Ảnh: TRUNG TÂM CTS
Trung tâm Can thiệp sớm Hội An dạy trẻ cách giao tiếp, hòa nhập. Ảnh: TRUNG TÂM CTS

Rối loạn tự kỷ hay còn gọi là phổ tự kỷ (ASD), là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tự kỷ chủ yếu do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.

Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Đặc trưng của tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

“Để tiếp cận với trẻ em mắc ASD, chúng tôi hình thành một nhóm y bác sĩ phục hồi chức năng liên chuyên khoa của bệnh viện, đồng thời đào tạo kiến thức kỹ năng về chẩn đoán, phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Phòng hoạt động trị liệu (OT) được trang bị đầy đủ dụng cụ can thiệp để hỗ trợ phát hiện sớm trẻ mắc tự kỷ và có kế hoạch can thiệp đúng giúp trẻ cải thiện và hòa nhập với xã hội” - ông Nguyễn Tải nói.

“Có nhiều bà mẹ đến khám đau đáu câu hỏi: “Tại sao con tôi lại bị tự kỷ?”. Các nhà khoa học hiện nghiêng về yếu tố gene và có sự tương tác với môi trường. Các yếu tố môi trường nguy cơ như gia đình có người có sức khỏe tâm thần, có người được chẩn đoán tự kỷ, biến chứng của mẹ khi sinh, bệnh lý trẻ mắc giai đoạn đầu khi mới sinh… Đây là vấn đề không thể phòng ngừa, chỉ có cách nâng cao nhận thức toàn xã hội chăm sóc cho những người mang thai, sau sinh hạn chế có thêm tổn thương”.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4) năm nay, vai trò của can thiệp sớm đối với trẻ em được chọn làm chủ đề chính. Can thiệp sớm là những tác động cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, lý tưởng là trước 3 tuổi đối với tất cả trẻ có nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán mắc tự kỷ. Đây là những tác động có chủ đích, có kế hoạch, có phương pháp và được cá nhân hóa theo từng trường hợp của các nhà chuyên môn.

Tiếp cận dịch vụ y tế càng cần được quan tâm khi thực hiện can thiệp sớm với trẻ mắc ASD. Mức độ hoạt động trí tuệ ở những trẻ mắc chứng tự kỷ rất khác nhau, từ suy giảm nghiêm trọng đến mức độ cao hơn, ước tính khoảng 50% trẻ mắc chứng tự kỷ có khuyết tật trí tuệ.

Bà Phạm Thị Kim Tâm - Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN) cho rằng, ở Việt Nam số trẻ được can thiệp, điều trị chưa đạt hiệu quả như mong đợi vì nhiều nguyên nhân.

Trong đó, có thể có các nguyên nhân do nhận thức của cha mẹ chưa cao, không chấp nhận con mình bị tự kỷ, hoặc chưa thấy mức độ nghiêm trọng để đưa con đi can thiệp sớm, bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi. Các bệnh viện có chức năng chẩn đoán chưa phủ khắp cả nước. Bác sĩ, chuyên viên, nhà trị liệu có đủ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị không đủ.

Trẻ được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Ảnh: N.T
Trẻ được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Ảnh: N.T

Đặt mục tiêu sàng lọc sớm cho trẻ dưới 6 tuổi, Quảng Nam cần thiết phải nâng cao chất lượng của hệ thống y tế các tuyến. Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế nỗ lực tạo cơ hội để cơ sở y tế các tuyến tiếp cận với những dự án đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng, trong đó có kỹ năng dự đoán, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt, nhiều năm qua, từ phía Bộ Y tế đã thực hiện những dự án bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao năng lực cho bác sĩ tại tuyến tỉnh, tăng chất lượng khám, đánh giá, chẩn đoán trẻ tại chính địa phương.

Kiên trì tạo phép màu

Những cánh tay cũng bắt đầu được nối dài. Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Ái - người sáng lập Trung tâm Can thiệp sớm ở Hội An - là minh chứng. Không có ngân sách nhà nước, không dự án lớn, cô Ái cùng các cộng sự kiên trì tạo dựng một nơi can thiệp sớm, nơi trẻ tự kỷ được học cách giao tiếp, hòa nhập, còn phụ huynh học cách chấp nhận và nuôi dạy con một cách khoa học.

Một tác phẩm của trẻ tự kỷ được trưng bày tại Triển lãm do “Art for Education” thực hiện. Ảnh: X.H
Một tác phẩm của trẻ tự kỷ được trưng bày tại Triển lãm do “Art for Education” thực hiện. Ảnh: X.H

Năm 2024, cô Nguyễn Thị Ái đảm nhận vai trò Giám đốc dự án cộng đồng Your Dreams thuộc JCI Đà Nẵng - một dự án xã hội hóa có mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng về cách nhận biết và can thiệp trẻ tự kỷ.

Dự án cộng đồng Your Dreams gồm các buổi hội thảo, khóa học và thực hành giúp người tham gia hiểu và chấp nhận trẻ tự kỷ, các phương pháp tương tác, chơi và dạy trẻ một cách hiệu quả. Đây là nền tảng để cộng đồng gắn kết, thấu hiểu và đồng hành, tạo ra một môi trường hòa nhập, yêu thương, góp phần giảm bớt định kiến, giúp trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển tích cực.

Từng ngày một, cộng đồng gắn kết, thấu hiểu và đồng hành từ phía những người cùng cảnh ngộ được mở rộng. Nếu Mạng lưới tự kỷ Việt Nam ra đời năm 2013 thì đến năm 2019, Hội Gia đình người tự kỷ Quảng Nam (thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam) ra đời. Đã có nhiều hoạt động đặc biệt để cùng đi sâu vào thế giới của những trẻ em này.

Năm 2020, một triển lãm tranh của trẻ tự kỷ được tổ chức tại TP.Tam Kỳ dưới sự hỗ trợ của “Art for Education” - dự án cộng đồng từ những gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ trên toàn quốc.

Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm. Tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.

Với loại hình trải nghiệm là nghệ thuật thị giác như vẽ bằng các chất liệu khác nhau, làm thủ công, đất nặn... những trẻ tự kỷ, trẻ tăng động và gặp khó khăn về giao tiếp được hỗ trợ và “trao cơ hội để kể về thế giới của mình với cộng đồng thông qua các sản phẩm nghệ thuật tạo hình”. Từ “lạ, quen, thân, nối”, một thế giới riêng của những đứa trẻ đặc biệt được đánh thức.

Các em thể hiện một thế giới mà không phải ai cũng chạm đến được, nếu không đủ sự quan tâm và thấu hiểu. Tiếp sức từ hạt giống nhỏ này, những hy vọng để trẻ tự kỷ ở xứ Quảng được hòa nhập và bày tỏ mình, lại được gieo mầm. Thành quả được duy trì khi bây giờ, khá nhiều tác phẩm của trẻ tự kỷ Quảng Nam được sử dụng cho các dự án được trả phí của tổ chức Tò He.

Thắp hy vọng từ từng cái ôm

Chương trình can thiệp 1:1 tại Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt, chi nhánh Hoa Mặt Trời. Ảnh: MỸ LINH

Trong “ngôi nhà” yêu thương, những đứa trẻ tự kỷ từng bước thay đổi nhờ sự kiên trì của thầy cô và gia đình. Với sự chung tay của cộng đồng, hành trình tìm lại tiếng nói, niềm vui và hy vọng cho các em vẫn đang tiếp tục.

Giáo dục đặc biệt

Tại ngôi nhà Chương trình phát triển trẻ em huyện Phú Ninh, do Tổ chức Chăm sóc trẻ em Việt Nam ChildCare VietNam tài trợ (đóng tại thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh), trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của các thầy cô giáo, những đứa trẻ mắc phải chứng rối loạn phổ tự kỷ đang thay đổi từng ngày.

Ông Phạm Hữu An - Giám đốc Chương trình phát triển trẻ em huyện Phú Ninh cho biết, bước sang năm thứ 5, chương trình đã mang đến những hy vọng cho các gia đình có con mắc chứng rối loạn tự kỷ trên địa bàn huyện. Hiện đơn vị hỗ trợ chăm sóc 24 trẻ tự kỷ, tuổi từ 3 đến 18, trong đó có 12 trẻ thuộc nhóm can thiệp sớm (từ 3 - 7 tuổi), còn lại là các em thuộc chương trình giáo dục đặc biệt.

Trung tâm đang thực hiện chương trình giáo dục can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt cho trẻ ở từng mức độ khác nhau. Chương trình được thiết kế theo khả năng của từng trẻ, với mục đích giúp các con tự phục vụ những nhu cầu cơ bản, sớm hòa nhập với cộng đồng. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho phụ huynh về cách hỗ trợ trẻ tại nhà, kết nối phụ huynh với các cộng đồng, các chuyên gia, để họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc đồng hành với con.

Cô giáo Trần Thị Thu Thanh dạy trẻ nhận biết hình ảnh tại Chương trình phát triển trẻ em huyện Phú Ninh. Ảnh: MỸ LINH

Trong ngôi nhà này, có lẽ câu chuyện của mẹ con chị Trần Thị Thu Thanh (xã Tam Thái, Phú Ninh) là minh chứng rõ nét cho hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của các cô giáo và những đứa trẻ nơi đây.

Sau hơn 3 năm đồng hành, con trai của chị từ một đứa trẻ rối loạn giác quan và nhiều rối loạn khác đã có những tiến bộ vượt bậc.

“Bây giờ K. ngoan lắm, con nghe lời, ăn nhiều, ngủ được, tự đi vệ sinh và có thể làm gần như mọi việc. Con đang chuẩn bị vào lớp 1 rồi” - niềm hạnh phúc trong nước mắt của người mẹ trẻ Trần Thị Thu Thanh khi chứng kiến sự thay đổi của cậu con trai mắc phải chứng rối loạn phổ tự kỷ. Đồng hành con, chị Thanh cũng trở thành cô giáo tại đây như một sự tri ân.

Niềm tin về từng thay đổi

Ở một góc nhỏ nằm sâu trong hẻm Hồng Lư (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt, chi nhánh Hoa Mặt Trời cũng là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh có con mắc phải chứng tự kỷ.

Hàng ngày, phụ huynh ở Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Tam Kỳ… vẫn lặng lẽ đưa đón con đến với cơ sở, gửi gắm niềm tin về một sự thay đổi tích cực.

Hoạt động nhóm tại Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt, chi nhánh Hoa Mặt Trời. Ảnh: MỸ LINH

Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Chi nhánh Hoa Mặt Trời cho biết, công việc chính của viện là chăm sóc, can thiệp hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ, tham gia các dự án nghiên cứu liên quan đến phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ. Hiện cơ sở áp dụng cả can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm, tập trung vào hai khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ là giao tiếp xã hội và hành vi định hình.

Chương trình can thiệp 1:1 được thay đổi tùy theo từng trẻ và từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mục tiêu có thể bao gồm từ các kỹ năng cơ bản như xin đồ chơi, chào hỏi, trả lời tên hoặc nói những từ đầu tiên đến các lĩnh vực nâng cao hơn như xây dựng đọc lưu loát, viết chữ và làm toán. Còn với hoạt động nhóm, trẻ được hỗ trợ lẫn nhau, học cách chơi và tương tác với bạn bè. Điều này giúp trẻ tự tin hơn, biết chờ đợi, bắt chước, chủ động và có nhu cầu giao tiếp xã hội. Hiện tại, cơ sở kết hợp hai mô hình can thiệp cá nhân và nhóm để hỗ trợ về nhận thức, giao tiếp, ngôn ngữ, chú ý,... cho trẻ, giúp bù đắp những thiếu hụt của từng cá nhân.

Ngoài ra, cơ sở cũng đồng hành, hướng dẫn phụ huynh trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ. “Vai trò của gia đình rất quan trọng, con học ở trường nhưng khi về nhà không được thực hành thì cũng khó hiệu quả, nên việc cha mẹ hiểu và nắm được các phương pháp đồng hành, giáo dục con sẽ góp phần quan trọng vào sự thay đổi tích cực ở trẻ” - bà Trang nói.

Mong rằng, cộng đồng sẽ quan tâm hơn đến trẻ tự kỷ, gia đình phát hiện sớm và đồng hành con trong hành trình can thiệp. Tin tưởng rằng ngày càng nhiều trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội được phát triển toàn diện và hòa nhập với cuộc sống

Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Chi nhánh Hoa Mặt Trời

Bà Trang chia sẻ, trong những năm qua, trẻ tự kỷ đến với cơ sở có tỷ lệ hòa nhập khá cao. Nhiều em có thể đi học ở trường mầm non, trường tiểu học và có những thay đổi tích cực. Có em trước đây chỉ nói được vài từ, không chú ý, không tương tác, nhưng sau một thời gian can thiệp tại viện, em đã có thể giao tiếp, nghe hiểu, bắt chước, chơi với người khác và hòa nhập với môi trường học tập.

Sau nhiều năm làm việc, bà Trang nhận ra những thách thức, khó khăn mà các gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ phải đối mặt. Không chỉ là thiếu hụt kiến thức chuyên môn trong việc can thiệp sớm, mà phụ huynh còn đối diện với áp lực tâm lý và khó khăn tài chính. Một số phụ huynh vẫn còn giấu giếm tình trạng của con, chưa thực sự tin tưởng hoặc kiên trì thực hiện các phương pháp can thiệp.

Chiến binh thầm lặng

Khoảnh khắc bé Đ.T thể hiện sự yêu thương với mẹ H.D. Ảnh: MỸ LINH

Không chấp nhận để con sống trong “im lặng”, những người mẹ có con tự kỷ đã kiên trì đồng hành, giúp con tìm kiếm cơ hội cho sự phát triển. Dẫu gian nan, nhưng với tình yêu thương, họ đã thắp lên hy vọng, mở cánh cửa hòa nhập cho con.

Nghị lực của mẹ

Ánh mắt chị H.D (TP. Tam Kỳ) ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về hành trình đồng hành con trai chữa chứng tự kỷ. Đó là một hành trình dài đằng đẵng, đầy nước mắt, những đêm dài trăn trở và cả những khoảnh khắc vỡ òa khi con có những thay đổi tích cực, dù là nhỏ nhất.

Bé Đ.T (năm nay 9 tuổi) ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình. Nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị phủ bóng bởi những lo âu khi con có những dấu hiệu bất thường. Tròn 1 tuổi, sau một cơn sốt, bé không còn giao tiếp mắt với mẹ, những bước tiến trong phát triển bỗng dừng lại, thậm chí thoái lui.

“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ bé sinh non nên yếu hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng ngày càng thấy con lặng lẽ, không nói, không cười, tôi bắt đầu lo lắng. Đưa con đi khám tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ kết luận bé mắc chứng tự kỷ, rối loạn chậm nói. Khoảnh khắc ấy, cả thế giới như sụp đổ trước mắt tôi” - chị D. nghẹn ngào.

Không chấp nhận để con bị nhấn chìm trong thế giới im lặng, chị D. quyết định hy sinh tất cả để đồng hành với con. Công việc, sự nghiệp, những sở thích cá nhân đều gác lại. Con được 33 tháng, chị gửi cháu lớn cho ngoại chăm sóc, một mình ôm con vào Sài Gòn, tìm mọi phương pháp để giúp con. Chị đưa con đến lớp đi can thiệp, còn bản thân thì miệt mài đến lớp khác học hỏi về cách dạy trẻ tự kỷ.

Sáu năm kiên trì, nhẫn nại, chị không chỉ là một người mẹ mà còn là người thầy, người bạn đồng hành của con trên hành trình gian nan này. Từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến từng bài tập đọc, bài toán nhỏ, chị đều kiên nhẫn chỉ dẫn, chậm rãi chờ đợi từng bước tiến của con. Và rồi, điều kỳ diệu đã đến.

Bé Đ.T thể hiện những giai điệu yêu thương tặng người mẹ của mình. Ảnh: MỸ LINH

Bé T. từ một đứa trẻ không nói, không giao tiếp, giờ đã có thể trả lời những câu hỏi đơn giản, bày tỏ mong muốn bằng lời nói. Ngày con cất tiếng gọi “Mẹ ơi”, chị đã bật khóc. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc, mà còn là sự vỡ òa sau biết bao ngày tháng gian nan.

Không chỉ vậy, bé T. còn bộc lộ năng khiếu đặc biệt với âm nhạc. Nhận thấy con có niềm yêu thích với đàn và ca hát, chị D. cho con theo học nhạc, tham gia các hoạt động văn nghệ. Cậu bé tự kỷ ngày nào giờ đã đứng trên sân khấu, tự tin hòa mình vào giai điệu, mang tiếng hát của mình lan tỏa đến mọi người. Chị D. xúc động nhìn con trình diễn, lòng tràn đầy tự hào và hạnh phúc.

Hiện tại, bé T. đã vào lớp 2 của một trường tiểu học trên địa bàn, hòa đồng với bạn bè, bắt đầu những năm tháng học tập như bao đứa trẻ khác. Đối với chị D., đó là cả một kỳ tích. Nhưng hành trình chưa dừng lại, chị vẫn tiếp tục học hỏi, tìm hiểu những phương pháp mới để đồng hành con tốt hơn. Mỗi ngày, hai mẹ con vẫn miệt mài bên những trang vở, vẫn kiên trì từng bài toán, từng đoạn chính tả.

Không bỏ cuộc

Cuộc sống của chị P.T.B.H (Phú Ninh) - một người mẹ ba con, trở nên chông chênh hơn bao giờ hết khi con trai chị, bé P.A.K. (8 tuổi), mắc chứng tự kỷ.

Bé K. chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm hai tuổi, chị H. bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, con không nói, thường xuyên khóc, chỉ phát ra những âm thanh ú ớ, không giao tiếp bằng mắt và có những hành vi lặp đi lặp lại. Tim chị thắt lại khi bác sĩ kết luận con mắc chứng tự kỷ.

Từ đó, hành trình gian nan của hai mẹ con bắt đầu. Không có người thân hỗ trợ, chồng thường xuyên đi công tác xa, mọi gánh nặng đè lên đôi vai chị H. Không đầu hàng số phận, chị đưa con đi khắp nơi, từ trung tâm can thiệp đến các lớp học đặc biệt, bất kể mưa nắng, xa xôi.

Bé P.A.K đang tập luyện vận động cùng chị gái của mình. Ảnh: MỸ LINH
Bé P.A.K đang tập luyện vận động cùng chị gái của mình. Ảnh: MỸ LINH

Chị tìm đến những người có kinh nghiệm, kiên nhẫn học hỏi cách giao tiếp và dạy dỗ trẻ tự kỷ. Nhưng con đường ấy không dễ dàng, K. không hợp tác, những cơn khủng hoảng, la hét, chống đối dường như rút cạn sức lực của chị.

Giữa những ngày mệt mỏi nhất, chị H. vẫn không buông tay con. Chị tin rằng chỉ cần kiên trì, con sẽ tiến bộ, sẽ hòa nhập được với thế giới. Chị bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, dạy con cách ăn uống, vệ sinh cá nhân, tập giao tiếp, học tập. Chị kiên nhẫn từng chút một, giúp con tiếp xúc với môi trường bên ngoài, khuyến khích con giao tiếp với mọi người. Chị tìm đến các nhóm hỗ trợ cha mẹ trẻ tự kỷ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm sự động viên.

“Có khi phải mất cả tiếng đồng hồ chỉ để dạy con mặc quần áo, ăn cơm. Nhưng thấy con tiến bộ từng chút một, tôi vui lắm!” - chị H. chia sẻ.

Những nỗ lực bền bỉ của chị dần được đền đáp. Sau hơn 6 năm, K. đã có những thay đổi. Con biết nghe lời hơn, tập trung chú ý hơn, giao tiếp bằng mắt nhiều hơn. Con chịu vận động, không còn nghịch phá như trước. Những âm thanh đầu tiên phát ra từ con là niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình.

Hiện tại, K. đang theo học tại Chương trình phát triển trẻ em huyện Phú Ninh, dù cách nhà gần 20km nhưng hằng ngày chị H. hoặc ông bà vẫn đều đặn đưa con đến lớp. Dù vất vả trăm bề, nhưng chị chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ

Dự án hòa nhập cho trẻ tự kỷ được PNJ bảo trợ mang tên Chong chóng sắc màu. Ảnh: minh họa

Hơn một triệu trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang phải đối mặt với hệ thống giáo dục hòa nhập thiếu thốn cả nguồn lực lẫn chuyên môn, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của những đứa trẻ đặc biệt này.

Mỗi ngày đến trường với các em là một nỗ lực phi thường, đòi hỏi sự kiên trì từ chính bản thân trẻ, gia đình và đội ngũ giáo viên. Có thể thấy những câu chuyện thành công vẫn còn là các ngoại lệ hiếm hoi trong bức tranh tổng thể nhiều vấn đề tồn tại của giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam.

Thiếu thốn và bất cập

Bức tranh giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Thiếu hụt đội ngũ giáo viên chuyên biệt là một trong những rào cản lớn nhất. Nhiều giáo viên phải dạy học sinh tự kỷ mà không được đào tạo bài bản trước đó. Họ thường phải tự tìm tòi, học hỏi phương pháp phù hợp, hoặc dựa vào kinh nghiệm cá nhân để ứng biến trong quá trình giảng dạy.

Khó khăn trong việc phân loại và xác định mức độ tự kỷ cũng là vấn đề đáng quan ngại ở nước ta. Các chuyên gia nhận định rằng, hệ thống giám định hiện tại chưa đủ chuyên môn để đánh giá chính xác các mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ, đặc biệt ở cấp cơ sở. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ không được phân luồng giáo dục phù hợp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả học tập và phát triển.

TS. Đinh Nguyễn Trang Thu, Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội, chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: dù có những tiến triển trong nhận thức cộng đồng, hệ thống giáo dục vẫn thiếu sự kết nối đồng bộ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý đến người trực tiếp hỗ trợ trẻ tự kỷ. Kết quả là, đa số trẻ tự kỷ không học hết cấp 2, nhiều em phải rời trường phổ thông vì không được chấp nhận hoặc không tìm được môi trường học tập phù hợp. Thực tế này không chỉ gây ra khủng hoảng giáo dục mà còn đặt ra những lo ngại sâu sắc về tương lai của trẻ tự kỷ khi trưởng thành.

Hướng đến giải pháp toàn diện

Trước những thách thức hiện tại, các nhà hoạch định chính sách và giáo dục đã bắt đầu xây dựng những giải pháp mang tính hệ thống. Một động thái quan trọng là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 25/2/2025, phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đối với người khuyết tật thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này được đánh giá đã xác định rõ một hệ thống nhà trường song song với hệ thống hiện có, nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp và bán hòa nhập cho trẻ khuyết tật nặng, đồng thời hỗ trợ các em khuyết tật nhẹ hơn trong môi trường hòa nhập. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục công lập dành cho người khuyết tật. Đây được coi là nền tảng pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng hơn cho trẻ tự kỷ ở các địa phương.

gemini_generated_image_c8b6vec8b6vec8b6.jpg
Ảnh minh họa tạo bởi AI.

Mô hình hướng nghiệp và vai trò của phụ huynh đang nổi lên như những yếu tố then chốt trong giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đồng thuận rằng việc đào tạo nghề cần toàn diện và dài hạn, không chỉ tập trung vào các công đoạn đơn lẻ. Quan điểm này được chứng minh qua thực tiễn tại nhiều trung tâm đã thành công trong việc giúp người tự kỷ phát triển kỹ năng nghề nghiệp và hòa nhập xã hội.

Đặc biệt, cách nhìn nhận về khả năng của người tự kỷ đang được định hình lại. Nhiều người tự kỷ thể hiện khả năng làm việc xuất sắc, đặc biệt trong các công việc đòi hỏi sự tuân thủ quy trình chặt chẽ và tỉ mỉ. Một số trung tâm đã ghi nhận những trường hợp người tự kỷ làm việc hiệu quả hơn cả người bình thường trong một số lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường được xác định là yếu tố không thể thiếu. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức để đánh giá đúng mức độ khuyết tật của con, từ đó lựa chọn mô hình giáo dục phù hợp. Đồng thời họ cũng cần làm việc chặt chẽ với giáo viên để đảm bảo quá trình học tập của trẻ được liên tục và nhất quán.

Về phía cơ quan quản lý, được biết, Bộ GD&ĐT đang xem xét bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo cho trẻ tự kỷ. Nếu được triển khai hiệu quả, sáng kiến này có thể giúp người tự kỷ phát triển các kỹ năng cần thiết để tự lập về mặt kinh tế trong tương lai.

Cô giáo hướng dẫn các em tô màu theo chương trình can thiệp sớm tại Chương trình phát triển trẻ em huyện Phú Ninh. Ảnh: MỸ LINH

Tăng cường khả năng hòa nhập

Quảng Nam đang triển khai giai đoạn 2 (2024-2026) của dự án “Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật”, với sự tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và tổ chức Medipeace. Dự án này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật, bao gồm trẻ tự kỷ, thông qua các dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng.

Những hoạt động chính của dự án đối với trẻ tự kỷ: phát triển hệ thống PHCN tại địa phương: dự án đã thiết lập 12 phòng PHCN tại các trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện, cung cấp dịch vụ PHCN cho trẻ khuyết tật, bao gồm trẻ tự kỷ; đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên y tế: các khóa đào tạo chuyên sâu về PHCN, bao gồm âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ, đã được tổ chức cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tham gia dự án; hỗ trợ dụng cụ trợ giúp và cải thiện môi trường sống: dự án cung cấp các dụng cụ trợ giúp như xe lăn, khung đứng, ghế ngồi đặc biệt cho trẻ khuyết tật, đồng thời cải thiện điều kiện nhà ở cho các hộ gia đình có trẻ khuyết tật; nâng cao nhận thức cộng đồng: dự án tổ chức các chương trình tập huấn cho phụ huynh và giáo viên về kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ, nhằm tạo môi trường hỗ trợ tốt nhất cho các em.

Những nỗ lực này đã giúp trẻ tự kỷ tại Quảng Nam tiếp cận các dịch vụ PHCN chất lượng, tăng cường khả năng hòa nhập xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình họ, hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng hơn.

Nội dung: XUÂN HIỀN - MỸ LINH - DIỆP TRẦN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình âm thầm cùng trẻ tự kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO