(QNO) - Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng nhanh, phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở huyện Duy Xuyên vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đòn bẩy thoát nghèo
Trước đây, gia đình bà Võ Thị Hà (thôn An Lạc, xã Duy Thành) thuộc diện hộ cận nghèo. Được sự hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội LHPN xã quản lý, bà Hà vay 50 triệu đồng để mua 2 con bò giống.
Sau thời gian chăm sóc, bò đẻ được 2 con, bà Hà đã bán và trả hết nợ. Thấy hiệu quả, bà Hà tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Đến nay, bà Hà phát triển đàn bò lên 4 con. Những năm qua, với số tiền bán bò, bà Hà lo cho con cái ăn học, cuộc sống ổn định hơn.
Hay trường hợp của ông Võ Thành Trung (thôn Hà Nam, xã Duy Vinh) với mô hình mở xưởng may công nghiệp. Ông Trung kể, khi lên ý tưởng, bản thân gặp khó khăn về nguồn vốn. Sau khi vay 100 triệu đồng vốn chính sách, ông đầu tư cơ sở vật chất và sản xuất thử nghiệm. Hiện nay, cơ sở của ông giải quyết việc làm cho 20 lao động tại địa phương, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
“Nguồn vốn chính sách đã trợ lực, giúp tôi vượt qua khó khăn để khởi nghiệp bằng chính đam mê của mình. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hơn và nghiên cứu để phát triển vững mạnh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, ông Trung chia sẻ.
Thực hiện Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Duy Xuyên chủ động phối hợp đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng, giúp các hộ đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn. Theo ông Nguyễn Bá Tùng – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Duy Xuyên, đến nay, tổng nguồn vốn đạt 575,4 tỷ đồng, tăng 326,9 tỷ đồng so với năm 2014; nguồn vốn huyện ủy thác cho vay là 6,23 tỷ đồng, tăng 11,3 lần so với cách đây 10 năm. Tổng dư nợ đạt hơn 478 tỷ đồng với 10.619 khách hàng vay vốn.
Ông Tùng nói: “Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài…, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tăng thu nhập cho gia đình”.
Đảm bảo an sinh xã hội
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ’’, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Duy Xuyên triển khai cho vay phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của Nhân dân. Theo ông Nguyễn Bá Tùng, đơn vị luôn thực hiện tốt phương thức ủy thác với 4 tổ chức chính trị - xã hội, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ đó, chất lượng ủy thác vốn vay không ngừng được nâng lên, chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Tùng cho biết: “Mười năm qua, Duy Xuyên có 38.980 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, tạo việc làm cho 14.733 lao động, xây dựng 30.878 công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 1.934 ngôi nhà ở và nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, 18 người chấp hành xong án phạt tù, khoảng 100 khách hàng là người trẻ khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, xác định tiêu chí thu nhập đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, địa phương tích cực lồng ghép thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là “đòn bẩy” để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,79%, cận nghèo còn 0,91%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,2 triệu đồng.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn” - ông Phúc nhấn mạnh.