Hiện thực hóa các nhiệm vụ đột phá chiến lược

P.V 14/02/2021 06:43

(Xuân Tân Sửu) - Cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, trọng tâm là chống sức ỳ, tiêu cực, tự thỏa mãn và khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam trong đội ngũ cán bộ các cấp; tạo đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng thành quả cách mạng 4.0; quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh thái... là những ý kiến mà Báo Quảng Nam ghi nhận từ người trong cuộc, xoay quanh việc triển khai 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đã đề ra.

 
 
 

Với mục tiêu xây dựng TP.Tam Kỳ phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025 và định hướng xây dựng đô thị xanh, thông minh, đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, tạo động lực để phát triển. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao, năng lực công tác tốt được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian đến. Thực hiện nhiệm vụ đột phá này, thành phố sẽ quyết liệt hơn nữa việc tinh gọn tổ chức bộ máy và cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, thông suốt, thật sự công khai, minh bạch… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu các phòng ban, địa phương phải phát huy vai trò nêu gương về mọi mặt, đồng thời phải là người tạo động lực, truyền cảm hứng công việc, tinh thần hăng say cống hiến cho đội ngũ cán bộ, công chức của mình.

Trong giai đoạn hiện nay, xác định công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, tái định cư là động lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố. Do vậy, ngay từ đầu năm 2021, Tam Kỳ đặt vấn đề hết sức mạnh mẽ về củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác này, từ cán bộ quản lý đất đai, hiện trạng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất ở các xã, phường đến Hội đồng thẩm định và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.

Cùng với các giải pháp nêu trên, Tam Kỳ đang kiên quyết thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấm dứt tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ, tình trạng trì trệ, “trên nói dưới không nghe”… Thành phố phân công bộ phận theo dõi, giám sát chặt chẽ, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên và tham mưu xử lý kiên quyết, đúng quy định các vi phạm. Theo đó, cán bộ đã được nhắc nhở lần 2 mà vẫn chưa hoàn thành công việc được giao thì sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, nặng hơn sẽ xem xét không bổ nhiệm lại, điều chuyển công tác hoặc xem xét hình thức kỷ luật… Thành phố thực hiện nghiêm phương châm “làm được thì thưởng, không làm được thì phạt, vi phạm kỷ luật thì xử lý nghiêm khắc’’. Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhằm xóa bỏ “chủ nghĩa cá nhân”, loại ra khỏi hệ thống những con người yếu về năng lực, phẩm chất, nhất là có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân, là lực cản cho sự nghiệp phát triển của thành phố. 

Với tinh thần quyết liệt, hiệu quả, Tam Kỳ quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng suy nghĩ, đổi mới, sáng tạo, có tâm huyết, khát vọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố xứng tầm là đô thị tỉnh lỵ Quảng Nam. 

 

Để xây dựng chính quyền số, Quảng Nam đang tập trung đầu tư hạ tầng về viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT), xây dựng nền tảng chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, ứng dụng CNTT sâu rộng trong tất cả ngành, lĩnh vực; đồng thời đảm bảo an toàn an ninh thông tin, phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu. Điều này được làm rõ trong mục tiêu của đề án Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2768 theo Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh. Hạ tầng VT-CNTT của tỉnh đã được đầu tư nhưng mới ở mức cơ bản, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đề án chuyển đổi số của tỉnh đã phân nhiệm vụ rõ, về hạ tầng dùng chung giao cho Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT), hạ tầng nội bộ giao cho từng đơn vị tự đầu tư, hoàn thiện theo chuẩn UBND tỉnh quy định. Trước mắt cần tập trung nâng cấp hạ tầng về cơ sở dữ liệu, an toàn thông tin, xây dựng mạng dùng chung… Việc đầu tư, nâng cấp sẽ thực hiện theo kế hoạch từng năm, tiến tới tương đối hoàn chỉnh hạ tầng VT-CNTT vào năm 2025.

Xu thế bây giờ là yêu cầu phải ứng dụng CNTT đáp ứng cuộc cách mạng 4.0. Mình không làm thì xã hội cũng sẽ kéo mình đi. Do đó, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi lãnh đạo từ cấp tỉnh đến sở, ngành, địa phương phải chủ động vào cuộc. Vấn đề ở đây là cách mình làm như thế nào để vừa nhanh, vừa hiệu quả. Dù sao với CNTT vẫn còn nhiều điều mới lạ, muốn triển khai được, cần có sự quyết tâm của người đứng đầu, khi đó mới kéo cả bộ máy đi theo, cùng hành động. Tuy nhiên, muốn làm tốt phải có sự phân vai cụ thể. Ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số không phải là việc riêng của ngành TT-TT. Các sở, ngành, địa phương cũng phải biết CNTT giúp cho mình cái gì để nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục... để đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Khi đó, Sở TT-TT sẽ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ, giới thiệu những chuyên gia, doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ hiệu quả. Tóm lại, câu chuyện ở đây “chính là anh chứ không phải tôi”. Sở TT-TT không thể làm thay các sở, ngành về chuyển đổi số. Tới đây, Sở TT-TT sẽ tham mưu UBND tỉnh làm việc với các đơn vị, địa phương để nắm bắt, hỗ trợ vấn đề này.

Ngoài ra, hệ thống VT - CNTT, chuyển đổi số phải mang tính đồng bộ, đầy đủ, do đó rất cần sự tham gia của mọi người cùng vận hành. Tất nhiên cùng lúc không thể làm hết, nhưng theo từng năm, giai đoạn, việc đầu tư cần đảm bảo tính hệ thống theo kiến trúc chính quyền điện tử. Về quan điểm, cần xác định rõ, vấn đề quan trọng của chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là bài toán về cơ chế chính sách, con người sử dụng và truyền thông. Đặc biệt là phải giải được bài toán tương tác, chuyển đổi số phải hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là làm sao để người dân, doanh nghiệp nhìn chính quyền chỉ có một, chứ không phân biệt cấp tỉnh hay huyện, xã. Việc này cần quá trình dài hơi, Quảng Nam đang đi những bước đầu tiên với sự đầu tư và hướng làm tương đối bài bản, tổng thể...

 

Bồi thường, giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất khiến nhiều dự án đầu tư tại Quảng Nam bế tắc. Không có mặt bằng, không thể thực hiện dự án. Mọi thứ gần như sẽ trì trệ, từ cam kết đến tiến độ dự án. Vướng mắc cơ bản hiện nay khi những trung tâm phát triển quỹ đất thiếu người, thiếu chuẩn để tham gia đầy đủ các dự án vốn có quá nhiều tại địa phương! Sự thiếu quyết liệt của cơ quan nhà nước địa phương khi ban hành các thủ tục thu hồi đất, quản lý hiện trạng, xử lý hộ dân vùng dự án xây dựng trái phép đang là điểm nóng. Họ sợ đụng chạm, sợ ồn ào… Không ít trường hợp xây dựng trái phép vùng dự án dù đã lập biên bản vẫn không chịu xử lý dứt điểm, để tái diễn, dẫn đến tư tưởng ỷ lại, khiến dự án kéo dài từ năm này đến năm khác, kéo theo tình trạng giá đất tăng đột biến và chi phí đầu tư dự án lên rất cao.

Không khó để tháo gỡ điểm nghẽn này. Chúng tôi cho rằng, cần tăng cường năng lực các trung tâm phát triển quỹ đất. Thực hiện các quy trình về thu hồi đất, giải tỏa bồi thường đúng luật, thỏa đáng, kiên quyết không sợ đụng chạm, ảnh hưởng. Mọi phương án đều phải được niêm yết. Thực hiện đối thoại với dân vùng dự án nhiều lần. Nếu không chấp nhận thì rà soát các quy định, thủ tục đúng luật, ra quyết định cưỡng chế. Một khi có quyết định hành chính của chính quyền, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thương thuyết với người dân thuận lợi hơn là cứ đưa ra phương án rồi để cho doanh nghiệp tự bơi thì không thể nào giải quyết được!

Quảng Nam đã hệ thống hóa lại quy trình đầu tư bằng một quyết định mới cho tất cả dự án trên địa bàn. Doanh nghiệp sẽ được giao đất từng phần, triển khai giấy phép xây dựng từng giai đoạn theo phần đất đã giải tỏa, bồi thường xong. Chính quyền đã quyết định thành lập tổ công tác đến tận hiện trường dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Khi các luật về đầu tư vẫn còn chồng chéo giữa các ngành thì quy định này giúp rút ngắn thời gian đầu tư dự án - điều đầu tiên và quan trọng nhất của doanh nghiệp, là một sáng kiến cải thiện đáng kể.

Khi đưa ra những quyết định mới mẻ này, nghĩa là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nhìn thấy rõ những ách tắc. Điều đó sẽ là một trong những bước đệm để giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trong tương lai. Cộng đồng doanh nghiệp cần sự quyết liệt, có thêm những cơ chế mạnh mẽ hơn của chính quyền. Chúng tôi thực sự mong muốn sớm nhìn thấy các quyết định hỗ trợ đầu tư được triển khai trên thực tế!

 

Quảng Nam đã phát triển đô thị theo vùng. Đối với vùng tây, định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa. Miền núi xứ Quảng đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án phát triển du lịch đều khắp các huyện, có khả năng tạo động lực để phát triển đô thị. Còn vùng ven biển phía đông, triển khai thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là xây dựng vùng Đông thành một khu vực quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Xây dựng mô hình phát triển đô thị phù hợp dựa trên các hành lang và hạ tầng khung cấp vùng. Trong quy hoạch đã tính toán thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo các “hành lang xanh trường cửu” gắn với định hướng quy hoạch, phát triển không gian nông lâm nghiệp.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển dạng chuỗi dọc theo các hành lang sát biển và địa hình dốc, quỹ đất thuận lợi để phát triển đô thị cũng như các khu chức năng không nhiều, sức ép lên hệ sinh thái của khu vực vùng Đông rất lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm mạnh. Nhiều địa phương xác định không gian phát triển song song với tuyến quốc lộ và bờ biển theo hướng bắc - nam, không phù hợp với hướng dốc địa hình tự nhiên theo hướng tây - đông.

Trong quy hoạch nông thôn mới các xã, không gian kinh tế nông nghiệp cần được tiếp cận đa mục tiêu và liên ngành. Cần xác định rõ quỹ đất nông nghiệp gắn với thiết lập các “hành lang xanh trường cửu” nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên; cải thiện chất lượng không khí trong khu vực đô thị; đảm bảo mục đích kết nối trung chuyển giữa đô thị và nông thôn; bảo vệ các đặc trưng độc đáo của cộng đồng nông thôn. Chính vì vậy, rừng phòng hộ ven biển đóng vai trò là các “lõi xanh đô thị”, “dải xanh đô thị” gắn với các “hành lang xanh trường cửu”. Các địa phương cần rà soát các khu vực “nhạy cảm” về sinh thái; nghiên cứu giữ gìn các khu vực trũng thấp, kết hợp với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ, tôn tạo hệ thống sông suối. Cần phân tích đánh giá địa chất, địa hình, xác định các khu vực thuận lợi phát triển đô thị; cảnh báo các khu vực hạn chế, cấm phát triển đô thị, chẳng hạn các khu vực sụt lún, ngập úng, dễ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy trình lập quy hoạch xây dựng cần được quy định thành một nội dung bổ sung bắt buộc trong thực hiện các quy hoạch xây dựng, từ quy hoạch phân khu trở lên, để tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho công tác quản lý và các bên liên quan trong quá trình lập, triển khai quy hoạch trên địa bàn.

Sau 24 năm tái lập tỉnh, có thể thấy một trong những thành công của Quảng Nam là xây dựng được một số đô thị có thương hiệu. Đó chính là Hội An - đô thị cổ - đô thị sinh thái, văn hóa; là Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; và gần đây là đô thị “Tam Kỳ - thủ phủ xanh”. Tôi cho rằng, muốn xây dựng đô thị thông minh, phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh. Định hướng mục tiêu làm cho thành phố thông minh hơn cần bắt đầu từ quy hoạch thông minh, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch và việc lồng ghép những nội dung này vào chiến lược đô thị hóa cần được coi là vấn đề trung tâm. Đề tài ứng dụng GIS trong công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam thực hiện là một trong những cơ sở tạo tiền đề trong quản lý đô thị theo hướng thông minh; phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, các cơ quan có liên quan, thông qua đó, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước và phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện thực hóa các nhiệm vụ đột phá chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO