(QNO) - Hôm nay 12/10, UBND huyện Thăng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 160 năm ngày sinh chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành (1863 - 2023) để học tập, phát huy nghĩa khí sáng ngời của người chí sĩ có tinh thần yêu nước nồng nàn.
Tấm gương sáng ngời
Nguyễn Thành tự là Triết Phu, hiệu là Tiểu La. Ông sinh năm 1863 tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý, Thăng Bình). Xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở nhỏ Nguyễn Thành nổi tiếng thông minh, hiếu học, chú tâm luyện võ nghệ, nghiên cứu binh thư và các sách về lịch sử, địa lý nên sớm trở thành một người am hiểu nhiều lĩnh vực.
Vào năm 1885, lúc 22 tuổi, ông ra Huế dự kỳ thi hội, gặp vận nước gian nguy, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Tạm gác bút nghiêng, ông về quê tham gia Nghĩa hội Quảng Nam. Dù chỉ là một ấm sinh nhưng các lãnh tụ nghĩa hội vẫn xem trọng tài năng của ông và tin tưởng giao cho ông chức Tán Tương Quân vụ kiêm Tham Biện Tỉnh vụ. Ông đã tham mưu đắc lực trong tổ chức, điều hành nghĩa hội và là một trong những chiến tướng bất bại khi đối đầu với thực dân, tay sai.
Viên quan nhà Nguyễn thân Pháp là Nguyễn Thân đã đánh giá cao về tài quân sự của Tiểu La nên hạ lệnh cho quân sĩ rằng phải bắt sống, không được bắn chết. Đồng thời căn dặn tướng sĩ của mình phải hết sức cẩn trọng đối với ông. Trong lúc giao chiến, cấm không được khinh suất để chuốc lấy thảm bại vì: “trong nghĩa đảng Nam Ngãi, chỉ có Tiểu La là người biết dùng binh”. Cuối năm 1887, Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, các yếu nhân kẻ bị giết, người rơi vào vòng tù tội, Nguyễn Thành cũng bị bắt giam một thời gian rồi cho về quản thúc tại địa phương.
Từ năm 1887 - 1903, Nguyễn Thành chuyên đọc sách răn bảo mọi người làm những điều lành, có ích, có đức, đặc biệt ông quan tâm đến những người nghèo khó, thân cô, thế cô... Cũng trong thời gian này, ông lập Nam Thịnh sơn trang để sản xuất và ẩn thân chờ thời cơ. Tại sơn trang, ông đã gặp gỡ và kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt, nhằm chuẩn bị cho đại cuộc sau này.
Cuối năm 1903, Phan Bội Châu - người đỗ Giải nguyên của xứ Nghệ, một con người ưu tú đã tìm thấy ở Nguyễn Thành tình đồng chí, đồng hành, cùng mưu sự việc cứu nước và hai ông nhanh chóng đi đến thống nhất ra đời Duy Tân hội vào năm 1904. Thế là cuộc vận động Duy Tân hội được vận động và triển khai khắp nơi, được mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Các bước vận động của Duy Tân hội được Nguyễn Thành khái quát: “thu phục nhân tâm - đóng góp kinh phí - mua sắm vũ khí và cầu ngoại viện”. Từ những ý tưởng đó, Nguyễn Thành và Phan Bội Châu hăng hái bắt tay vào công cuộc cứu nước.
Cuộc vận động Duy Tân hội bước đầu đạt kết quả tốt, nhanh chóng thể hiện rõ qua việc phát triển phong trào Đông Du. Nhờ phong trào này mà đã có hàng trăm du học sinh Việt Nam sang Nhật. Cuộc vận động Duy Tân hội không chỉ kích thích được lòng dân mà còn thấy rõ thực lực của một đội ngũ yêu nước nhiệt thành đã cống hiến tài năng, tiền của cho phong trào, trong đó phải kể đến Nguyễn Thành, Tăng Bạt Hổ, Châu Thượng Văn, Thái Phiên…
Năm 1908, Quảng Nam là nơi phát khởi phong trào chống thuế, cự sưu, vây bức buộc quan huyện phải từ chức hoặc phải theo ý dân. Sau đó bọn thực dân tập trung đàn áp phong trào, nhiều yếu nhân bị bắt, bị tù đày. Nguyễn Thành bị bắt ở Bình Định trong lúc đang làm nhiệm vụ. Ông bị kết án 9 năm tù, bị đày đi Côn Đảo và mất vào ngày 11 tháng 11 năm 1911 tại nhà tù Côn Đảo.
Phát huy nghĩa khí Tiểu La - Nguyễn Thành
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, 48 tuổi đời, gần 26 năm hoạt động liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, cụ Tiểu La - Nguyễn Thành đã hiến dâng tất cả cho dân tộc. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của người chí sĩ yêu nước kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Duy Tân hội, Nghĩa hội Quảng Nam trong phong trào Cần Vương. Kỷ niệm 160 năm ngày sinh Tiểu La Nguyễn Thành, lãnh đạo địa phương vô cùng tự hào, trân trọng, biết ơn người con ưu tú của quê hương Thăng Bình và của cả dân tộc, càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương hiện nay.
Theo lãnh đạo huyện Thăng Bình, cần phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Thăng Bình anh hùng, học tập tinh thần yêu nước và nghĩa khí sáng ngời của chí sĩ Tiểu La. Đó là nghĩa hiếu cao cả, lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Ý chí, tấm gương Tiểu La - Nguyễn Thành là sự nhanh nhạy trong thời cuộc, biết quy tụ, biết phát huy sự đoàn kết để làm nên sức mạnh. Học cụ Tiểu La - Nguyễn Thành, huyện Thăng Bình phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực, phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, học tập, phát huy tinh thần của chí sĩ yêu nước Tiểu La - Nguyễn Thành, Đảng bộ, chính quyền huyện không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Huyện chú trọng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội. Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức quần chúng. Huyện Thăng Bình tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình quyết tâm đổi mới vươn lên đưa quê hương ngày một phát triển và thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đông nam của tỉnh.