Văn hóa

Hấp lực từ bảo vật văn hóa Champa

HOÀNG SƠN 02/01/2025 14:53

(VHQN) - Đà Nẵng hiện có 9 bảo vật quốc gia, đều thuộc nền văn hóa Champa và đang được lưu giữ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Điều này khiến công tác bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị có nhiều thuận lợi.

bv2.jpg
Phù điêu Đản sanh Brahma luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khác bởi tính nghệ thuật rất cao.

Cẩn trọng trưng bày

Ngắm hồi lâu bức phù điêu Đản sanh Brahma, nhóm du khách đến từ Anh ngạc nhiên khi phù điêu có tạc một người đội mũ với chóp uốn lượn trông khá giống cổ phục của nhiều nước Đông Á.

Khi được nghe hướng dẫn viên thuyết minh đó là hình ảnh của một vị đạo sĩ trong văn hóa Chăm đang thực hiện nghi thức chúc tụng, nhiều người gật gù, tỏ ra thích thú.

Thời điểm hiện tại, phù điêu Đản sanh Brahma cùng với phù điêu Apsara và tượng thần Shiva thuộc nhóm hiện vật được công nhận bảo vật muộn nhất của bảo tàng.

Trước đó, ngay từ đợt công nhận đầu tiên vào năm 2012, khi cả nước mới có 30 bảo vật thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã góp mặt 3 hiện vật, gồm: đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1 và tượng Bồ tát Tara. Các hiện vật được công nhận bảo vật tiếp theo, gồm: đài thờ Đồng Dương, tượng Ganesha, tượng Gajasimha.

Với chất liệu chủ yếu bằng đá sa thạch, công tác bảo tồn trong môi trường được che chở bởi hạ tầng tốt, đảm bảo ẩm độ, ánh sáng. Các tượng, phù điêu đều đang ở hiện trạng rất tốt. Riêng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khi có sự xuống cấp tại điểm trưng bày, cấp quản lý sẽ cho sửa chữa, khắc phục ngay.

Ngay từ khi bước chân vào tham quan bảo tàng, du khách sẽ được tiếp cận hệ thống chỉ dẫn, cảnh báo thân thiện nhằm đảm bảo hiện vật, nhất là các bảo vật không bị xâm hại.

Cùng với việc bảo vệ bảo vật bởi những tấm kính cường lực, bảo tàng cũng trang bị hệ thống camera giám sát. Các nhân viên an ninh cũng thường xuyên lui tới kiểm tra, nhắc nhở nếu du khách có hành vi phản cảm.

Một câu hỏi thú vị mà bảo tàng thường nhận được, đó là: liệu có sợ bảo vật bị đánh cắp nếu trưng bày công khai? Ông Trần Đình Hà - Phó Giám đốc Bảo tàng, cho biết với công nghệ giám sát hiện đại cùng việc trưng bày cẩn trọng, chưa kể có đến 7/9 bảo vật Chăm có kích thước lớn, khối lượng rất nặng nên có thể yên tâm trong chống trộm.

“Chẳng hạn, tượng Gajasimha nặng 2 tấn, các đài thờ cũng nặng hàng tấn… nên có thể trưng bày. Riêng tượng đồng Tara và tượng Ganesha chỉ mở cửa khi đón nguyên thủ các quốc gia, phục vụ công tác đối ngoại hoặc các sự kiện đặc biệt khác” - ông Hà nói.

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương kể thêm, giai đoạn 1978 – 1998 khi ông làm quản thủ bảo tàng, do đánh giá được giá trị của pho tượng Ganesha nên đã làm 2 phiên bản để trưng bày. Bản gốc pho tượng được đưa vào kho để đảm bảo không bị đánh cắp. Tương tự, tượng đồng Tara cũng đang được trưng bày bằng phiên bản.

Tăng sức hút từ bảo vật

Tại bảo tàng, tùy vào phong cách của mỗi bảo vật sẽ được trưng bày tại các phòng khác nhau, như: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương. Mỗi bảo vật trở thành điểm nhấn của mỗi phòng, do vậy, mỗi bước chân của du khách là một sự hứng thú, mới mẻ.

bv1.jpg
Bảo tượng Bồ tát Tara đang được trưng bày bằng một phiên bản nhằm đảm bảo an toàn.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 100 năm mở cửa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã có báo cáo sơ bộ về lượng khách tham quan kể từ năm 1936 cho đến năm 2018. Trong đó, giai đoạn từ 2005 – 2015, trung bình mỗi năm, bảo tàng đón hơn 200 nghìn lượt khách. Đến năm 2018, bảo tàng đã đón đến hơn 300 nghìn lượt khách/năm, trong đó 90% là khách quốc tế.

Đến nay, du lịch đã phục hồi sau đại dịch, tuy chưa đạt con số như trước đó nhưng du khách đến tham quan bảo tàng đã tăng mạnh trở lại.

Có thể thấy, tính từ dấu mốc trước năm 2012, lượng khách đến bảo tàng ngày một đông. Sau năm 2012, khi bảo tượng Tara gắn với câu chuyện ly kỳ mất 2 vật cầm tay (đã hoàn nguyên vào cuối năm 2023 - pv) cùng 2 hiện vật khác trở thành bảo vật, sức hút du khách của bảo tàng cũng ngày càng tăng lên.

Ông Trần Đình Hà nhận định, chính nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và trưng bày, triển lãm mà các bộ sưu tập hiện vật, trong đó có các bảo vật quốc gia đã phát huy được giá trị của chúng.

Ông Hà cho hay, cùng với việc giới thiệu hiện vật tại các phòng trưng bày, việc đưa hiện vật đi triển lãm, trưng bày ở các địa phương trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật cũng được bảo tàng quan tâm. Các cuộc hợp tác triển lãm tại nhiều bảo tàng trên thế giới được thực hiện, từ Bảo tàng Dân tộc học Vienna (Áo); Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia Brussels (Bỉ)...

Một điều thú vị khác, đó là trước khi được công nhận bảo vật quốc gia, các hiện vật như: phù điêu Đản sanh Brahma, tượng thần Ganesha… đã từng ra nước ngoài để tham dự các triển lãm với trị giá bảo hiểm lên đến hàng triệu USD.

Ông Trần Đình Hà cho biết thêm, trong số khoảng hơn 3.000 hiện vật của bảo tàng, còn rất nhiều hiện vật xứng đáng được làm hồ sơ bảo vật quốc gia. “Dư địa” bảo vật còn rất lớn nhưng hàng năm, bảo tàng làm hồ sơ theo trình tự ưu tiên.

Ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Bảo tàng thông tin, có thêm 3 hiện vật đang được Trung ương nghiên cứu hồ sơ bảo vật. Nếu được công nhận vào đầu năm 2025, Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ nâng tổng số bảo vật đang lưu giữ lên con số 12. Thông tin này hẳn sẽ tiếp tục tạo sức hút đối với du khách…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hấp lực từ bảo vật văn hóa Champa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO