(QNO) - Người dân hưởng ứng phân loại rác tại nhà và tái chế rác hữu cơ bằng hình thức ủ men để tạo thành phân bón cho cây trồng. Quan trọng hơn hết, việc vận động nhân dân quan tâm đến vấn đề xử lý rác đã tác động tích cực đến tư duy gìn giữ và bảo vệ môi trường ở Tam Dân (Phú Ninh).
Người dân chủ động
Gia đình bà Huỳnh Thị Sư (60 tuổi, thôn Dương Đàn, xã Tam Dân) có 3 người nhưng lại có đến 4 thùng rác.
Rác nhà bà được chia làm 3 loại: rác hữu cơ - phế phẩm từ rau củ quả, thức ăn; rác vô cơ gồm những bao ni-lông, đồ dùng khó phân hủy; rác tái chế là các vỏ chai nhựa, lon thép... 3 loại rác này, bà Sư cho vào 3 thùng rác khác nhau. Khi có nhiều rác hữu cơ, bà cho vào thùng chứa ủ men tạo thành phân bón cho cây trồng.
"Trước đây, cứ bao nhiêu rác thì mình cho hết vào một bao. Để lâu ngày, nhà cửa hôi thối nên phải mang ra ngoài sân, ngoài đường mà để. Chờ đến khi người ta thu gom rồi lại tiếp tục bỏ ra kiểu như vậy. Nhưng từ khi mình phân loại rác nào ra rác nấy như bây giờ thấy khác hẳn. Nhà cửa, bếp núc hay đường sá không còn nghe mùi hôi của rác nữa. Bởi hôi thối là do rác hữu cơ mà mình mang đi ủ rồi. Còn lại là rác vô cơ thì rất ít" - bà Sư nói.
[VIDEO] - Người dân xã Tam Dân nói về hiệu quả của việc phân loại và xử lý rác tại nguồn:
Việc phân loại rác tại nguồn ở xã Tam Dân không chỉ do phụ nữ đảm đương mà còn có sự tham gia nhiệt tình của các thành viên trong gia đình.
Ông Nguyễn Thanh An (53 tuổi, thôn Cây Sanh, xã Tam Dân) từ khi thấy vợ chủ động phân loại rác ra từng thùng cũng học tập làm theo. Ông đảm nhận kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rác. Nhờ nguồn phân này, ông An đã chăm sóc tốt cho vườn rau trước nhà.
Trong nhà, cứ rau củ gì thừa thì bỏ hết vô thùng ủ rồi cho bột vi sinh vào, tầm 2-3 tháng, rác phân hủy thành phân bón. Trong quá trình ủ, mình tận dụng nước rỉ ra ở đáy thùng để tưới cho cây. Rau trái trong vườn sinh trưởng tốt, rau sạch 100% nên mình yên tâm sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh An
Thay đổi tích cực
Theo ông Lê Thành Nhơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Dân, năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn Tam Dân làm địa phương triển khai Dự án mô hình điểm Hội nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn.
Theo đó, Trung ương Hội Nông dân đã hỗ trợ 1.800 thùng chứa rác hữu cơ cho 1.800 hộ dân xã Tam Dân và tập huấn phương pháp xử lý rác bằng phương pháp ủ men, tạo thành phân bón cho cây trồng.
"Chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tham gia mô hình này một cách tích cực nên thời gian qua, đã có những chuyển biến và hiệu quả rõ nét. Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với Hội LHPN xã, vận động hội viên phụ nữ, người trực tiếp tác động đến rác thải tại nguồn, để rồi xử lý triệt để rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ" - ông Nhơn nói.
Trong khi đó, Hội LHPN xã Tam Dân cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, theo dõi và nắm bắt quá trình thực hiện việc phân loại rác tại nguồn của hội viên phụ nữ toàn xã. Đơn vị này còn hỗ trợ hàng trăm thùng rác 2 ngăn cho các gia đình dễ dàng phân loại. Một số hộ dân chưa được cấp thùng rác 2 ngăn cũng đã chủ động sắm cho gian bếp của mình 2 thùng rác riêng biệt.
Ông Võ Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Tam Dân cho biết, trước đây, địa phương có nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Trong đó, chủ yếu là rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi. Tuy nhiên, sau khi triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn do Hội Nông dân và Hội LHPN xã phát động thực hiện đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ đối với môi trường nông thôn.
[VIDEO] - Ông Võ Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Tam Dân chia sẻ về mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn ở địa phương:
"Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn thực ra đã được triển khai nhiều năm, ở nhiều địa phương. Mô hình này không mới, tuy nhiên, ở Tam Dân chúng tôi triển khai thành phong trào, lan rộng đến hầu hết các tầng lớp nhân dân. Ban đầu, họ thực hiện dưới sự giám sát của các hội đoàn thể xã hội. Nhưng sau đó, khi hình thành thói quen và tư duy thay đổi thì người dân không chỉ tập trung phân loại rác tại nhà mà còn có ý thức bảo vệ môi trường ở mọi nơi, từ đồng ruộng, nơi công cộng, quán sá..." - ông Nam cho biết thêm.
Ông Huỳnh Tuấn Nhật - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Phú Ninh cho biết, Tam Dân là địa phương được chọn để đầu tư nhiều nguồn lực triển khai thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đáng ghi nhận như hôm nay đều nhờ vào sự quyết tâm thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân địa phương này.
"Theo thống kê, lượng rác thải mà các đơn vị thu gom ở xã Tam Dân trong thời gian qua giảm từ 30 - 40%. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các ngã 3, ngã 4, khu họp chợ, kênh mương đã hạn chế đáng kể. Phong trào được lan toả mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Phú Ninh đã và đang triển khai nhân rộng mô hình này ở các xã khác" - ông Nhật nói.