Không còn là khuyến nghị, chuyện đánh giá năng lực cơ quan công quyền (DDCI) đã chính thức trở thành “mệnh lệnh”. Hiện thực hóa DDCI nhằm cải thiện môi trường đầu tư đang là động lực của Quảng Nam.
Cơ quan công quyền nhập cuộc cạnh tranh
Kết quả DDCI 2018 – cuộc đánh giá năng lực điều hành các cơ quan công quyền đầu tiên của Quảng Nam đã chỉ ra năng lực điều hành khá đồng đều khi chỉ số cạnh tranh bình đẳng được đánh giá cao nhất và sự minh bạch, tiếp cận thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp của 18 địa phương không nhiều. Song không có địa phương nào được đánh giá tích cực, vượt trội về tiếp cận đất đai. Còn các sở, ban, ngành, không có cơ quan nào bị nhận điểm số dưới trung bình. Tất cả được đánh giá khá, nhưng không có một đơn vị nào hoàn hảo. Sức ì cải cách vẫn là khoảng trống khó lấp đầy.
Theo nhận định từ kết quả DDCI 2018, tình trạng nhũng nhiễu hay tham nhũng vặt đang có chiều hướng xấu khi điểm trung vị của chỉ số này chỉ đạt 6,21 – một điểm số khá thấp so với các chỉ số thành phần còn lại. Thống kê có đến 26,5% doanh nghiệp cho biết vẫn gặp phải tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục, 39,3% doanh nghiệp cho biết cần có chi phí không chính thức để công việc được giải quyết như mong muốn, khoảng 92,1% doanh nghiệp than phiền cần có những mối quan hệ mới có thể tiếp cận được thông tin, tài liệu từ cơ quan nhà nước. Sự thiếu cạnh tranh bình đẳng vẫn diễn ra khi có đến 72% doanh nghiệp cho rằng những ưu ái doanh nghiệp lớn, quốc doanh hay FDI đã gây khó khăn, đánh bật doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi cuộc tiếp cận nguồn lực từ địa phương.
Không chỉ xếp hạng, DDCI 2018 còn chỉ ra những điểm mạnh/yếu của từng cơ quan công quyền. Những đánh giá của DDCI 2018 đã chính thức được UBND tỉnh vận dụng trong việc đánh giá chỉ tiêu thi đua của các cơ quan này ngay trong năm 2019. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Quang – Chủ tịch VCCI Đà Nẵng, sự vận hành của DDCI không chỉ là thứ hạng hay điểm số mà phải tạo được cơ chế thích hợp để doanh nghiệp thực hiện quyền được biết. Bộ chỉ số này hy vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể và hiệu quả, đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp. Những cam kết cần một chính quyền hành động, bắt đầu bằng khái niệm “chính việc”, cần “người nào, việc nấy” trên cơ sở xây dựng một hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ khả năng xử lý và đánh giá trách nhiệm, thái độ phục vụ của từng công chức…
Công cuộc cải cách vẫn tiếp diễn
Quảng Nam được công nhận là một trong những địa phương tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến, áp dụng mô hình mới trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, tốc độ cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam vẫn chưa đạt mức điểm tối ưu. Điểm số và thứ hạng PCI tăng, giảm không đều. DDCI được chính quyền kỳ vọng một khi được đặt dưới “quyền giám sát, cho điểm” của doanh nghiệp, sẽ buộc các cơ quan này vào tâm thế thường trực cải cách. Theo kế hoạch, Quảng Nam quyết tâm duy trì, phấn đấu đến năm 2020, chỉ số PCI đạt từ 69 điểm trở lên, luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất nước. Ít nhất có 7/10 chỉ số nằm trong tốp 5… Việc đánh giá DDCI thường niên sẽ còn tiếp diễn, được xác định sẽ góp phần rất lớn cho việc bổ trợ, nâng cao chỉ số PCI.
Cuộc đánh giá DDCI 2019 đã chuyển giao về Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam. Không một cơ quan, địa phương nào trong số 19 đơn vị sở, ngành và 18 địa phương nằm ngoài cuộc giám sát, cho điểm của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam. Theo ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, cơ quan đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp sẽ có tiếng nói khách quan, công tâm, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và phản ánh được thực tế. Sở KH&ĐT theo dõi và giám sát việc đánh giá này có bảo đảm tính khách quan hay không. Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam đã ký hợp đồng với VCCI Đà Nẵng – một tổ chức có kinh nghiệm, năng lực, khoa học và khách quan. Việc thu thập dữ liệu khảo sát được thực hiện qua các hình thức như gửi bảng hỏi và nhận qua đường bưu điện, email, khảo sát qua phỏng vấn trực tiếp. Từ tháng 10.2019, khi nhận chuyển giao, Hiệp hội Doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát, điều tra trong tháng 11.2019 – 1.2020. Kết thúc cuộc khảo sát sẽ xây dựng báo cáo tổng kết kết quả khảo sát, tính điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh vào tháng 3.2020.
Bộ chỉ số DDCI 2019 gồm tính minh bạch, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý. Đây là các chỉ số thành phần áp dụng đánh giá cho các sở, ban, ngành ở cấp huyện, thị xã, thành phố có đánh giá thêm chỉ số “tiếp cận đất đai”. Sẽ có khoảng 2.000 phiếu khảo sát được phát đi. Các mẫu điều tra, đánh giá có đủ độ chính xác, tin cậy. “DDCI 2019 sẽ khảo sát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và HTX đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án và sử dụng dịch vụ hành chính công của các cơ quan công quyền Quảng Nam trong năm qua. Việc xác định đối tượng khảo sát tuân thủ 3 nguyên tắc: Bảo đảm tính ngẫu nhiên, mang tính đại diện và không chọn mẫu theo định hướng chủ quan” – ông Hùng nói.
Doanh nghiệp giám sát cơ quan công quyền
Có thể nói DDCI không chỉ trao quyền cho doanh nghiệp góp ý kiến, thực thi vai trò giám sát mà còn đặt các cơ quan công quyền vào tâm thế luôn luôn cải cách. UBND tỉnh đã xác nhận đây là mệnh lệnh chính trị, một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và người đứng đầu. Cơ quan công quyền, công chức tự soi mình, phân tích, đánh giá các điểm mạnh, yếu, đưa ra những giải pháp phù hợp để thay đổi, cải cách, cung cấp môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng chỉ số PCI đã xếp hạng các tỉnh về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng nếu không có DDCI, sẽ không biết được những ưu, khuyết ở cơ quan nào. DDCI sẽ tạo ra một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp ý kiến. Công cụ này giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, lĩnh vực tích cực, hạn chế, một nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý, đồng thời có cơ sở đưa ra những chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương. T.D