Xã hội

Hiệu quả từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở Thăng Bình

ĐÌNH HIỆP - THÀNH CHÂU 17/10/2024 10:42

(QNO) - Nhờ tạo nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, mà nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở Thăng Bình đã tái hòa nhập cộng đồng thành công, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

1016.png
Niềm vui của anh Nguyễn Thành Thái khi giúp gia đình và người dân tại địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Ảnh: HIỆP CHÂU

1. Ngày 2/9/2002, nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, anh Nguyễn Thành Thái (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải) được đặc xá trở về địa phương trước thời hạn (sau khi phải nhận bản án 3 năm từ về tội "Cố ý gây thương tích"). Thế nhưng, khi nghĩ về những gì đã làm, bản thân anh vẫn có sự ái ngại, tự ti trước cộng đồng. Nhưng nhờ hàng xóm, chính quyền, công an quan tâm, động viên anh tìm lại niềm tin và có định hướng mới cho bản thân. Anh Thái chia sẻ, nhờ sự ân cần quan tâm đó đã giúp anh nhận ra mình không bị bỏ lại phía sau, phấn đấu “làm lại cuộc đời” tiến lên phía trước.

[VIDEO] - Anh Nguyễn Thành Thái chia sẻ:

Ngày ra tù, anh Thái cùng các thành viên trong gia đình làm thúng đi đánh bắt cá. Nguồn thu từ việc đánh bắt gần bờ cũng đã giúp anh trang trải cuộc sống.

Đến năm 2013, sau nhiều năm tích góp được số vốn nhất định và vay ngân hàng khoảng 300 triệu đồng, Nguyễn Thành Thái đóng tàu mới (2 tỷ đồng) và bắt đầu làm ăn riêng. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm đi biển và chịu khó học hỏi từ các chủ thuyền khác cộng với “trời yên biển lặng” anh liên tục bội thu trong các chuyến vươn khơi và trả được nợ ngân hàng.

[VIDEO] - Đại úy Phạm Duy Thanh - Trưởng Công an xã Bình Hải nhận xét về anh Nguyễn Thành Thái:

Năm 2020, anh tiếp tục vay vốn đóng thêm tàu mới trị giá 4 tỷ đồng. Hai con tàu không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho nhiều người dân địa phương. Mỗi tháng, anh Thái đã tạo việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người.

1016 (1)(2)
Anh Hồ Hùng thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều (áo đỏ) chia sẻ công việc làm ăn của mình với công an địa phương. Ảnh: HIỆP CHÂU

2. Trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, thời gian đầu, anh Hồ Hùng (thôn Hưng Mỹ, Bình Triều) cảm thấy mặc cảm với cộng đồng. Không có việc làm ổn định nhiều lúc Hùng tưởng như mình bế tắc.

Được sự động viên, chia sẻ tận tình của cán bộ công an, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người vợ của mình, anh Hùng quyết tâm làm lại từ đầu. Anh bàn với vợ vay 100 triệu đồng, cải tạo đất để nuôi tôm ven sông Trường Giang đoạn qua địa bàn xã Bình Triều. Với 6 hồ nuôi tôm diện tích mặt nước 6.000m2 mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài ra, Hồ Hùng còn nhận những người mãn hạn tù về địa phương cùng làm việc với anh.

1016 (1)
Hồ nuôi tôm ven sông Trường Giang của gia đình anh Hồ Hùng. Ảnh: HIỆP CHÂU

3. Anh Đỗ Minh Cường (thôn An Lộc, Bình Định Nam) sau khi thi hành xong án phạt tù về tội buôn bán tiền giả đã tu chí làm ăn phát triển kinh tế. Ban đầu anh Cường lái xe múc cho công trình; sau đó có chút vốn anh đầu tư mua xe múc và xe tải.

Cuối năm 2023, anh được hỗ trợ vay 100 triệu đồng đầu tư trồng hơn 7ha cây keo lá tràm. Đến nay, kinh tế gia đìnhổn định, con cái được ăn học đàng hoàng. “Anh em Công an xã cũng hay điện hỏi thăm sức khỏe, làm ăn thế nào, có việc gì cần thì ra nhờ anh em giúp đỡ, từ đó mình cảm thấy vui và tự tin, không còn mặc cảm nữa” - anh Cường chia sẻ.

1016 (1)(1)
Công an xã Bình Định Nam hỏi thăm công việc làm ăn của gia đình anh Đỗ Minh Cường. Ảnh: HIỆP CHÂU

Trung tá Phạm Việt An - Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Thăng Bình cho biết, để giúp các phạm nhân có đầy đủ nhận thức pháp luật sau khi chấp hành xong án phạt tù tại Nhà tạm giữ công an huyện, đơn vị thường tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ và lắng nghe chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân để từ đó giúp họ có thêm động lực cố gắng lao động, cải tạo tiến bộ để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Thượng tá Trần Duy Phương - Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết, mô hình tái hòa nhập cộng đồng là một mô hình hết sức thiết thực và giàu tình nhân văn để những người chấp hành xong án phạt tù sớm gieo lại mầm xanh cho cuộc đời, tìm được ý nghĩa của cuộc sống và quan trọng nhất là trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

1016 (1)(3)
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tặng quà động viên các phạm nhân tại Nhà tạm giữ Công an huyện Thăng Bình nhân dịp lễ, tết. Ảnh: HIỆP CHÂU

Hiện, Thăng Bình có 764 người trong diện tái hòa nhập cộng đồng và có 22 mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở 22 xã, thị trấn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO