Học sinh muốn tham gia giao thông an toàn: Những điều cần ghi nhớ

CÔNG TÚ 27/09/2023 10:00

(QNO) - Học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông cần phải tuân thủ quy tắc và quy định của pháp luật về an toàn giao thông để bảo vệ chính mình và bình yên cho người khác.  

Học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện phải đội MBH để an toàn cho chính mình. Ảnh: C.T
Học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện phải tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm. Ảnh: C.T

Hành vi nguy hiểm

Lâu nay, thực trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều học sinh còn chạy xe vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lấn vào làm đường dành cho xe ô tô...

Đội MBH là quy định bắt buộc đối với người điều khiển hoặc ngồi trên mô tô, xe gắn máy, kể cả xe đạp điện. Đội MBH có tác dụng bảo vệ phần đầu khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Nếu không đội MBH, người bị TNGT dễ chấn thương sọ não, thường dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Theo các nhà chuyên môn, MBH đúng quy định phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật. 

Không được chở 3 khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: C.T
Không được chở 3 khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: C.T

Đáng lưu ý, pháp luật quy định trẻ em 6 tuổi trở lên phải đội MBH. Thế nên, người điều khiển, người ngồi sau xe đạp điện khi tham gia giao thông phải đội MBH. Bởi lẽ, nguy cơ xảy ra TNGT đối với học sinh đi xe đạp điện ở mức cao, trước hết là do các em chưa nắm kỹ quy tắc lái xe an toàn, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống bất ngờ trên đường. Cùng với đó, phương tiện này có trọng lượng nhẹ, đi êm không phát ra tiếng động, tốc độ tối đa có thể lên tới 30km/h, thậm chí có xe “sở hữu” tốc độ đạt 40km/h (phần lớn nhập từ Trung Quốc), tương đương xe máy dung tích 50cc (50 phân khối).

Điều khiển xe đạp điện chạy với vận tốc trên 25km/h dễ bị mất thăng bằng do xe nhẹ, đường kính bánh xe nhỏ dẫn tới độ ma sát giảm dần, độ văng lớn rất khó kiểm soát. Đáng chú ý, kỹ năng vận hành từ phía các em còn hạn chế và thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm, té ngã mà đầu không đội MBH gây ra hệ lụy đau lòng.

Hãy bảo vệ chính mình

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam - ông Phan Đức Tiễn chia sẻ, hành vi lấn làn, lấn đường chính là một trong số nguyên nhân chính dẫn tới TNGT. Trong đó, học sinh - sinh viên là đối tượng dễ bị kích động thường thách đố nhau lạng lách, đánh võng trước đầu xe máy, ô tô. Đáng báo động, học sinh chưa đủ 16 tuổi đã điều khiển xe máy từ 50 phân khối (dung tích xi-lanh 50cm3) trở lên khá nhiều mặc dù pháp luật không cho phép. 

Hãy đội MBH đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: C.T
Hãy đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: C.T

Tham gia giao thông đúng quy định và có trách nhiệm cần sự vào cuộc ngay từ phía gia đình. Đơn cử cha mẹ chấp hành Luật Giao thông đường bộ như: không vượt đèn đỏ, đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu; đội MBH mỗi lần ngồi trên xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông khi đã tròn 6 tuổi; điều khiển xe máy dưới 50 phân khối nếu đã đủ 16 tuổi; đủ 18 tuổi nhưng phải có giấy phép lái xe mới được chạy xe máy 50 phân khối... Từ đó góp phần nâng cao ý thức, định hình thói quen tham gia giao thông an toàn cho con.

Xây dựng ý thức tham gia giao thông đối với học sinh, sinh viên không phải ngày một ngày hai mà cả một quá trình. Trong đó, gia đình là tấm gương để các em noi theo, làm sao để thay đổi tích cực từ gốc rễ mới mang lại ATGT một cách bền vững.

[VIDEO] - Đối thoại giữa Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam với học sinh Trường THPT Duy Tân (TP.Tam Kỳ) về nguyên do vì sao không được đi xe máy 50 phân khối khi chưa đủ tuổi quy định:

Hãy nhớ, đội MBH đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, kể cả xe đạp máy, xe đạp điện là một trong những biện pháp phòng tránh hậu quả của TNGT hữu hiệu nhất, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho chính các em.

Hành động đội MBH thể hiện ý thức trách nhiệm tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông, các em không được vượt đèn đỏ. Bởi lẽ, người tuân thủ nghiêm túc đang lưu thông dễ bị đối tượng cố ý vượt đèn đỏ chạy với tốc độ nhanh tông vào, gây mất an toàn cho bản thân và bạn đồng hành.

Đang lưu thông trên đường, các em không được đi song song bên cạnh xe tải, xe buýt…để núp mát. Ông Phan Đức Tiễn giải thích, hai bên thân xe lớn vừa đề cập là “điểm mù”. Từ vị trí ngồi của tài xế xe tải, họ không thể quan sát từ cabin ở cả hai bên thân xe. Khi tài xế xe tải cần chuyển hướng, bạn sẽ gặp tai nạn nếu chạy song song với xe tải.

Đối mặt với nguy cơ bị TNGT, học sinh vi phạm trật tự ATGT còn phải chịu chế tài xử phạt của pháp luật.

Người không đội MBH sẽ bị phạt tiền 400 - 600 nghìn đồng.  

Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe dưới 50 phân khối.

Phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.

Đối vớihành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe, phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện; phạt tiền từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.

Điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ, đèn vàng bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh muốn tham gia giao thông an toàn: Những điều cần ghi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO