Thế giới

Hiện tượng tẩy trắng san hô diễn ra hàng loạt trên thế giới

KIM OANH 17/04/2024 18:02

(QNO) - Các rạn san hô trên khắp thế giới từ Australia đến Kenya đang bị tẩy trắng lần thứ tư trong vòng 30 năm qua. Nếu tẩy trắng nghiêm trọng và kéo dài, số lượng lớn san hô có thể bị xóa sổ.

Thợ lặn đang khảo sát tình trạng tẩy trắng tại san hô Great Barrier của Australia. Ảnh: reefresilience
Thợ lặn khảo sát tình trạng tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier của Australia. Ảnh: Reefresilience

Ngày 15/4 vừa qua, Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) và Sáng kiến rạn san hô quốc tế (ICRI) thông tin, có ít nhất 53 quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc nền kinh tế địa phương báo cáo tình trạng tẩy trắng san hô từ tháng 2/2023 đến nay.

Các nhà khoa học cho biết, rạn san hô bao phủ chưa đến 1% đáy đại dương nhưng giúp ích cho hệ sinh thái và nền kinh tế biển.

Trong đó, 1/4 sinh vật biển phụ thuộc vào rạn san hô để trú ẩn, kiếm thức ăn và là nơi sinh sản; rạn san hô cũng giúp ích cho cộng đồng ven biển bằng cách hình thành hàng rào bảo vệ chống lại bão và sóng lớn.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Marine Policy năm 2022 cho thấy rạn san hô giúp tránh thiệt hại về tài sản cho hơn 5 triệu người trên thế giới.

Cạnh đó, Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN) nhận định, giá trị kinh tế toàn cầu của các rạn san hô liên quan đến hàng hóa và dịch vụ ước tính đạt khoảng 2.700 tỷ USD mỗi năm gồm cả du lịch và bảo vệ bờ biển.

Thế nhưng, nhiệt độ nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu và sự tàn phá của con người khiến san hô bị đe dọa. Hiện tượng tẩy trắng đáng kể xảy ra ở cả bán cầu Bắc và Nam của mỗi lưu vực đại dương lớn.

Ví như, hiện tượng tẩy trắng ảnh hưởng đến 90% san hô tại rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier (Australia).

Tháng 8 năm ngoái, tình trạng tẩy trắng lan rộng ở vùng biển Caribe khiến số lượng lớn san hô chết đi khi nhiệt độ mặt nước biển cao hơn bình thường từ 1 đến 3 độ C.

Ran san hô bị tẩy trắng tại Indonesia. Ảnh: storymaps
Ran san hô bị tẩy trắng tại Indonesia. Ảnh: Storymaps

Theo NOAA, những gì đang diễn ra hiện nay gọi là sự kiện tẩy trắng lần thứ tư trên toàn thế giới. Lần cuối cùng kéo dài ba năm, kết thúc vào tháng 5/2017.

Ông Derek Manzello - Điều phối viên của chương trình Coral Reef Watch thuộc NOAA tuyên bố: “Hơn 54% khu vực rạn san hô trên đại dương toàn cầu đang chịu áp lực nhiệt độ tẩy trắng. Khi các đại dương trên thế giới tiếp tục ấm lên, hiện tượng tẩy trắng san hô ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn”.

Bà Selina Stead - Nhà sinh vật biển và Giám đốc điều hành của Viện Khoa học hàng hải Australia cho biết, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về cách san hô xử lý nhiệt và xác định san hô chịu nhiệt một cách tự nhiên. Nhưng điều quan trọng là thế giới phải nỗ lực giảm lượng khí thải các bon.

San hô là quần thể các sinh vật biển không xương sống. Hiện tượng tẩy trắng san hô được kích hoạt bởi tình trạng bất thường về nhiệt độ nước khiến san hô trục xuất các loại tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng. Nếu không có sự hỗ trợ của tảo trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô, san hô không thể tồn tại.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện tượng tẩy trắng san hô diễn ra hàng loạt trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO