(QNO) - Hôm nay (3/12) là ngày Quốc tế người khuyết tật. Tại Quảng Nam với khoảng 7% dân số là người khuyết tật, họ đã vượt qua nhiều mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Trên hành trình hòa nhập của người khuyết tật luôn có sự đồng hành của nhiều cơ quan, tổ chức vì người khuyết tật.
Vươn lên để sống tốt hơn
Với chị Nguyễn Thị Thu Vinh (45 tuổi, là hội viên Hội người khuyết tật TP.Tam Kỳ), được sống và làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chẳng khác gì chuyện cổ tích. Sinh ra chị Vinh đã nằm liệt một chỗ, cuộc sống của chị lẫn gia đình vô cùng vất vả.
Trong ký ức của người dược sĩ, ước mơ của cha mẹ chị không gì khác là thấy chị có thể nằm, ngồi, đứng như bao đứa trẻ khác. Vì vậy mà họ đã không tiếc thời gian, công sức, tiền của đưa chị Vinh đi chạy chữa khắp nơi.
Sau bao nỗ lực ngược xuôi, năm 7 tuổi, chị Vinh đã có thể tập tễnh đứng lên trên đôi chân vô cùng yếu ớt của mình. Di chứng teo cơ bám chị suốt cuộc đời, nhưng không quật ngã được một con người có nghị lực phi thường, không bao giờ đầu hàng trước số phận.
Chị Vinh tâm sự: "Tôi có khát khao cháy bỏng là được đi học trên đôi chân của mình. Tôi đi học muộn hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng tôi không bỏ cuộc. Ngày bé, đường đến trường tôi một bên là kênh nước, một bên là đồng ruộng. Trên đôi chân khập khiễng của mình tôi không biết mình đã ngã xuống đó bao nhiêu lần.
Giữa đường đến trường và nhà tôi có lò gạch Phú Đông, các cô, chú trong xóm đều làm ở đó. Những buổi tan trường về tôi thường được họ bế lên cho ngồi chễm chệ trên chiếc xe bò cùng những ô đất sét vừa lấy về từ đồng. Tôi luôn được che chở, giúp đỡ, yêu thương của mọi người".
Thế nhưng, trong thẳm sâu tâm hồn, Nguyễn Thị Thu Vinh vẫn không sao gạt bỏ được mặc cảm, tự ti. Chị không tham gia vào các cuộc vui cùng bạn bè đồng trang lứa, chỉ thui thủi một mình. Có lúc, chị đã tìm đến cái chết để mong giải thoát cuộc đời kém may mắn. Nhưng may thay, chị đã được ba mẹ phát hiện kịp thời. Lúc này, chị mới ăn năn hối hận vì bản thân ích kỷ, không nghĩ thương cho cha mẹ.
Rồi từ đó, chị quyết tâm phải vượt qua mặc cảm. Học xong cấp 3, chị Vinh ra Đà Nẵng học dược tại Trường Trung cấp Y tế Trung ương 2 Đà Nẵng. Tốt nghiệp xong chị xin được việc làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền từ tháng 6/2001 đến nay.
Đồng hành cùng người khuyết tật
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh thông tin, toàn tỉnh có trên 80 nghìn người khuyết tật (NKT), chiếm gần 7% dân số. "Đa số NKT trong tỉnh có trình độ học vấn thấp, phần lớn không có nghề nghiệp, chưa có việc làm ổn định, gia đình đa số thuộc diện nghèo và cận nghèo. Họ thu nhập thấp, chủ yếu là trợ giúp hàng tháng của Nhà nước và sự giúp đỡ hỗ trợ của các tổ chức xã hội và cộng đồng. Bản thân NKT đã rất cố gắng để hòa nhập cộng đồng nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Hội đã cùng với các tổ chức vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ để NKT tự tin hơn, sống tốt hơn".
Thông qua Hội NKT tỉnh, nhiều sự hỗ trợ đến với NKT. Các tổ chức như Malteser, APHEDA, CRS, VNAH, IC- VVAF, COMIC, Acdc, Habitat, Medipeace/Hàn Quốc và Dự án hòa nhập 1 của Liên danh Vì sự hòa nhập của NKT (AAI) đang tích cực giúp NKT về sinh kế, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
Giai đoạn 2 của Dự án hòa nhập 1 diễn ra từ 1/1/2023 đến 30/6/2025. Dự án hòa nhập 1 hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam. Dự án do Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Hiện dự án này đang triển khai trong tỉnh, nhằm mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của NKT; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của NKT...
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hòa nhập, đại diện Liên danh AAI, dự kiến đến hết năm 2023, có 1.649 NKT tại Quảng Nam (gồm cả trẻ em khuyết tật và NKT bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin), 1.144 thành viên gia đình NKT được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng và xã hội; 7-8 nhóm phục hồi chức năng đa ngành sẽ được thành lập hoặc củng cố năng lực để cung cấp dịch vụ, và 68 cán bộ y tế được nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo ngắn và dài hạn.