Sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19, Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn (Đông Giang) tiếp tục trở lại với nhiều hoạt động mang tính gắn kết cộng đồng, hứa hẹn mang đến cho du khách sự trải nghiệm độc đáo…
Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn nói, sau gần 10 năm vắng bóng, sự trở lại của Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu lần thứ 4 này được xem là cơ hội để địa phương khởi động và ra mắt các sản phẩm du lịch độc đáo, góp sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng đến với du khách.
Người dân vào cuộc
Chập choạng tối, hàng chục thanh niên nam nữ Cơ Tu ở thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn) tập trung trước nhà văn hóa thôn để tập luyện múa tâng tung, da dá truyền thống.
Trống chiêng được chuẩn bị sẵn, những buổi luyện tập có thêm sự góp mặt của các nghệ nhân trong thôn, tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng đầy ý nghĩa và sôi động.
Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bhlô Bền cho biết, mùa này, người dân địa phương đang cao điểm làm cỏ rẫy, thu hoạch vườn keo. Dù khá bận rộn với công việc mưu sinh, nhưng kể từ khi có kế hoạch tổ chức lễ hội văn hóa của xã, nhiều người tranh thủ hoàn thành công việc sớm hơn để cùng dân làng luyện tập, chuẩn bị cho lễ hội sắp tới.
Theo kế hoạch, Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn lần thứ 4 - năm 2024 dự kiến được tổ chức từ ngày 17 - 19/7 tới, tại thôn văn hóa - du lịch Bhơ Hồông, với nhiều hoạt động ý nghĩa mang sắc màu truyền thống như trình diễn múa tâng tung, da dá; thi nói lý - hát lý; biểu diễn nghệ thuật trống chiêng cùng nghi thức rước ảnh Bác Hồ tại chương trình khai mạc…
“Năm nay, thôn Bhlô Bền lồng ghép hoạt động tập luyện với sự kiện nhóm bếp nhà sinh hoạt truyền thống. Từ nguồn lực của người dân, chúng tôi thống nhất mua một con bò để làm vật tế cúng thần linh.
Đây là tập tục lâu đời của cộng đồng Cơ Tu nhằm báo cáo với Giàng về việc mở hội đánh trống chiêng, tạo điều kiện tập luyện tâng tung, da dá được thuận lợi, an toàn” - ông Alăng Phân chia sẻ.
Trống chiêng nổi lên, trước sân gươl cộng đồng, những động tác múa tái hiện hoạt cảnh ngày mùa kết hợp khoảnh khắc trao duyên, ăn lúa mới… được các nghệ nhân Cơ Tu hỗ trợ hướng dẫn và truyền đạt cho các bạn trẻ.
Ông Phân nói, năm nay, có rất nhiều học sinh đang trong thời gian nghỉ hè nên cùng tham gia tập luyện, góp phần đưa văn hóa cộng đồng đến với du khách gần xa.
Được chọn làm nơi diễn ra lễ hội, nhiều ngày qua, người dân ở thôn Bhơ Hôồng ra sức làm sạch môi trường, tu sửa nhiều gươl, moong truyền thống phục vụ lễ hội.
Bên cạnh hưởng ứng tập luyện, nhiều nhóm cộng đồng được huy động làm nhiệm vụ quét dọn nhà cúng, chuẩn bị các nguyên vật liệu phục dựng cây nêu, sân khấu trình diễn…
Tôn vinh di sản cộng đồng
Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn lần thứ 4 hứa hẹn sẽ tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa mang đậm sắc màu truyền thống Cơ Tu, với điểm nhấn là không gian trình diễn tâng tung, da dá tập thể, quy tụ hàng trăm nghệ nhân, diễn viên địa phương tham gia.
Các nghi thức độc đáo này được xem như hoạt động mở màn cho sự kiện lễ hội truyền thống quy mô cấp xã lớn nhất từ trước đến nay tại các huyện miền núi.
Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, lễ hội văn hóa là sự kiện quan trọng của đồng bào địa phương, được duy trì tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần.
Qua đó góp phần động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, đề cao lòng nhân ái...
“Ngoài ra, lễ hội còn là dịp tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, hướng đến hình thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách khi đặt chân đến với bản làng.
Thông qua việc tái hiện không gian văn hóa truyền thống đặc sắc như hội ăn trâu, múa tâng tung, da dá kết hợp trình diễn trang phục thổ cẩm, ẩm thực truyền thống, nói lý - hát lý giữa các thôn trên địa bàn xã…, lễ hội được kỳ vọng mang đến sự trải nghiệm thú vị, điểm dừng chân lý thú của du khách trong dịp hè này” - bà Ngơi chia sẻ.
Điểm mới so với các lần tổ chức trước đây, lễ hội năm nay sẽ được lồng ghép triển khai tổng kết hoạt động xây dựng đời sống văn hóa gắn với công tác bảo tồn các giá trị truyền thống. Ngoài ra, lễ hội còn trưng bày triển lãm sản phẩm đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, bày bán các mặt hàng nông sản... phục vụ người dân và du khách tham quan, mua sắm.