Làm giàu chính đáng trên quê hương Đại Lộc
Với sự nỗ lực, kiên trì và sáng tạo, nhiều nông dân ở huyện Đại Lộc đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước làm giàu chính đáng trên quê hương.

Làm giàu từ mô hình nuôi dúi
Năm 2016, sau thời gian làm việc tại Hội Cựu chiến binh xã Đại Cường và nghỉ hưu, nhận thấy kinh tế gia đình còn quá nhiều khó khăn, ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại, Đại Cường) khởi nghiệp từ loài chuột nứa (con dúi).
Tìm hiểu trên mạng internet và đi tham quan một số mô hình kinh tế, ông Sáng nhận thấy, dúi là vật nuôi có hiệu quả kinh tế, lại dễ nuôi, có giá cả tốt.
Vào tháng 8/2016, ông liên hệ trại dúi tại Tiên Phước đặt mua 5 con dúi mốc giống về nuôi thử nghiệm. Qua thời gian nuôi, nhờ sự chăm sóc cẩn thận, đàn dúi sinh trưởng khỏe mạnh. Năm 2018, ông Sáng đầu tư chuồng trại kiên cố với tổng chi phí hơn 50 triệu đồng, tập trung nhân đàn.

Nắm bắt được tập tính của dúi mốc là động vật ngủ ngày, ăn đêm, đặc biệt ưa mát và bóng tối nên ông Sáng trang bị thêm máy phun sương, quạt và lưới che tại chuồng trại, tưới nước lên mái tôn để duy trì nền nhiệt chuồng trại của dúi không quá 33oC.
Ông Sáng cho biết, dúi rất dễ nuôi, ít tốn kém chi phí, ít dịch bệnh lại có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Thức ăn của dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, không bị ôi thiu. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản nhưng phải luôn thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ.
Trung bình, nuôi tầm 3 tháng, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng 3 - 4kg. Còn dúi giống phải đến 8 tháng tuổi mới bắt đầu sinh sản…
Ông Sáng chia sẻ, mỗi ngày, người nuôi chỉ cần cho dúi ăn 2 lần, nếu buổi sáng được ăn tre thì chiều thay bằng thân mía. Ngoài ra còn bổ sung bắp, cỏ voi, cỏ bói, cơm nguội trộn với cám để dúi có thêm chất dinh dưỡng.

Hiện nay, trại dúi của ông Sáng luôn duy trì tổng đàn khoảng 150 - 200 con thuộc giống dúi mốc lớn, trong đó có 50 cặp dúi sinh sản. Bên cạnh việc bán dúi giống cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá thành 1,1 - 1,4 triệu đồng/cặp, ông còn phân phối dúi thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn tại Đà Nẵng với giá 450 - 500 nghìn đồng/kg.
Mỗi năm, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, nhân công, ông Sáng lãi ròng cả trăm triệu đồng, kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Về quê lập nghiệp
Anh Lê Đình Khoa (SN 1985, thôn Phú Phước, xã Đại Minh) ấp ủ khát vọng làm giàu trên đất quê hương ngay từ khi vẫn còn đang tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Năm 2015, về nước, anh Khoa khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ sau thời gian dài tìm hiểu. 5 năm ở xứ người, tích cóp được một số vốn nhất định, anh đầu tư hơn 180 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 50 con thỏ giống New Zealand về thả nuôi.
Nhờ chăm chỉ bám sát đàn vật nuôi, thường xuyên học hỏi, giao lưu, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm từ những người đi trước, đàn thỏ của anh Khoa phát triển ổn định, sinh trưởng tốt.
Hiện nay, anh Khoa đã sở hữu 2 trại nuôi thỏ với tổng diện tích chuồng trại là 260m2, lấy tên là Trại thỏ Tuấn Anh. Trong đó, một trại nuôi thỏ thương phẩm với số lượng tổng đàn luôn duy trì ở mức 700 - 1.000 con, trại nuôi luôn được giữ nhiệt độ trên 30 độ C (trại nóng). Trại còn lại nuôi thỏ sinh sản nên mức nhiệt dao động từ 27 - 30 độ C (trại lạnh) với số lượng khoảng 800 con giống, trong đó có hơn 200 con thỏ mẹ chuẩn bị sinh sản.
Hiện mỗi tháng, trại thỏ của anh Khoa xuất chuồng khoảng 500 con thỏ các loại. Thỏ bán thịt có giá thị trường dao động 100 -120 nghìn đồng/kg (2 - 2,2kg/con), thỏ giống 100 - 150 nghìn đồng/con. Thị trường tiêu thụ thỏ chủ yếu tại Quảng Nam, TP.Đà Nẵng.

“Nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng muốn thành công cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo từng lứa tuổi. Chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và phải luôn nỗ lực, không nản lòng khi gặp khó khăn thì mới thành công được” - anh Khoa chia sẻ.
Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi thỏ đem lại cho gia đình anh Khoa mức lãi ròng khoảng 20 triệu đồng, khoảng 180 - 200 triệu đồng/năm. Trại thỏ Tuấn Anh của gia đình anh Khoa luôn là địa điểm hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ và cung cấp giống thỏ cho nhân dân trong và ngoài địa phương.