Mô hình nuôi lươn không bùn thương phẩm ở Đại Cường
Sau gần 7 năm, anh Phan Thanh Hòa (SN 1983, xã Đại Cường, Đại Lộc) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn thương phẩm, đem lại nguồn thu khá.

Trại sản xuất giống lươn của anh Phan Thanh Hòa là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Trước đây anh Hòa làm thợ sơn nước, công việc không ổn định nên tìm hướng trở về quê lập nghiệp.
Anh tìm hiểu về mô hình nuôi lươn không bùn, bỏ vốn vài chục triệu đồng để xây 2 bể nuôi bằng xi măng có lót gạch men, đặt mua 4.000 con lươn giống để thả nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nên số lươn con chết dần, chỉ còn khoảng 300 con. Không nản lòng, anh tìm mọi cách để gầy dựng lại đàn.

Nhiều năm qua, trại lươn anh Hòa đã nhân được 5 bể nuôi lươn thương phẩm theo hình thức cuốn chiếu để bán ra thị trường. Các bể nuôi được xây ở nơi thoáng mát, có mái che và lót gạch men, có diện tích khoảng 6m2/bể giúp dễ vệ sinh, dễ kiểm soát dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc... Với 2.000 con lươn giống thả nuôi ở mỗi bể, cứ sau 8 tháng chăm sóc, năng suất đạt hơn 250kg/bể.
Theo anh Hòa, quan trọng nhất khi nuôi lươn không bùn là nguồn nước phải sạch, nước càng sạch thì lươn càng ít bị bệnh. Sau khi cho lươn ăn xong, phải tiến hành vệ sinh và thay nước ngay. Ngoài việc thay nước 2 lần/ngày thì trên mặt nước nhất định phải rải phao quây làm giá thể để lươn trú ngụ.
“Trại lươn của tôi nuôi theo hình thức cuốn chiếu nên có sản phẩm bán quanh năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Quảng Nam Đà Nẵng, Nghệ An… với giá bán 120-130.000 đồng/kg” - anh Hòa nói.

Cơ sở anh Hòa còn sở hữu 12 bể lươn bố mẹ, mỗi đợt cung ứng hơn 10.000 con lươn giống ra thị trường. Anh Hòa đã tạo môi trường sinh sản cho lươn bố mẹ hệt trong tự nhiên.
Trứng lươn sau khi thu gom sẽ được ấp nở trong bể nước có sục ô xy, khoảng 7 ngày, trứng sẽ nở thành lươn bột. Khi lươn giống được khoảng 3 tháng thì có thể xuất bán với giá trung bình 5.000 đồng/con. Cơ sở của anh Hòa hiện cung cấp lươn giống cho các trại nuôi lươn thịt tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Năm 2023, từ sự hỗ trợ về kỹ thuật, cung ứng con lươn giống từ cơ sở anh Hòa, anh Nguyễn Vạn Tín (SN 1990, xã Đại Cường) đã mạnh dạn xây bể nuôi lươn thương phẩm. Anh Tín đầu tư 2 bể nuôi có diện tích 6,6m2. Sau 8 tháng chăm sóc, 2 bể lươn của anh Tín cho năng suất hơn 500kg, mỗi lứa bán thu về lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Toàn xã Đại Cường hiện có 10 hộ nuôi lươn không bùn theo hướng thương phẩm. Các mô hình đều được anh Phan Thanh Hòa cung cấp con giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm nếu hộ nuôi chưa tìm được đầu ra. Mô hình góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.