Nông nghiệp

Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn ở Đại Lộc

TRIÊU NHAN 21/02/2025 09:44

Từ năm 2024 đến nay, mô hình chăn nuôi tuần hoàn: nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, chế biến thức ăn và sử dụng phân bò để nuôi trùn quế do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Đại Lộc phối hợp với các địa phương, hộ chăn nuôi triển khai bước đầu giúp người chăn nuôi tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

chan nuoi 4
Mô hình nuôi trùn quế từ chất thải chăn nuôi tại hộ anh Nguyễn Văn Bình (xã Đại Hiệp). Ảnh: TRIÊU NHAN

Hiệu quả bước đầu

Nhờ có diện tích đất vườn rộng tại thôn Tích Phú (xã Đại Hiệp), anh Nguyễn Văn Bình đầu tư nuôi 5 con bò nái sinh sản kết hợp trồng vườn, đào ao thả cá. Mỗi năm, đàn bò nái sinh sản cho 5 bò con giống, chỉ nuôi tầm vài tháng xuất bán giống, anh Bình thu về từ 75 - 100 triệu đồng.

Bên ao cá rộng hơn 2 sào của gia đình, anh Bình thả nuôi cả nghìn con giống trắm cỏ, rô phi, ba sa nước ngọt, lươn, cá trê lai..., mỗi năm anh thu về 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh tìm thông tin, kỹ thuật nuôi trùn quế từ nguồn phân bò thải ra.

Năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc, anh Bình được hỗ trợ một phần chi phí mua trùn giống, vật tư, thiết bị gồm máy cắt cỏ, băm cỏ để ủ chua thức ăn cho bò, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Từ đây, gia đình anh đã tận dụng nguồn phân bò để ủ, làm thức ăn nuôi trùn quế tại 3 chuồng nuôi, mỗi chuồng nuôi rộng 10m2.

“Nếu bán trùn quế để phục vụ nghề câu và nuôi cá, mỗi ký trùn có giá 120 nghìn đồng. Tôi còn sử dụng trùn quế để cho cá ăn, giảm bớt chi phí; phân trùn quế sử dụng bón cho cây trồng hoặc bán ra thị trường” - anh Bình nói.

chan nuoi 1
Trùn quế được anh Nguyễn Văn Bình (xã Đại Hiệp) sử dụng làm thức ăn cho cá. Ảnh: TRIÊU NHAN

Dự kiến, anh Bình sẽ tiếp tục mở rộng khu vực nuôi trùn quế để tận dụng tối đa nguồn chất thải từ chăn nuôi, tránh phát sinh mùi hôi, ruồi nhặng, gia tăng thu nhập.

Theo Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc, với mỗi hộ dân triển khai mô hình chăn nuôi tuần hoàn có tầm 5 con bò sinh sản, trung bình mỗi tháng, nguồn phân bò tươi thu được từ 2.500 - 2.700kg/5 con/hộ. Trong khi đó, 1m2 trùn quế sử dụng từ 250 - 300kg phân tươi/tháng, tạo ra 200kg phân trùn và 1,5 - 2kg trùn tinh/tháng.

Với khu vực nuôi 10m2, cho ra 15kg trùn tinh/tháng. Với giá bán 60 đến 120 nghìn đồng/kg, mỗi tháng thu nhập từ bán trùn tinh được khoảng 1 triệu đồng/hộ. Chưa kể thu nhập từ phân trùn quế với 10m2 trại nuôi là 6 triệu đồng. Lượng trùn quế tạo ra từ mô hình có thể làm thức ăn cho đối tượng vật nuôi khác như gà, cá, giảm thiểu chi phí chăn nuôi...

Hướng đi mới

Năm 2024, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc xây dựng phương án triển khai mô hình chăn nuôi tuần hoàn: “Nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, chế biến thức ăn, sử dụng phân bò để nuôi trùn quế làm nguồn thức ăn cho vật nuôi khác”, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

chan nuoi 2
Cán bộ Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc trao đổi với anh Bình về mô hình. Ảnh: TRIÊU NHAN

Ngoài thôn Tích Phú (xã Đại Hiệp), 2 mô hình còn lại được triển khai tại xã Đại Hồng và Đại Minh. Mỗi hộ chăn nuôi tham gia mô hình có quy mô 5 con bò trở lên. Các hộ tham gia theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân mua giống, vật tư cần thiết để thực hiện mô hình.

Trung tâm KTNN phối hợp với địa phương chọn hộ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hội nghị tổng kết và hợp đồng cán bộ để theo dõi mô hình. Hộ dân đối ứng phần kinh phí còn lại, công lao động và các chi phí khác.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm KTNN huyện chia sẻ, chăn nuôi tuần hoàn với quy trình chất thải được tận dụng làm nguyên liệu của mô hình khác, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Trước kia, mô hình này đã có với sự kết hợp giữa các mô hình vườn - ao - chuồng.

Hiện nay, nhiều dạng mô hình chăn nuôi tuần hoàn đang được triển khai như mô hình trồng cây ăn quả (trồng cây cảnh) - nuôi bò - nuôi trùn quế - đào ao thả cá hay nuôi gà - nuôi trùn quế - trồng rau hữu cơ…

Theo ông Quang, với mô hình chăn nuôi tuần hoàn, người chăn nuôi vừa phát triển chăn nuôi bò, vừa trồng cỏ, sử dụng cỏ trồng, cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp... để ủ, làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò. Nguồn phân bò sử dụng để làm thức ăn nuôi trùn quế.

Nông dân còn được trang bị kiến thức về chăn nuôi, kỹ thuật chế biến thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ một phần máy móc, thiết bị phục vụ chăn nuôi như: máy băm cỏ, máy đóng rơm…, góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành chăn nuôi. Dự kiến, năm 2025, nếu được hỗ trợ nguồn kinh phí, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra một số địa phương trên địa bàn huyện để người chăn nuôi học tập, làm theo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn ở Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO