Hành trình mười năm

XUÂN PHÚ 29/06/2021 07:13

Ngày 29.3.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 474 công nhận TP.Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Như vậy, hành trình 10 năm của thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam đã khép lại với kết quả như kỳ vọng. 

HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam.
HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam.

Nhiều chính sách đặc thù

TP.Tam Kỳ có 13 đơn vị hành chính, gồm 9 phường và 4 xã (Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú, Tam Ngọc) với diện tích đất tự nhiên 9.397ha, dân số 122.443 người. Khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2010, trong số 19 tiêu chí, bình quân mỗi xã chỉ đạt 1,5 tiêu chí.

Có 2 xã nghèo bãi ngang ven biển là Tam Thăng và Tam Thanh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 257 của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Điều đó cho thấy, địa phương đối mặt với khó khăn rất lớn, cơ sở hạ tầng thấp kém, quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đời sống người dân vùng nông thôn còn nghèo.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

TP.Tam Kỳ luôn nhất quán trong xây dựng NTM, điều quan trọng nhất là nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, những năm qua, Tam Kỳ đã tập trung phát triển sản xuất trong xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, tại các xã hình thành nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Bao gồm: xã Tam Thanh có HTX chế biến nước mắm Tam Thanh, HTX Cát Trắng, HTX Ngọc Lan; xã Tam Phú có HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam, HTX nông nghiệp Kỳ Anh; xã Tam Thăng có HTX Mười Tín; xã Tam Ngọc có HTX nông nghiệp Đồng Hành, HTX Nấm CNC miền Trung.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Tam Thăng đã tạo ra luồng gió mới trong giải quyết việc làm cho người dân nông thôn khi thu hút hơn 10.000 lao động, qua đó góp phần nâng số người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động ở 4 xã đạt tỷ lệ 99,7%. Từ những địa bàn nông thôn nghèo khó, đến nay điều kiện sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Năm 2020 thu nhập bình quân chung của người dân 4 xã đạt 48,5 triệu đồng/người (mức quy định chung đạt chuẩn 41 triệu đồng), trong đó xã Tam Thanh cao nhất với 61 triệu đồng, xã Tam Ngọc thấp nhất cũng đạt 45 triệu đồng.

Xuất phát điểm thấp, để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, điều hành, TP.Tam Kỳ còn ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo đòn bẩy để triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM đạt kết quả. Có thể kể đến như Nghị quyết số 02 (ngày 16.7.2014), Nghị quyết số 302 (ngày 21.12.2017) của HĐND thành phố quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách thành phố và ngân sách cấp xã cho chương trình NTM trên địa bàn. Cơ chế này, đã tạo nên bước đột phá trong huy động nguồn lực xây dựng NTM.

Từ nguồn vốn chương trình, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác và vận động nội lực từ nhân dân, qua 10 năm đã hỗ trợ đầu tư 91 công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, nước sạch, môi trường...

Thành phố cũng đã ban hành một số đề án nhằm góp phần thực hiện tiêu chí NTM. Đơn cử: đề án phát triển kinh tế nông nghiệp TP.Tam Kỳ giai đoạn 2016 - 2020; đề án phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao giai đoạn 2015 - 2020; đề án phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 133 về hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo, giai đoạn 2018 - 2020.

Với các cơ chế hỗ trợ này đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng mô hình thí điểm kinh tế vườn gắn du lịch cộng đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 35 triệu đồng/ha năm 2007 lên 137 triệu đồng/ ha thời điểm 2020. Cạnh đó, thành lập 4 trung tâm văn hóa thể thao xã, nâng cấp và xây mới 24 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, 4 nhà văn hóa và khu thể thao xã.

Từng bước về đích

Động lực mang lại từ cơ chế, chính sách đặc thù cùng nỗ lực vượt qua khó khăn đã giúp công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn Tam Kỳ có được những tín hiệu đáng mừng. Chỉ sau thời gian ngắn, cơ sở hạ tầng khung tại các xã ngày càng được hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt NTM dần hiện ra.

Sau 5 năm kể từ khi bắt tay xây dựng NTM, niềm vui đã đến khi cùng lúc 2 xã Tam Thăng và Tam Ngọc được công nhận đạt chuẩn năm 2015. Sau đó, lần lượt đến xã Tam Thanh năm 2017 và cuối cùng là xã Tam Phú hoàn thành vào năm 2018. Song song với xây dựng xã đạt chuẩn NTM, việc xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” cũng mang lại kết quả tốt khi năm 2018 có 4 thôn tại 4 xã được công nhận đạt chuẩn và hiện đang nhân rộng ra thêm 9 thôn.

Hình ảnh nên thơ của thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh). Ảnh: X.P
Hình ảnh nên thơ của thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh). Ảnh: X.P

Về các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú, Tam Ngọc hôm nay, có thể thấy bộ mặt nông thôn khác hẳn khi cơ sở hạ tầng khang trang; gần như tất cả tuyến giao thông liên xã, liên thôn được nhựa hóa hoặc đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp.

Hồi cuối năm 2020, sau khi kiểm tra thực tế cơ sở tại 4 xã, đoàn công tác Văn phòng điều phối NTM Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được của Tam Kỳ, nhất là các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, văn hóa, thông tin.

Trong cơ cấu kinh tế của 4 xã xây dựng NTM năm 2020, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 48,7% (đạt 1.507 tỷ đồng), ngành công nghiệp chiếm 53,3% (đạt 2.021 tỷ đồng), ngành nông nghiệp 8,71% (345 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, qua 10 năm (2010 - 2020) triển khai xây dựng NTM, thành phố huy động được nhiều nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí hơn 351 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 257 tỷ đồng (vốn trực tiếp từ chương trình 99,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 157 tỷ đồng); vốn vay tín dụng 44,8 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã 26 tỷ đồng; huy động nhân dân đóng góp 23 tỷ đồng. Ngoài đóng góp tiền mặt, nhân dân đã tự nguyện hiến gần 36.200m2 đất, hơn 18.000 ngày công lao động và hơn 2.600 vật kiến trúc như tường rào, cổng ngõ, chuồng trại, nhà cửa.

Trên cơ sở thành quả đạt được, với quan điểm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn nhanh, bền vững, Tam Kỳ định hướng mục tiêu chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục nâng cao chất lượng xã NTM, xây dựng xã Tam Ngọc và xã Tam Thanh thành xã NTM kiểu mẫu, xã Tam Thăng và xã Tam Phú thành xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tất cả thôn của 4 xã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Khu dân cư NTM kiểu mẫu Trung Thanh

Trong số khu dân cư NTM kiểu mẫu của Tam Kỳ, thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) được xem là một trong những điển hình, được UBND tỉnh tặng bằng khen và thưởng công trình phúc lợi 100 tấn xi măng. Đây là thôn mà thành phố chọn làm điểm, cũng là thôn để lại những dấu ấn trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Là địa bàn thuộc xã ven biển nên đa số người dân địa phương chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, với lợi thế làng bích họa Tam Thanh được hình thành tại địa phương nên mở ra tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, thương mại - dịch vụ.

Để phát huy lợi thế đó, địa phương chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường với mô hình “Làng không rác” và xem đây là khâu đột phá. Phong trào “vườn sạch, nhà đẹp, đường không rác” được phát động, từng bước khơi dậy ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân.

Từ khi triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn Trung Thanh gắn với phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái làng quê, người dân nơi đây đã có thêm sinh kế mới từ việc tham gia các loại hình dịch vụ như ẩm thực, giữ xe cho khách tham quan, góp phần có thêm thu nhập

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình mười năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO