Triển khai đề án trồng chuối mốc từ năm 2014, đến nay huyện Nam Trà My đã ghi nhận hiệu quả bước đầu từ mô hình này. Đời sống người dân dần ổn định nhờ có thêm thu nhập từ những vườn chuối.
Những ngày này, điểm thu mua chuối mốc trên nóc Long Túc (thôn 4, xã Trà Nam) tấp nập người mua kẻ bán với những buồng chuối nặng trĩu quả.
Chị Nguyễn Thị Thuận (chủ điểm thu mua) cho biết, bắt đầu từ ngày 6.7, người dân từ hai nóc Ngọc Lê và Long Túc tập trung thu hoạch chuối để bán cho thương lái, riêng điểm thu mua của chị đã nhập vào hơn 10 tạ chuối xanh.
“Tôi mua số lượng rất nhiều, toàn bộ số chuối này sẽ được vận chuyển về chợ Bắc Trà My và Tam Kỳ trong nay mai” – chị Thuận nói.
Chị Trần Thị Duyên (nóc Ngọc Lê 3, thôn 4, xã Trà Nam) chia sẻ, gia đình chị hiện có hơn 300 gốc chuối, cho quả quanh năm. Ngoài việc gia đình sử dụng, vườn chuối cũng cho thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/tháng, đặc biệt hai đợt cao điểm trong tháng là rằm và mùng 1, mỗi ngày gia đình chị thu về từ 200 – 300 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND xã Trà Nam khẳng định: “Từ khi triển khai mô hình trông chuối đến nay, đời sống bà con có phần ổn định hơn trước, là động lực để nhiều hộ tham gia đăng ký thoát nghèo. Xã ghi nhận nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng chuối mốc này, đơn cử như hộ ông Trần Văn Phới (thôn 1, xã Trà Nam) thoát nghèo nhờ nguồn thu chính từ cây chuối”.
Để đảm bảo hiệu quả thiết thực cho đề án trồng chuối mốc, huyện Nam Trà My cũng đã đưa ra các phương án tạo đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, năm 2018, cơ sở sản xuất Tuấn Quyên ra đời và trở thành cơ sở đầu tiên thu mua, chế biến chuối, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn – chủ cơ sở Tuấn Quyên cho biết, nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào nên đầu ra sản phẩm khá ổn định. Mỗi tháng cơ sở sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200kg chuối thành phẩm (chuối khô sấy dẻo), bình quân 5kg chuối tươi cho ra 1kg chuối khô, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ 1 tấn chuối nguyên liệu.
Theo ông Trịnh Minh Hải – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, việc triển khai mô hình trồng chuối có cơ sở thực tế là đất đai, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân rất phù hợp. Qua gần 10 năm, tổng diện tích chuối trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt gần 100ha, phân bố tại 9/10 xã (trừ xã Trà Linh).
“Ban đầu, huyện dự kiến tiêu thụ trong và ngoài huyện. Những năm gần đây các đầu mối lớn ở Đà Nẵng đã tiếp cận nên thị trường dần mở rộng hơn. Việc ra đời của cơ sở chế biến như Tuấn Quyên hay các hợp tác xã cũng góp phần tạo sự liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp ổn định đầu ra” – ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn để sản phẩm chuối mốc Nam Trà My mang lại giá trị cao. Trong đó, sự phức tạp của địa hình miền núi đã gây không ít khó khăn, người dân sau khi khai thác chuối phải cõng bộ quãng đường khá xa. Do đó, ngoài tìm kiếm thị trường và nâng chất sản phẩm, về lâu dài huyện Nam Trà My cần xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt giao thông đến vùng nguyên liệu chuối.