Xã hội

Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào tháng 6/2024:Địa phương phải quyết tâm vào cuộc

NGUYÊN ĐOAN 13/03/2024 10:15

Chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo UBND huyện, thị, thành phố vào sáng 12/3 để nghe báo cáo tình hình xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nêu rõ, các địa phương phải quyết tâm vào cuộc để có cơ sở dữ liệu tích hợp vào phần mềm dùng chung của tỉnh trong tháng 6/2024.

anh-dat-dai-1.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh sáng 12/3. Ảnh: N.Đ

Giai đoạn 1 của Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2011 đến 30/12/2020.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành, sử dụng tại 48 xã, phường của 5 địa phương: Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ.

Sở TN-MT cho biết, giai đoạn 2 thực hiện ở 193 xã còn lại, và trong các năm 2024 - 2026 thực hiện với khối lượng dự kiến đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu cho 74 xã (khoảng 71.398,2/220.256,9ha, chiếm 32,42%), với tổng kinh phí thực hiện hơn 472 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện giai đoạn 2, ông Cao Ngọc Sang - Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính được nhân dân và lãnh đạo huyện rất quan tâm. Cuối năm 2022, HĐND huyện Thăng Bình ban hành nghị quyết và giám sát kết quả thực hiện.

Đầu năm 2023, Thăng Bình lập dự toán cho 11 xã còn lại của giai đoạn 2, tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, chủ trương thực hiện trước 3 xã để khớp nối với 11 xã của giai giai đoạn 1 với kinh phí thẩm định, lập dự toán 32 tỷ đồng.

Ông Sang kiến nghị tỉnh cho chủ trương Thăng Bình xử lý tồn tại đối với 30% trong số 26 nghìn hồ sơ của 11 xã ở giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện hoàn thiện sơ nhằm cấp GCNQSDĐ cho nhân dân. Hồ sơ được lập hơn 10 năm nên đã hư hại, ranh giới biến động lớn cần chỉnh lý.

Với các kiến nghị của địa phương nêu ra tại hội nghị, ông Đào Xuân Nguyễn - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho hay, một khi có cơ sở dữ liệu đất đai thì sẽ sử dụng phần mềm dùng chung cho toàn tỉnh.

Từ năm 2023 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã triển khai thực hiện phần mềm dùng chung mang tính thử nghiệm. Có cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương thì sẽ tích hợp vào hệ thống phần mềm này.

Đối với ý kiến xử lý tồn tại ở giai đoạn 1 của Thăng Bình, theo ông Đào Xuân Nguyễn, đến nay 11 xã này đã đưa lên hệ thống phần mềm và vận hành, xử lý biến động thường xuyên, cấp GCNQSDĐ hằng ngày theo nhu cầu của người dân.

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT lưu ý, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vì mục đích phục vụ công cuộc chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý chuyên ngành về đất đai.

Theo đó, các địa phương khi lập hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai phải hết sức trách nhiệm ngay từ khâu điều tra, khảo sát, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, địa phương cấp xã để số liệu chuẩn xác. “Chúng tôi chỉ phê duyệt thiết kế thẩm định và dự toán trên cơ sở dữ liệu của địa phương” - ông Toàn nói.

Trong việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đo đạc và bản đồ, lập hồ sơ kê khai, đăng ký và xác lập cơ sở dữ liệu đất đai.

Việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chỉ thực hiện khi có nhu cầu, không nhất thiết phải đưa vào thực hiện trong dự án.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo này tại Thông báo Kết luận số 403 ngày 26/12/2023 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên lãnh đạo UBND huyện, thị, thành phố có báo cáo với ban thường vụ cùng cấp để có chỉ đạo mạnh mẽ, có được sản phẩm cuối cùng theo kế hoạch.

Các địa phương phải có sở sở dữ liệu đất đai để tích hợp vào phần mềm chung của tỉnh vào tháng 6/2024. Đây cũng là quyết tâm chung của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào tháng 6/2024: Địa phương phải quyết tâm vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO