(QNO) - Để góp phần giữ gìn môi trường “xanh - sạch - đẹp”, hội viên nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường gắn với sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
Những mô hình hiệu quả
Thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đưa vào bể chứa xi măng, sau đó sẽ vận chuyển đi xử lý riêng và dọn vệ sinh trên đồng ruộng đã trở thành hoạt động thường xuyên của hội viên nông dân trên địa bàn phường Hòa Thuận. Từ khi triển khai thí điểm mô hình “Thu gom vỏ thuốc BVTV” tại khối phố Phương Hòa Đông vào 2024, đến nay mô hình đã được nhân rộng tại cánh đồng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thám, khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận chia sẻ: “Trước kia những vỏ thuốc BVTV sử dụng xong vứt bỏ rải rác khắp đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nhưng kể từ khi lắp đặt các bể chứa thì không còn tình trạng này nữa. Các loại vỏ chai nhựa, túi ny lông đựng thuốc BVTV, phân bón... khi sử dụng xong sẽ được người dân bỏ vào đúng quy định và kết thúc mùa vụ bà con sẽ vận chuyển đi xử lý”.
Bà Nguyễn Thị Thu Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thuận cho biết, triển khai mô hình “Thu gom vỏ thuốc BVTV” trên địa bàn phường đã lắp đặt 30 bể chứa rác thải thuốc BVTV tại các cánh đồng của 5 khối phố. Ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân và hội viên nông dân thu gom bao bì, vỏ thuốc BVTV bỏ vào bể chứa sau khi sử dụng thì Hội Nông dân phường còn thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các vấn đề sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Thám, khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận:
Tại xã Tam Thăng, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được chú trọng. Như mô hình “Hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi” được triển khai trên địa bàn xã được đông đảo nông dân hưởng ứng tham gia. Theo đó, khi tham gia mô hình, địa phương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng tối đa không quá 15 triệu đồng/gia trại/hộ và không quá 20 triệu đồng/trang trại. Đến nay đã có trên 10 hộ đăng ký tham gia mô hình.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Hà ở thôn Thạch Tân (xã Tam Thăng) nuôi heo với số lượng đàn gần 20 con. Kể từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đến nay, hầm biogas của gia đình ông hoạt động ổn định không chỉ xử lý dứt điểm mùi hôi thối từ chất thải trong chăn nuôi mà còn tạo ra khí đốt để đun nấu trong gia đình.
“Kể từ khi xây dựng hầm biogas thì môi trường khu vực chăn nuôi sạch sẽ hơn, hàng xóm không còn phàn nàn về mùi hôi nữa. Chất thải từ đàn heo được xử lý qua hầm biogas nên đã góp phần giảm thiểu được nguy cơ dịch bệnh” - ông Hà nói.
Trách nhiệm với môi trường
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn hội viên nông dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên. Đồng thời, vận động và tổ chức cho 100% cán bộ, hội viên nông dân đăng ký tham gia bảo vệ môi trường; 100% cơ sở hội xây dựng mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, các cấp Hội nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã vận động hội viên xây dựng 36 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, 9 mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở khu dân cư; duy trì 160 bể và lắp mới 45 bể xi măng chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, đã thu gom trên 4,5 tấn rác và xử lý đúng quy định; vận động kinh phí mua hỗ trợ trên 700 giỏ, thùng đựng rác và hàng ngàn chai thủy tinh đựng nước.
Ông Nguyễn Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Tam Kỳ nhìn nhận: “Từ những hoạt động thiết thực và mô hình hiệu quả đã dần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên nông dân. Điều này thể hiện qua việc chủ động, tích cực trong tham gia bảo vệ môi trường từ thói quen sinh hoạt, đến sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư, đồng thời hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
[VIDEO] - Mô hình “Hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi” tại xã Tam Thăng: