Nông nghiệp

Nông dân Đại Lộc ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi

TRIÊU NHAN (hoanglienqn@gmail.com) 24/04/2025 07:59

Những năm gần đây, từ sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc và đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, nhiều hộ chăn nuôi tại Đại Lộc đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Mô hình nuôi bò BBB vỗ béo kết hợp trồng cỏ, trồng cây màu của ông Trần Chiến cho lãi ròng cả trăm triệu đồng/năm. Ảnh: TRIÊU NHAN
Mô hình nuôi bò BBB vỗ béo kết hợp trồng cỏ, trồng cây màu của ông Trần Chiến cho lãi ròng cả trăm triệu đồng/năm. Ảnh: TRIÊU NHAN

Tại xã Đại Thắng, phong trào nuôi bò BBB được nông dân chú trọng khi hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Chiến (thôn Phú Long, Đại Thắng) nuôi 5 con bò BBB vỗ béo.

Ông còn nuôi 2 bò nái phối tinh BBB, bò con đẻ ra được tiếp tục nuôi vỗ béo. Ông Chiến trồng 5 sào cỏ voi và 5 sào bắp nếp lấy cây sau thu hoạch làm thức ăn cho bò; phân bò được ủ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho 1 mẫu đất màu, nhờ đó chuồng nuôi sạch sẽ, khô thoáng.

“So với nuôi truyền thống, nuôi bò BBB vỗ béo hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro đáng kể. Tôi đã nuôi được con bò BBB 18 tháng tuổi đạt 700kg hơi, xuất bán với giá gần 50 triệu đồng” - ông Chiến nói.

Đại Thắng còn có nhiều hộ nuôi bò BBB vỗ béo như ông Lê Biểu, bà Đoàn Thị Hà (thôn Thuận Hòa), ông Phạm Hai, bà Nguyễn Thị Tâm (Phú An), Nguyễn Quang Hòa (Phú Xuân)..., mỗi hộ nuôi tầm 5 - 7 con.

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Trưởng trạm Thú y xã cho biết, mô hình nuôi bò BBB vỗ béo hiện có 7 hộ nuôi với tổng đàn 40 con. Các hộ được cán bộ thú y tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh.

“Thời gian tới, địa phương sẽ thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò vỗ béo Đại Thắng nhằm giúp nông dân học hỏi kỹ thuật chăn nuôi lẫn nhau, có cơ hội tham quan, tìm hiểu đầu ra, giá cả. Thành viên tổ hợp tác có điều kiện được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi” - ông Tuệ chia sẻ.

Mô hình nuôi cá chình bông trong bể xi măng có hệ thống lọc tuần hoàn của hộ anh Lê Văn Dương (xã Đại Tân). . Ảnh: TRIÊU NHAN
Mô hình nuôi cá chình bông trong bể xi măng có hệ thống lọc tuần hoàn của hộ anh Lê Văn Dương (xã Đại Tân). Ảnh: TRIÊU NHAN

Thời gian qua, được sự hỗ trợ 50% con giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Đại Lộc, nhiều mô hình chăn nuôi tuần hoàn gồm nuôi cá, nuôi bò tuần hoàn đã được nhân rộng.

Cụ thể, anh Lê Văn Dương (xã Đại Tân) thả nuôi hơn 600 con giống cá chình trong bể nuôi rộng 35m2 bằng xi măng có đầu tư hệ thống lọc tuần hoàn. Qua 20 tháng thả nuôi, nhiều con đã đạt 1,2 - 1,5kg/con. “Cá này càng nuôi lâu giá trị kinh tế càng tăng, thị trường càng chuộng nên không đáng lo” - anh Dương nói.

Không chỉ anh Dương, anh Nguyễn Can (Đại Quang) cũng được hỗ trợ nuôi 5 bể, với 1.600 con giống; anh Lê Văn Lưu (thị trấn Ái Nghĩa) đầu tư nuôi 1 bể với 300 con giống.

Hội nhóm những người nuôi cá chình Đại Lộc được thành lập gồm 11 hội viên, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi cá, trao đổi về cách thức xử lý, phòng bệnh, chia sẻ thông tin giá cả thị trường.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc chia sẻ, mô hình chăn nuôi tuần hoàn nêu trên được đơn vị triển khai từ năm 2024 và đang duy trì ổn định trong năm 2025.

Trong bối cảnh chăn nuôi hữu cơ là xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, việc nhân rộng mô hình là hết sức cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường khu dân cư.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Đại Lộc ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO