Bằng việc giao cho các tổ chức đảng, Mặt trận, đoàn thể, các đơn vị… theo sát hỗ trợ các hộ nghèo, Phú Ninh đã tạo nên cách giảm nghèo hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao.
Trợ lực kịp thời
Sau nhiều năm bôn xứ người mưu sinh, ông Ngô Huệ (thôn Thạnh Hòa, xã Tam Đàn) trở về quê với nghề cơ khí học được. “Lúc đó, cha mẹ già yếu, 3 anh chị ruột mất sức lao động nên tôi dẫn vợ con về để chăm sóc gia đình. Không có vốn liếng nên có việc gì làm nấy và gia cảnh khó khăn nên cái nghèo đeo đuổi mãi” – ông Huệ kể.
Qua theo dõi công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TBXH huyện Phú Ninh đã đưa ông Huệ vào danh sách cần được hỗ trợ và đề nghị Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam Chi nhánh Tam Đàn cùng giúp đỡ.
Các đơn vị nói trên đã giúp đỡ vợ chồng ông Huệ 6 triệu đồng để mua giống chăn nuôi, tạo sinh kế. Cùng với đó, Mặt trận huyện Phú Ninh cũng kêu gọi các nhà tài trợ góp 90 triệu đồng cho gia đình ông Huệ xây căn nhà khang trang.
Được động viên kịp thời, vợ chồng ông Huệ ra sức làm lụng. Tận dụng ruộng vườn cha mẹ để lại, ông Huệ cùng vợ trồng lúa, làm hoa màu, mua gà vịt về nuôi. Và ông cũng tranh thủ tất cả thời gian có được để làm thêm…
“Giờ thì mừng lắm vì đã có nhà ở vững chãi nên bớt phần lo nghĩ, chỉ chuyên tâm làm ăn thôi. Vợ tôi nay đã có việc làm ở cơ sở giặt ủi dưới Tam Kỳ, tôi thì dự tính vay mượn để mở xưởng cơ khí nhỏ và làm chuồng chăn nuôi heo…” – ông Huệ hồ hởi tính chuyện tương lai.
Còn ông Nguyễn Đình Thương (thôn An Mỹ, xã Tam An) mãi quanh quẩn trong sự nghèo khó khi nuôi 3 đứa con thì có đến 2 đứa bị khuyết tật, đau ốm triền miên. Cùng với đó, do năng lực lao động của ông bị hạn chế nên việc nâng thu nhập rất bấp bênh.
“Hai vợ chồng không có việc làm mà nuôi các con đau ốm nữa nên mãi vẫn không thể thoát nghèo. May mắn là Đảng ủy, Mặt trận xã Tam An giúp đỡ chúng tôi trong việc xây nhà mới và Hội Phụ nữ xã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay nên mấy năm nay kinh tế gia đình chúng tôi đỡ hơn rồi. Thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn trước nên tôi làm đơn thoát nghèo. Dù còn lắm khó khăn nhưng mình cũng phải tự lực thôi” – ông Thương nói.
Theo ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Phú Ninh, mô hình phân công giúp đỡ các hộ nghèo đã lan tỏa trên toàn huyện với 55 chi bộ, đảng bộ, các cơ quan vào cuộc giúp đỡ các hộ nghèo.
“Hộ nghèo cần nhất là sự động viên, chia sẻ kịp thời nên cách giúp đỡ chi phí sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ nguồn vốn tạo sinh kế, cho vay vốn, xây dựng, sửa chữa nhà ở… là trợ lực hiệu quả để hàng chục hộ thoát nghèo” – ông Long cho biết.
Đồng bộ giải pháp
Phú Ninh hiện có 305 hộ cận nghèo, 488 hộ nghèo, tỷ lệ 2,14% - thấp hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh (7,59%). Trong đó, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 456 hộ, hộ nghèo không có khă năng thoát nghèo do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro, ngoài tuổi lao động là 32 hộ.
Theo ông Lê Thanh Long, thời gian đến, Phú Ninh tiếp tục phát huy mô hình các chi, đảng bộ, cơ quan tham gia giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Địa phương sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”; phát động phong trào thi đua xây dựng thôn, khối phố không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo…
Phú Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và bị bệnh hiểm nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 1,2%. Giai đoạn 2021 – 2025, Phú Ninh đặt mục tiêu mỗi xã có ít nhất một mô hình hoặc dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững có hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Sẽ có 100% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, giúp tăng thu nhập…
“Hằng năm, chúng tôi đều rà soát lại danh sách, từ đó với các trường hợp chưa thoát được nghèo thì tiếp tục đề nghị các chi bộ, đảng bộ tiếp tục sát sao, tìm phương pháp giúp họ vươn lên. Đồng thời, các chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện về giảm nghèo bền vững sẽ được triển khai đồng bộ, tốt hơn để mỗi trường hợp thoát nghèo đều là thoát nghèo thật sự, giảm tình trạng tái nghèo” – ông Long cho biết.