(VHQN) - “Hệ thống trao đổi hàng hóa” ở xứ Quảng hình thành từ thời tiền sử và chợ/chợ phiên đã sớm hiện diện. Theo thời gian, hình hài nhiều chợ phiên mai một, chỉ sót lại chút bóng…
Chợ trong ký ức
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đã khẳng định hệ thống trao đổi hàng hóa ở xứ Quảng hình thành, phát triển liên tục từ thời tiền sử, khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên. Sau đó, được củng cố bởi các vương triều Champa trong suốt nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15; thời hoàng kim vào các thế kỷ 6 - 10, với cảng – thị Hội An... Nhìn bảng vẽ về “mô hình mạng lưới trao đổi ven sông” của nhà nghiên cứu Bennet Bronson (được Trần Kỳ Phương dẫn lại trong cuốn “Nghệ thuật Champa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền – tháp”, NXB Thế giới 2021), chúng tôi hình dung hàng hóa theo các chợ chuyển dần về xuôi cứ như nhánh cây chuyển ngược nhựa sống về phần gốc, rễ.
Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cũng từng đề cập tài liệu cổ “Phủ tập Quảng Nam ký sự”, trong đó nhắc đến chính sách của Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán, người đưa quân vỗ yên vùng biên trấn Quảng Nam hồi giữa thế kỷ 16. Trong tài liệu cổ này, tướng quân Bùi Tá Hán khuyến khích lập các nơi giao dịch, mở chợ phiên cách nhật để người dân miền xuôi, miền ngược trao đổi hàng hóa…
Góp phần gầy dựng nền kinh tế thịnh vượng cho miền Trung, có lý do để nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhắc đến hệ-thống-chợ, được tạo dựng suốt nhiều thế kỷ dựa theo 2 dòng sông chính: Vu Gia, Thu Bồn. Các ngôi chợ trung du đó vừa trực tiếp thu thập sản phẩm miền ngược, vừa cung cấp sản phẩm miền xuôi cho thương lái/các lái (k’lai). Bến Giằng và bến Hiên được xem là 2 “trung tâm trao đổi hàng hóa” chính (chợ/chợ phiên) tọa lạc ở thượng nguồn Vu Gia. Đi dần về phía hạ lưu, cách bến Giằng khoảng 30km có bãi Trầu nằm cạnh sông Cái (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Ở bãi cát lớn này, người Cơ Tu và người Kinh hẹn trao đổi trầu và các loại lâm sản khác.
Có thể kể thêm chợ Hà Tân, Hà Nha, Ái Nghĩa, Phú Thuận, Phú Gia, Túy Loan… Sâu về phía đồng bằng, nhiều tên chợ đã trở thành một phần ký ức của xứ Quảng. Nào phiên chợ chiếu Bàn Thạch buổi sáng sớm ở vùng đông Duy Xuyên. Nào phiên chợ heo độc lạ Bà Rén. Rồi những chợ quê Lai Nghi, Phú Đa, Kiểm Lâm…
Tìm lại dáng xưa
Hội chợ Faifo (Hội An), chợ phiên thời Pháp thuộc, từng được Công sứ Faifo Jérusalémy và Tổng đốc Quảng Nam khởi xướng từ năm 1935. Giờ đây, ở phần “gốc” trên mô hình của Bennet Bronson này (cảng thị Hội An), lại đang thấy có những phiên chợ như thế tái hiện.
Nếu Hội chợ Faifo hồi đầu thế kỷ 20 được tổ chức tại một khu đất rộng ở giữa kè Hải Nam, các phố Boulevard Jules Ferry (đường Hoàng Diệu ngày nay), phố cầu Nhật (đường Trần Phú ngày nay), dọc theo bờ sông gần hội quán Triều Châu… thì bây giờ, khu phố cổ cũng được chọn làm nơi mở chợ phiên trong “Nét xưa phố Hội”. Chợ khởi động từ 24.3.2022, trưng bày các mặt hàng OCOP và sản vật tiêu biểu. Với Năm du lịch quốc gia 2022, Quảng Nam còn có thêm 2 chợ phiên nữa: “Chợ phiên xứ Quảng” mở trong Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An (Đảo Ký ức) và chợ phiên làng chài Tân Thành ở phường Cẩm An.
Từ năm 2021, phiên chợ mở ở bên làng chài Tân Thành do cộng đồng du lịch khởi xướng đã mang hình bóng phiên chợ tết cũ. Giao dịch bằng đồng tiền xu, người đi chợ được khuyến khích mặc áo dài, có thêm nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Du khách có cảm giác như “lạc bước” vào quá khứ…
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, vẫn còn nhớ chợ phiên lớn nhất mà Hội An khởi sự thành công hồi năm 2009, lại là phiên chợ đầu tiên mang tên “chợ văn hóa”. Hồi đó, sản phẩm độc lạ của 34 làng nghề toàn quốc cùng quy tụ, nhóm thợ lành nghề Thanh Hóa đúc ngay tại chỗ chiếc trống đồng để tặng TP.Hội An. Dịp ấy, Giáo sư Trần Văn Khê cũng có cuộc diễn thuyết ấn tượng về đặc trưng văn hóa Việt Nam… Riêng chợ phiên mở khá lặng lẽ ở công viên cây xanh Cẩm Châu (vừa tạm dừng vì “vướng” dịch Covid-19) thì gây nhớ ở góc độ khác, bởi có đông người dân địa phương tham gia định kỳ. “Vì ở đó không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn tạo không gian giao tiếp xã hội, truyền cảm hứng cả cho người sản xuất” - ông Lanh nhớ lại.
Bóng dáng chợ phiên còn thấy thấp thoáng ở các kỳ Hành trình di sản Quảng Nam, với tên gọi khác, “chợ quê”. Chúng tôi từng dạo một phiên “chợ quê” như thế bên bãi bồi An Hội hồi năm 2005, bắt gặp nhóm 3 nữ du khách nước ngoài háo hức thưởng thức quà quê bên trong gian hàng treo bảng hiệu “Bún mắm 3.000 đồng”… Cứ thế, với những “hình hài” đang tái hiện, “bóng” chợ xưa cũng ít nhiều thức dậy, để trên từng dặm dài xứ Quảng đâu đâu cũng có thể neo giữ hồn người.